Kinh tế

Sắc xanh trên cánh đồng Can Lộc

Đông xuân 2011-2011 có thể xem là một vụ sản xuất đặc biệt ở huyện lúa Can Lộc. Chưa bao giờ việc tranh luận về các trà lúa, giống lúa lại nóng bỏng, sôi động từ các cuộc nghị trường tới cả những buổi bàn bạc của người nông dân bên ấm nước chè xanh. Cái rét khắc nghiệt vẫn chưa hề dứt, như cố tận diệt thành quả của người trồng lúa. Cánh đồng nhấp nhô những ruộng mạ phủ ni lông trắng xóa ủ ấm mầm xanh non.


Nghị quyết vì dân


Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc được hình thành từ quá trình trăn trở vì quyết tâm nâng cao năng suất và sản lượng lúa của địa phương; từ quá trình tìm hiểu thực tiễn sản xuất ở các địa phương có điều kiện sản xuất tương đồng, trong đó bài học chính là thành công trong 10 năm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở huyện lúa Yên Thành (Nghệ An). Mục tiêu đề ra là trước mắt bỏ hẳn trà xuân sớm và giống lúa IR1820, giảm dần trà xuân trung, tiến tới chỉ cơ cấu trà xuân muộn; tạo bước đột phá trong sản xuất đông xuân.


Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết gắn với triển khai sản xuất đông xuân, toàn huyện đặt quyết tâm nói không với trà lúa xuân sớm và loại giống cũ có nhiều điểm yếu; kiên quyết bắc mạ phủ ni lông cho mạ xuân trung và xuân muộn.


Mô hình cánh đồng mẫu 3 cùng: cùng xứ đồng, cùng loại giống, cùng thời gian xuống giống và thu hoạch được huyện tập trung chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để triển khai xây dựng.


Nét mới của việc học tập kinh nghiệm lần này, đó là huyện tổ chức hội nghị mở rộng và mời lãnh đạo huyện Yên Thành trực tiếp trao đổi, thống nhất và truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn tới tận xóm trưởng và bí thư chi bộ của 23 xã, thị trấn.


Quyết tâm gắn liền với hành động. Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và các phòng, ban tổ chức các đoàn công tác bám sát từng xã để chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện; đội ngũ cán bộ kỹ thuật được huy động tối đa hướng dẫn và cùng với bà con ứng dụng quy trình sản xuất.


Vào cuộc mới càng nhận thấy rõ sự khó khăn, nhạy cảm khi phải “công phá” bức tường thành kiên cố là tư tưởng bảo thủ, ngại đổi mới của người nông dân. Không ít việc không mong muốn đã phát sinh, nhiều luồng dư luận, ý kiến trái chiều cùng tranh cãi quyết liệt ngay ở mỗi xóm thôn, thậm chí trong mỗi gia đình.


Để mở đường, đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở đã gương mẫu đi trước, mỗi tổ chức hội đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động và giao trách nhiệm cho hội viên mình. Sự lan tỏa ngày càng rộng khi những người tiên phong không chỉ làm gương mà còn vận động anh em, gia đình, xóm giềng của mình cùng làm.


Kết quả là trà xuân sớm năm nay, thay cho hơn 3.200 ha xuân sớm như đông xuân các năm trước, toàn huyện chỉ còn khoảng 1.400 ha được xuống giống bằng phương thức gieo thẳng. Và đúng như khuyến cáo của ngành chuyên môn, những đợt rét đậm dai dẳng kéo dài hàng tháng trời ngay từ đầu vụ đã xóa sổ cơ bản diện tích trà lúa xuân sớm và khoảng 300 ha trà xuân trung không áp dụng đúng quy trình bắc mạ phủ ni lông.


Như vậy, cả vụ sản xuất chính trong năm lúc này chỉ còn nhìn vào trà xuân muộn. Huyện tranh thủ mọi nguồn lực, dồn sức hỗ trợ nông dân bổ cứu sản xuất. Hàng chục tấn lúa, hàng trăm tấn ni lông được kịp thời đưa về giúp người dân bắc mạ làm xuân muộn thay cho xuân sớm và xuân trung. Cả vụ sản xuất, Can Lộc đã dành hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân mua giống mới và ni lông che phủ mạ.


Sắc xanh trên đồng ruộng


Chúng tôi về Tùng Lộc – một trong những địa phương mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu trà lúa và giống lúa đông xuân khi phần lớn diện tích lúa đã phủ kín màu xanh.


Nếu như năm ngoái, trà xuân sớm đang chiếm 50% và giống IR1820 chiếm hơn 60% tổng diện tích lúa thì đông xuân năm nay 100% diện tích của xã được bố trí trà xuân muộn với các loại giống: lúa lai và lúa chất lượng cao.


Chị Phan Thị Đệ ở xóm Minh Tiến vừa thoăn thoắt tay cấy vừa vui vẻ chia sẻ niềm vui: “Nhà chỉ còn 2 lao động nhưng năm nay nghe theo vận động của xã, vợ chồng tôi cũng cố gắng bắc mạ cấy. Cả đợt rét dài như thế, may mà thực hiện đúng quy trình, phủ ni lông che kín cho mạ. Ra lập xuân, trời ấm dần như thế này, mạ lại lên khỏe nên cấy xuống cây nào là chắc ăn cây đó. Tùng Lộc tốt đất cộng với năm nay cấy giống lúa lai Syn 6, hi vọng sẽ đạt năng suất lúa gia đình tôi sẽ được có mùa bội thu”.


Nhận thức mới và niềm tin chắc thắng của bà con không tự nhiên mà có. Ông Đặng Hữu Long – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Lúa là nguồn thu nhập chính của địa phương và người dân Tùng Lộc vốn có truyền thống thâm canh. Thế nhưng khi tuyên tuyền vận động để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vẫn hết sức khó khăn.


Dồn toàn lực lượng cho khâu tuyên truyền, chạy vạy lo giống, vật tư kịp thời cho nông dân mà vẫn không tránh khỏi bao va chạm, dị nghị. Nếu không có sự điều hành vừa kiên quyết vừa mềm dẻo; sự lăn lộn của đội ngũ cán bộ và các tổ chức đoàn thể thì không thể có thành công hôm nay”.

Kỳ 2: Sắc xanh trên cánh đồng Can Lộc

Vụ đông xuân năm nay, trà xuân muộn của xã Quang Lộc chiếm 70% tổng diện tích


Trong quá trình triển khai Nghị quyết của BTV Huyện ủy Can Lộc, Quang Lộc là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngoài diện tích lúa lai, vụ đông xuân, bà con nông dân Quang Lộc sản xuất chủ yếu giống thuần IR1820. Vậy nhưng cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã được bắt đầu bằng sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết và trách nhiệm của một địa bàn trọng điểm lúa, địa phương được chọn là điểm xây dựng NTM của huyện. Vụ đông xuân năm nay, trà xuân muộn chiếm 70% diện tích; xã xây dựng được 13 cánh đồng mẫu làm tiền đề cho bước đột phá ở những vụ sản xuất tới.


Đến thời điểm này Can Lộc đã cơ bản hoàn thành cấy trà xuân muộn, với diện tích chiếm 70% trên tổng diện tích lúa đông xuân (tăng 20% so với mục tiêu đề ra); 13 xã đã hoàn toàn bỏ trà xuân sớm và giống IR1820; gần 200 ha cánh đồng mẫu hứa hẹn năng suất vượt trội đã được xây dựng thành công. Một vụ đông xuân thắng lợi sau biết bao mồ hôi, công sức của Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã có thể nhìn thấy trên những cánh đồng xanh.


Ông Mai Khắc Tám, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc


Vụ đông xuân năm nay, Khánh Lộc đã bỏ hoàn toàn trà xuân sớm và giống IR1820. Hiện nay trong số 330 ha lúa đông xuân, chúng tôi có 70% diện tích xuân muộn và 30% xuân trung với giống chủ lực là lúa lai và QR1. Để duy trì và phát triển kết quả này trong thời gian tới, đề nghị tỉnh nên ra nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo một cách quyết liệt. Khi có sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến huyện về cơ cấu trà lúa, cơ cấu giống, cấp ủy và chính quyền cơ sở sẽ dễ thực hiện hơn, người dân cũng sẽ đồng thuận hơn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác cung ứng giống; có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp nông dân triển khai quy trình sản xuất mới.



Nhóm PV Kinh tế

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP