Thế giới

Tàu đổ bộ tương lai được ví như 'vũ khí kỳ diệu' của Mỹ

Tàu đổ bộ USS Bougainville được trang bị khoang hở, có thể thực hiện cả nhiệm vụ đổ bộ đường không và đường biển.

Tàu đổ bộ lớp America nguyên gốc không có khoang hở phía sau. Ảnh: USNI.

Hải quân Mỹ hồi giữa năm nay ký hợp đồng trị giá ba tỷ USD với nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries (HII) để thiết kế và đóng tàu tấn công đổ bộ USS Bougainville (LHA-8). Là phiên bản cải tiến của tàu đổ bộ lớp America, chiến hạm này được ví như vũ khí kỳ diệu trong tác chiến đổ bộ tương lai của Mỹ, khi có thể thực hiện cả nhiệm vụ đổ bộ đường không và đường biển cùng lúc, theo Scout.

Khác với hai chiếc đầu tiên của lớp America, vốn chỉ tập trung vào năng lực đổ bộ đường không, USS Bougainville sẽ được trang bị khoang hở để hỗ trợ khí tài đổ bộ đường biển. Việc tích hợp khoang hở lên lớp America là yếu tố then chốt trong chiến lược tác chiến đổ bộ trước môi trường đe dọa hiện đại, được hải quân Mỹ nghiên cứu trong nhiều năm qua.

Sau nhiều năm tiến hành chiến tranh trên bộ ở Iraq và Afghanistan, nhiều chiến lược gia Mỹ nhận thấy cần tăng cường mô hình đổ bộ hiện đại để đủ sức đối phó với những đối thủ mạnh như Nga và Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chỉ huy chiến trường cần có thêm khả năng tiến công để đối phó lực lượng phòng thủ bờ biển, đặc biệt ở những nơi không quân khó có khả năng tiếp cận.

Thiết kế khoang hở sẽ giúp thủy quân lục chiến Mỹ triển khai hai tàu đổ bộ đệm khí hoặc một tàu đổ bộ cỡ lớn từ đuôi tàu USS Bougainville. Chúng sẽ giúp lực lượng đổ bộ vận chuyển lượng lớn binh sĩ và các khí tài chiến đấu hạng nặng vào bờ, nhiệm vụ vốn bất khả thi với các trực thăng đổ bộ đường không trên lớp America.

Các đối thủ tiềm tàng của Mỹ hiện nay đều sở hữu vũ khí tầm xa trang bị cảm biến hiện đại, sử dụng công nghệ dẫn bắn tối tân, buộc lực lượng đổ bộ phải phân tán để giảm thiểu rủi ro trong những chiến dịch tấn công hiệp đồng. Khả năng triển khai lực lượng từ trên không và mặt biển sẽ đáp ứng yêu cầu này, giảm thiểu nguy cơ mất sức chiến đấu khi một lực lượng bị đối phương vô hiệu hóa.

Khoang hở trên tàu đổ bộ USS Anchorage. Ảnh: USNI.

Tốc độ và sự cơ động cũng là yếu tố cơ bản trong chiến dịch đổ bộ. Hải quân Mỹ đang nghiên cứu phương tiện đổ bộ tốc độ cao, phù hợp phương án tấn công chớp nhoáng từ ngoài đường chân trời, giúp tàu mẹ ở khoảng cách an toàn trước hỏa lực đối phương. Kết quả là khả năng sử dụng nhiều loại phi cơ khác nhau cho mục đích đổ quân và chế áp hệ thống phòng thủ bờ biển trên lớp America.

Mỗi tàu đổ bộ lớp America có thể mang theo 31 máy bay, gồm 12 trực thăng lai MV-22 Osprey và trực thăng CH-53 Super Stallion, trực thăng tấn công AH-1Z Super Cobra, trực thăng đa dụng UH-1Y Huey và MH-60 Sea Hawk, cùng siêu tiêm kích F-35B.

Tốc độ và tầm hoạt động của MV-22 kết hợp hệ thống cảm biến và vũ khí trên tiêm kích F-35B hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về bản chất chiến tranh đổ bộ của Mỹ. Hải quân Mỹ có thể di chuyển vũ khí trang bị và lính thủy đánh bộ lên đất liền bằng trực thăng lai MV-22. Trong khi đó, tiêm kích F-35B sẽ yểm trợ hoạt động đổ bộ, tấn công yểm trợ mặt đất và chế áp hỏa lực phòng không đối phương.

Tàu USS Bougainville dự kiến khởi đóng từ năm 2018 và bàn giao cho hải quân Mỹ trong năm 2024.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP