Nhân ái

Rớt nước mắt cảnh cậu bé không cha, mò cua bắt ốc nuôi mẹ tâm thần

Không cha, 14 tuổi, Cường là trụ cột trong gia đình, đôi bàn tay của em chai sạn vì hàng ngày phải mò cua, bắt ốc mang đi bán để lấy tiền nuôi mẹ bị bệnh tâm thần.

Con thơ, mẹ tâm thần trong ngôi nhà dột nát

Theo chân ông Nguyễn Tứ Thuận, trưởng thôn Thọ Sơn, tôi tìm về căn nhà nhỏ của mẹ con em Nguyễn Mạnh Cường (SN 2008, ở thôn Thọ Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Không tận mắt chứng kiến thì không hình dung được, ở địa phương vùng đồng bằng chỉ cách thành phố Vinh chưa đầy 15km có người lại sống trong căn nhà rách nát như vậy.

Nhiều năm nay hai mẹ con chị Linh phải sống trong căn nhà rách nát.


Căn nhà cấp 4 của hai mẹ con Cường được ông bà ngoại xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nằm lọt thỏm trong vườn chuối rậm rạp, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Không có cửa, tường mốc meo, phía trên những viên ngói đong đưa, có thể rơi bất cứ lúc nào.

Vừa nghe tiếng người lạ, chị Nguyễn Thị Linh (SN 1966), mẹ em Cường, tuôn những tràng chửi, hai tay vơ đồ xung quanh ném về phía chúng tôi rồi bỏ chạy ra sau nhà. Thấy vậy, ông Thuận trấn an: "Các chú đừng sợ, chị ấy cứ thấy người lạ là chạy trốn. Trước đây, ngoài cha mẹ ruột và con trai thì chị Linh không chịu tiếp xúc với bất cứ ai cả".

Chị Linh bị căn bệnh tâm thần từ nhiều năm nay nhưng không có tiền để đi bệnh viện.


Ông Thuận cho biết thêm, trước đây chị Linh cũng là người bình thường, không những vậy chị còn là người học giỏi tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp THPT ít năm thì bắt đầu có những biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Chị thường xuyên bỏ nhà đi lung tung, nói năng lảm nhảm. Những lúc tỉnh táo hơn thì đi nhặt ve chai bán nhưng có khi số tiền kiếm được cũng vứt đi đâu không ai biết. Ngày trước, bố mẹ chị còn khỏe đưa đi chữa trị nên bệnh cũng có thuyên giảm.

Tuy nhiên, biến cố cuộc đời chị bắt đầu từ năm 2008, trong một lần đi nhặt ve chai tại thành phố Vinh, biết chị không tỉnh táo nên kẻ xấu đã lợi dụng cưỡng hiếp. Từ đó, căn bệnh tâm thần ngày càng nặng, chị không dám bước chân ra khỏi nhà mà giấu mình một góc và chỉ tiếp xúc với cha mẹ chứ không cho ai bước lại gần.

Do quá hoảng loạn, không tỉnh táo nên mọi chuyện cũng bị lãng quên, chỉ có cái bụng ngày càng lớn lên, khi đó cha mẹ chị mới biết con gái đã mang bầu. Đến cuối năm 2008, chị Linh hạ sinh cháu Nguyễn Mạnh Cường.

Lớn lên không biết bố là ai, 14 tuổi Cường trở thành người đàn ông trong gia đình, làm chỗ dựa cho người mẹ bị tâm thần.


Ước mong mẹ được chữa bệnh

Lớn lên không biết bố là ai, 14 tuổi, Cường trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình, làm chỗ dựa cho mẹ bị tâm thần. Nhìn Cường chín chắn hơn so với tuổi của mình, gương mặt đen nhẻm vì lam lũ mưu sinh.

Khi thấy khách đến, Cường vội cất chiếc mũ rách rồi chạy ra sau vườn, cố thuyết phục mẹ vào nhà nhưng đành bất lực. Vì sợ người lạ nên chị Linh chạy xa hơn, Cường đành quay vào nhà vì cậu không muốn mẹ mình hoảng hốt thêm.

Ngồi bệt xuống thềm nhà, Cường rưng rưng: "Mẹ bị như thế này lâu rồi chú ạ. Mẹ la hét và nói nhảm cả ngày, hôm nào nắng nóng còn bỏ đi lung tung. Có những ngày cháu đi học về thấy mẹ nằm lịm một góc giường vì đói nên chỉ biết hô hoán làng xóm đến cứu giúp".

Mọi chi phí thuốc men hàng tháng mẹ con chị Linh chỉ dựa vào số tiền trợ cấp xã hội.


Cậu bé kể tiếp, nhiều lúc mẹ tỉnh táo vẫn ôm Cường vào lòng, những giây phút như vậy rất ít, Cường thương mẹ nhưng không biết làm gì. "Con ăn rau, ăn cháo cũng được, chỉ mong mẹ được chữa bệnh để trở lại người bình thường, sống với con, con chỉ còn mẹ mà thôi". Nói đến đây cậu bé bỗng òa khóc.

Sau nhiều năm bị căn bệnh tâm thần hành hạ, trong nhà chẳng có tài sản gì, lực bất tòng tâm, chị Linh phải nén chịu nỗi đau bệnh tật giày vò chứ không có điều kiện đi chữa bệnh. Sau khi ông bà ngoại mất, cuộc sống hai mẹ con chị Linh như rơi vào thế đường cùng. Hàng ngày, buổi sáng cháu Cường đi học, chiều đi mò cua, bắt ốc và đi chăn bò thuê cho hàng xóm để có tiền mua gạo.

Vì gia cảnh quá éo le nên Cường đứng trước nguy cơ phải bỏ học.


Gia đình neo người, cha mẹ đã mất nên hai mẹ con bám vào nhau để sống. Ngoài chị Linh còn một chị gái nữa cũng bị bệnh nên không thể giúp gì được. Thương lắm nhưng hàng xóm cũng không hỗ trợ được gì nhiều cho hai mẹ con chị Linh.

Ông Phan Công Văn, Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc chia sẻ: "Ngoài chế độ theo quy định của nhà nước thì chính quyền cũng rất quan tâm giúp hai mẹ con. Trong thời gian tới đây, chúng tôi cố gắng huy động các cơ quan, đoàn thể chung tay để hai mẹ con phần nào bớt cơ cực".

Em chỉ ước mong mẹ được chữa bệnh để trở lại con người bình thường dù ăn rau, ăn cháo cũng cầm lòng.


Trời xế trưa, Cường vội chạy xuống bếp nhưng nhìn xung quanh chẳng có một thứ gì kể cả gạo nấu cơm. Nhìn sang mớ cua, ốc mới bắt được ngày hôm qua, Cường gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt nói: "Hôm qua cháu gặp may nên bắt được khoảng 3kg cua và ốc nên tý nữa đi bán chắc mua được vài cân gạo để mẹ con ăn cả tuần chú ạ".

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 4450:

Em Nguyễn Mạnh Cường

Địa chỉ: Thôn Thọ Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Số tài khoản: 3607205624870 - Ngân Hàng Agribank - Chi nhánh huyện Nghi Lộc (Nghệ An) .

Chủ tài khoản Nguyễn Thị Minh (Dì ruột cháu Cường - ĐT: 0368476457).

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP