Mới đây, dư luận bàng hoàng trước sự việc em T.T.P.L, học sinh lớp 7A, trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lại 2 bức thư tuyệt mệnh và treo cổ tự tử ngay tại lớp học.
Trước cái chết bất ngờ của con gái, anh Trần Văn Cảnh (SN 1976), xóm Nhân Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) buồn đau và hối hận vì sáng hôm xảy ra vụ việc anh đã trách mắng con về chuyện học hành sa sút.
Hiện trường vụ việc |
Từ câu chuyện này, phải chăng, cha mẹ đã chọn sai cách dạy con đẩy những đứa trẻ đến bước đường cùng? Có lẽ nào “yêu cho roi, cho vọt” không còn phù hợp với xã hội hiện đại? Đi tìm lời giải cho những câu hỏi ấy, PV ANTT đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất.
Ông Nguyễn An Chất cho rằng, khi con cái mắc lỗi, cha mẹ chưa lắng nghe nguyên nhân mà vội vàng dùng bạo lực (cả về thể chất lẫn tinh thần) với trẻ là phản giáo dục. Cách dạy con hà khắc của nhiều cha mẹ gieo vào những tâm hồn trẻ thơ nỗi sợ hãi, ám ảnh và đẩy xa khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.
“Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, phải để con tâm phục, khẩu phục. Chửi mắng, đánh đập, con chỉ sợ hãi ban đầu nhưng lâu dần sẽ phản tác dụng. Những lời lẽ xúc phạm, không hay sẽ làm găm vào đầu khiến trẻ bị tổn thương lòng tự trọng hoặc làm chúng trở nên trơ lì trước đòn roi. Trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành”, ông Chất chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất |
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, khi con mắc lỗi, cha mẹ không tự nhìn nhận trách nhiệm của mình. Nhiều gia đình cha mẹ tự cho mình quyền được quát mắng con nhưng lại lơ là việc quản lý, giáo dục. Cha mẹ cũng phải vượt qua nỗi sợ của chính mình đó là sợ con học không bằng bạn bè, sợ con không đạt được danh hiệu học sinh giỏi… Để rồi cha mẹ lại biến nỗi sợ ấy thành gánh nặng trên vai các con khiến chúng căng mình chống chọi với áp lực.
Trả lời câu hỏi tại sao ngày xưa, đòn roi con thành tài, bây giờ đánh mắng lại mất con, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, ngày xưa, gia đình thường đông con, trẻ tự lập hơn, rắn rỏi hơn. Ngày nay, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 đứa con nên cha mẹ dồn hết yêu thương, chăm sóc, chở che, bảo bọc khiến “sức đề kháng” của trẻ yếu nên dễ bị tổn thương, sang chấn tâm lý.
Gia đình, nhà trường, xã hội đang chú trọng đến học thật nhiều chứ không gợi mở và nâng cao tư duy cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự quyết định chính mình mà chỉ muốn trẻ làm theo.
Thêm một nguyên nhân mà ông Chất đưa ra đó là: “Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, trẻ bủa vây bởi nhiều nguồn thông tin đặc biệt là mạng xã hội, chúng tác động rất lớn đến định hướng hành động của trẻ. Ví dụ trẻ bắt gặp một câu chuyện giống câu chuyện của bản thân và nhân vật trong câu chuyện ấy tìm đến cái chết để giải quyết mọi chuyện. Trẻ lầm tưởng rằng đó là cách tốt nhất và có xu hướng bắt chước theo”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất đưa ra lời khuyên, khi con mắc lỗi, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, không đánh mắng con trong lúc đang nóng giận. Lúc này phụ huynh khó kiểm soát được cảm xúc và chính sự nóng nảy của phụ huynh làm trẻ có những phản ứng tiêu cực.
Cha mẹ hãy đi tìm ngọn nguồn nguyên nhân dẫn đến hành vi của con. Khi ấy, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, giải thích để trẻ nhìn nhận đúng sai.
Tác giả: Mạnh Long
Nguồn tin: antt.vn