Tối 27/5, trao đổi với Tuổi Trẻ việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ông Hoàng Bá Cường – Giám đốc Công ty Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP-POC, thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí VN – PVEP) cho biết, ngoài yếu tố chính trị, về mặt kỹ thuật, đó là chuyện bình thường của công đoạn khoan, thăm dò dầu khí.
Vị trí mới của giàn khoan Hải Dương 981 chiều 27/5. |
Theo ông Cường, vị trí ban đầu của việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 có thể có nhiều khả năng về kỹ thuật không phù hợp nên Trung Quốc tiếp tục di chuyển giàn khoan để hạ đặt trái phép. Ví dụ như vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá hoặc đáy biển chưa phù hợp, hay có thể có dấu hiệu của khí nông nên không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng.
“Việc dịch chuyển giàn khoan trong phạm vi như thông tin đã nêu chưa nói lên điều gì”, Tuổi Trẻ dẫn lời ông Cường nói và cho biết, trong gần một tháng qua, Trung Quốc cũng chỉ khoan, thăm dò, khảo sát được tầng trên bề mặt hoặc nếu khoan cũng chỉ có thể khoan được tầng khí trên bề mặt, chưa thể khoan sâu được.
Còn ông Lê Trí Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC (PTSC G&S, thuộc Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí – PTSC), cũng khẳng định về mặt kỹ thuật có thể Trung Quốc gặp sự cố trong khi khoan và “thật ra việc này trong khoan, thăm dò dầu khí là bình thường”.
Cũng theo ông Thành, vùng biển Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép sâu khoảng 1.160 mét thì công nghệ hiện đại trên thế giới hiện tại phải ít nhất một tháng mới khoan được. Trên thế giới hiện chỉ có 7 giàn khoan làm được ở độ sâu như trên.
Video5h30 sáng nay, 2 tàu kéo của Trung Quốc đã di dời giàn khoan Hải Dương về phía Đông Nam đảo Tri Tôn (thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) 25 hải lý.
Trong khi đó, hôm 27/5, Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thông báo, hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong hoạt động khoan dầu và thăm dò gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sau khi “thu thập dữ liệu địa chất liên quan trong giai đoạn thăm dò thứ nhất”, công ty này cho hay, “hoạt động thăm dò dầu khí sẽ chuyển tới một vị trí khác để phục vụ giai đoạn hai”. Hoạt động thăm dò dầu khí do giàn khoan Hải Dương 981 thuộc COSL thực hiện bắt đầu từ ngày 2/5 và kết thúc vào giữa tháng 8.
Sáng sớm 27/5, hai tàu Hải Dương 612 và 613 kéo giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn. 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan ở cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về hướng Đông Đông Nam, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km.
Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông: 5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay… đến vùng biển này. Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam. Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam. |
Nguyễn Phương