Du lịch

Rùng mình hủ tục "rạch người" để có làn da như cá sấu của bộ tộc trong rừng

Những hủ tục kỳ lạ này vẫn tồn tại ở một số bộ lạc thiểu số trên thế giới.

Hủ tục "rạch người" chằng chịt vốn là tục lệ có từ lâu đời nhưng vẫn tồn tại ở một số bộ lạc thiểu số trên thế giới, như một cách để người ta đánh dấu tuổi trưởng thành của những đứa trẻ. Theo quan niệm, không chỉ là hình thức làm đẹp, đó còn là nghi thức khẳng định thành viên trong bộ tộc.

Những bé trai phải trải qua nghi thức đau đớn để đánh dấu tuổi trưởng thành

Tại quốc đảo Papua New Guinea ở châu Đại Dương, bộ lạc Chambri sinh sống ở khu vực cách Port Moresby chừng 721 km về phía bắc, gần hồ Chambri. Bộ tộc này vốn nổi tiếng với nghi lễ "rạch" cơ thể để những người đàn ông có vết sẹo gợn sóng, tạo ra làn da khô ráp, rắn rỏi như lớp vảy của da cá sấu.

Những thanh niên của bộ tộc Chambri

Điều này liên quan tới những câu chuyện truyền thuyết ở Papua New Guinea, nơi người bản địa tin rằng con người tiến hóa từ cá sấu.

Người Chambri tin rằng, từ xa xưa, loài cá sấu di cư từ sông Sepik đi theo hồ Chambri vào đất liền và tiến hóa. Tổ tiên của họ xuất phát từ loài bò sát này. Bởi vậy, cá sấu trở thành loài vật tâm linh mang tính biểu tượng.

Người đàn ông nào càng sở hữu làn da nhiều vết sẹo, càng chứng tỏ sức khỏe và sự mạnh mẽ

Những đứa trẻ trong bộ tộc Chambri khi tới tuổi trưởng thành bắt buộc phải tham gia nghi lễ truyền thống. Trong nghi lễ, tộc trưởng là người trực tiếp dùng những vật sắc nhọn khắc lên ngực, sống lưng, bả vai đứa trẻ. Những vết rạch sâu dài 2 cm tượng trưng cho vết răng của cá sấu để lại khi nó "nuốt chửng" người thanh niên trong buổi lễ.

Cận cảnh làn da sần sùi như lớp vảy trên mình cá sấu

Suốt quá trình hành lễ, những cậu bé không được giảm đau ngoài việc nhai lá cây thuốc. Thông thường, các bé trai ở độ tuổi 11 sẽ bắt đầu được "rạch da". Quá trình đau đớn này đôi khi kết thúc bằng cái chết nếu đứa trẻ mất quá nhiều máu hoặc bị nhiễm trùng nặng.

Tuy nhiên, nghi thức vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi chúng 25 tuổi. Sau đó, các chàng trai sẽ nằm trước ngọn lửa để khói bốc lên "thổi vào" các vết lõm sâu. Trong khi đó, người ta sẽ nhét đất sét và dầu cây vào vết thương, giúp chúng duy trình dạng sẹo nổi. Qua thời gian, các vết sẹo chằng chịt nổi khắp cơ thể.

Nghi lễ trưởng thành sẽ kéo dài tới khi các thanh niên trong bộ tộc bước sang tuổi 25

Người Chambri tin rằng, nếu ai có thể chịu đựng được nỗi đau, nó sẽ giúp họ mạnh mẽ hơn trong cuộc sống sau này. Và những người đàn ông trưởng thành sở hữu càng nhiều vết sẹo, càng chứng tỏ có sức khỏe và sự mạnh mẽ như cá sấu.

Hiện bộ tộc Chambri đang sinh sống ở 3 ngôi làng, bao gồm Indingai, Kilimbit và Wombum. Họ vẫn sinh sống nhờ việc săn bắn và hái lượm. Nguồn thức ăn chính của thành viên bộ tộc lấy từ hồ Chambri đầy cá.

Không chỉ bộ tộc này, những bé trai ở làng Palembei, phía đông sông Sepik, cũng phải trải qua nghi lễ trưởng thành tương tự.

Tác giả: Quốc Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP