Tăng tốc rú ga bỏ chạy; thu giấu hoặc tiêu hủy tang vật xuống biển; quăng lưới bùng nhùng vào chân vịt tàu lực lượng chức năng; sử dụng gậy gộc, mỏ lết, tay quay ngăn cản việc kiểm tra… Đó là những hành vi chống đối của hầu hết tàu cá vi phạm quy định về đánh bắt thủy hải sản bằng ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện trên vùng biển Hà Tĩnh.
90% tàu vi phạm là tàu ngoại tỉnh
Trong bối cảnh tàu dã cào công suất lớn đổ xô vào đánh bắt vùng biển ven bờ Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT gần như bó tay trước những hành vi quá khích, chống đối của tàu vi phạm vì thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ. Rất may “móng tay nhọn” của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sinh kế cho ngư dân địa phương.
BĐBP tăng cường truy quét tàu vi phạm cả ngày lẫn đêm |
Thượng tá Phan Văn Minh, Đồn trưởng Đồn BP Cửa Sót, huyện Lộc Hà cho hay, nhiệm vụ chính của BĐBP là tuần tra bảo vệ biên giới trên biển chứ không phải bắt giữ các vụ vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, chứng kiến tàu dã cào đơn và dã cào đôi lộng hành, vừa quét hết nguồn lợi thủy sản ven bờ vừa “ăn” luôn ngư lưới cụ của ngư dân 6 xã bãi ngang 2 huyện Thạch Hà, Lộc Hà nên BP không thể khoanh tay đứng nhìn.
Đồn đã cử lực lượng bám tàu của ngư dân địa phương tuần tra hàng ngày để kịp thời phát hiện, đẩy đuổi hoặc bắt giữ, xử lý nhằm tăng tính răn đe. “Thực trạng này bắt đầu nhức nhối từ khoảng 5 năm trở lại đây. Đáng nói là tàu cá vi phạm 90% là tàu ngoại tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An”, thượng tá Minh nói.
Là người trực tiếp tham gia truy quét tàu cá khai thác bất hợp pháp, thượng úy, Trạm trưởng Trạm kiểm soát BP Cửa Sót (Đồn BP Cửa Sót) Nguyễn Mậu Tuấn cho hay, hàng năm Kiểm ngư và Chi cục Thủy sản vẫn phối hợp với các Đồn BP tuần tra, phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm nhưng do tàu của lực lượng chức năng quá bé so với công suất tàu vi phạm nên giải pháp xử lý chủ yếu là “đi theo” để xua đuổi, vì thế khiến tàu vi phạm “nhờn” pháp luật.
“Muốn BĐBP hỗ trợ các ngành chức năng khác ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp thì Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cần trang bị cho Đồn BP Cửa Sót một chiếc tàu công suất ít nhất phải chịu được sóng, gió cấp 5, cấp 6. Còn sử dụng chiếc ca nô của Đồn hiện có như bây giờ thì không thể ngăn chặn hiệu quả”, thượng tá Phan Văn Minh nhấn mạnh.
Thượng tá Minh phân tích, lâu nay Đồn phát hiện rất nhiều tàu cá vi phạm quy định khai thác nhưng do thiếu phương tiện nên Đồn phải điện đàm đến tàu công suất lớn (4.000CV) của Hải đội 2 (Bộ đội BP Hà Tĩnh) để phối hợp trấn áp. Đáng bàn là tàu của Hải đội 2 không phải lúc nào cũng ở gần khu vực biển Lộc Hà. Có khi neo ở thị xã Kỳ Anh, khi nằm ở huyện Nghi Xuân…, nên nếu muốn trấn áp, tàu Hải Đội 2 phải di chuyển mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên khi di chuyển đến vùng biển Lộc Hà không ít lần tàu vi phạm đã “cao chạy xa bay”.
Hiểm nguy rình rập
9 - 10 giờ đêm hôm nay đến 5 giờ sáng hôm sau là quãng thời gian tàu dã cào hùa nhau đổ vào vùng biển gần bờ “ăn” cá. Thời gian này cũng là lúc BĐBP thức trắng đêm “canh” tàu vi phạm. Thông thường Hải đội 2 sẽ phối hợp với các Đồn BP đóng tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh… tổ chức truy quét, nhưng khi thiếu phương tiện, các Đồn BP chủ động kinh phí thuê, mượn tàu của ngư dân để tuần tra, kiểm tra.
Đại úy Nguyễn Mậu Trung, Trạm kiểm soát BP Cửa Hội (Đồn BP Lạch Kèn) và Trạm trưởng Trạm kiểm soát BP Cửa Sót Nguyễn Mậu Tuấn đều chia sẻ, trước đây việc thuê, mượn tàu của ngư dân khá thuận lợi, song gần đây cách làm này gần như không triển khai được nữa do ngư dân lo sợ bị các tàu cá vi phạm trả thù.
Thượng úy Tuấn cho biết, việc tuần tra thường xuyên của BĐBP đã hạn chế được khá nhiều hành vi vi phạm của các tàu dã cào. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, vất vả.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra hồi tháng 7/2018, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của Bộ chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh. Một Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn nhấn mạnh: “Mặc dù nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp là của lực lượng Kiểm ngư và các đơn vị chuyên ngành của Sở NN-PTNT nhưng phải khẳng định, hầu hết các vụ vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời là nhờ công của các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh”. |
|
Tịch thu tang vật vụ việc |
Trước hết là đối mặt với muôn kiểu chống đối của tàu vi phạm. Phổ biến là tăng tốc rú ga bỏ chạy, kể cả khi lực lượng chức năng nổ súng pháo hiệu; thu giấu hoặc tiêu hủy tang vật xuống biển; quăng lưới bùng nhùng vào chân vịt tàu lực lượng chức năng. Khi BĐBP tiếp cận được thì dùng lời lẽ thô tục thách thức, thậm chí sử dụng gậy gộc, mỏ lết, tay quay ngăn cản việc kiểm tra…
“Đêm nào sóng yên biển lặng việc tuần tra còn đỡ vất vả nhưng những ngày mưa to, gió lớn, sương mù dày đặc, người nào người nấy ướt sũng như “chuột lột”. Tầm nhìn hạn chế nên muốn về đất liền chúng tôi phải định vị bằng cách “bắt bờ”, “bắt phao” qua các ngọn núi.
Việc định vị bằng cảm quan này có khi khiến thời gian vào bờ kéo dài hơn thực tế 2 – 3 tiếng đồng hồ”, đại úy Nguyễn Mâu Trung kể.
Chưa hết, trong quá trình tiếp cận tàu vi phạm không ít lần lực lượng chức năng rơi xuống biển, hư hỏng tài sản như điện thoại, ví tiền… Trường hợp mới đây nhất, một chiến sỹ Hải đội 2 không may rơi xuống biển khi tiếp cận cặp tàu dã cào tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 92049 và QNg 92903 vi phạm vùng khai thác trên khu vực biển Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Hay vụ việc xảy ra cách đây gần 2 năm. Khi tàu Kiểm ngư tổ chức tuần tra định kỳ, phát hiện 2 tàu dã cào cũng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, gồm QNg 97524 và QNg 97525 (công suất 400CV/chiếc) đang khai thác ven bờ. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, đột ngột tàu vi phạm tăng tốc bỏ chạy.
Sau hơn một giờ truy đuổi, đe dọa bằng vòi rồng, tàu vi phạm khiên cưỡng chấp hành hiệu lệnh. Quá trình tiếp cận tàu vi phạm một cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh rơi xuống biển, rất may chỉ bị thương nhẹ.
“Mặc dù chấp hành lệnh dừng tàu nhưng chủ tàu Lê Đình Ốc chống đối việc xử lý vi phạm. Lực lượng kiểm ngư phải bàn giao cho BĐBP sử dụng biện pháp mạnh là tạm giữ tàu và tạm giữ người mới xử lý được vụ việc này”, ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin thêm.
Kinh phí cấp cho việc mua nhiên liệu cũng đang rất hạn chế. Đơn cử, một lần di chuyển từ thị xã Kỳ Anh ra vùng biển Lộc Hà (36 hải lý) bình quân tàu Hải đội 2 “uống” hết trên dưới 1.500 lít dầu, nếu nguồn ngân sách cấp thiếu tương xứng thì hiệu quả của việc truy quét tàu vi phạm như “muối bỏ biển”. Chỉ tính từ tháng 4/2018 đến nay Đồn BP Cửa Sót phối hợp Hải đội 2 đã phát hiện, bắt giữ đến 7 vụ tàu dã cào sử dụng kích điện để khai thác thủy sản ven bờ. Trong đó, có 1 cặp tàu dã cào của của ngư dân Lộc Hà (Hà Tĩnh), số còn lại là tàu của các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi. |
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam