Kinh tế

Nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh: Làm giàu trên dự án “chết yểu”

Trên diện tích đất của những dự án hàng triệu đô la đầu tư nhưng mau chóng đóng cửa, bỏ hoang, nhiều hộ nông dân mạnh dạn thuê lại để đầu tư nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả cao.


Đó là thực tế đã diễn ra ở Hà Tĩnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong thời gian 10 năm trở lại đây. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà và bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà.


“Đâm đầu vào đá”


Lão thợ xây Nguyễn Văn Mại bén duyên với con tôm cũng rất tình cờ. Lăn lộn từ Bắc vào Nam, lạ một điều là những công trình ông làm thuê đều liên quan quan đến nuôi trồng thủy sản. Hết đi đào ao xây đắp hồ tôm cho Công ty Việt Mỹ ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) đến những công trình làm hồ tôm ở Khánh Hòa, Phú Yên…


Những năm tháng lang bạt làm thợ hồ đã giúp ông chắt chiu rất nhiều kiến thức về thiết kế hồ nuôi trồng thủy sản. Năm 2008, ông Mại quyết định quay về quê lập nghiệp, xin thuê lại 15ha đất từ dự án bỏ hoang cỏ mọc um tùm để đầu tư nuôi tôm. Lúc đó, rất nhiều người trong gia đình, bạn bè đã cản và khuyên ông không nên đâm đầu vào đá.


Ông Nguyễn Công Hoàng -Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Một số hộ nuôi tôm thành công trên những dự án đã từng bị thất bại là nhờ quản lý chặt chẽ, biết chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng trên ao cát lót bạt.

Ông Mại nhớ lại: Năm 1994, Xí nghiệp TNXP của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh triển khai dự án xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở xã Hộ Độ với diện tích hơn 29ha nuôi tôm, cá. Người dân hết sức vui mừng, thế nhưng chỉ được chừng 3-4 năm, dự án ấy cứ lụi tàn, không có hiệu quả. Nhiều diện tích bị bỏ hoang, ao hồ tiêu điều xơ xác trong khi đó tài nguyên đất nuôi trồng thủy sản lớn không được sử dụng bị lãng phí.


Trước tình cảnh đó, Xí nghiệp TNXP đã cho một số hộ thuê lại. Nhận thấy đây là đồng đất cát thuận lợi về nguồn nước mặn ra vào và không bị ô nhiễm rất dễ cho nuôi tôm, ông Mại đã thuê lại đất của dự án “tử” này.


Còn chị Nguyễn Thị Hạnh khởi nghiệp từ đại lý cung cấp thức ăn cho các trang trại nuôi tôm. Cách đây gần chục năm, chị hợp đồng với Công ty Việt Mỹ ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cung cấp thức ăn cho trang trại tôm này. Do làm ăn thua lỗ, phá sản, họ đã gán lại hồ tôm cho chị. Thời điểm chị Hạnh đồng ý hợp đồng thuê lại một phần diện tích của đại dự án này, nhiều người ái ngại khuyên chị không nên “đâm đầu vào bụi rậm”.


Chinh phục đồng cát hoang


Chị Hạnh tâm sự: “Năm 2002, Công ty Nuôi trồng thủy sản Việt Mỹ do một Việt kiều về đầu tư dự án nuôi tôm trên cát tại các xã vùng Bãi Ngang thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, với tổng diện tích 2.000ha, tổng vốn đầu tư ban đầu là 50 triệu USD. Dự án được xem là lớn nhất Đông Nam Á. Sau hai năm triển khai nuôi tôm, những vụ đầu thành công rồi dần dần rơi vào bế tắc và thua lỗ, bỏ hoang ao nuôi.


2005, tôi xuống tiếp nhận những ao tôm hoang hóa, nhưng để tiếp tục nuôi tôm phải đầu tư chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng lót bạt đáy ao. Sau gần 2 năm, chị Hạnh vay mượn đầu tư được 50 hồ tôm trên diện tích được giao lại 20ha. Nghề nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật cao, vì vậy chị đã thuê một kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản vào các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định để chọn giống.


Sau 2 vụ đầu áp dụng kỹ thuật đưa lại thành công, từ đó chị mạnh dạn đầu tư và đến nay gần 6 năm con tôm thẻ chân trắng đã cho thu nhập cao trên đồng đất cát này. “Từ năm 2010 lại nay, trung bình năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch đạt 14 tấn/ha, tổng doanh thu bình quân trên 30 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ tất cả chi phí còn lãi ròng mỗi năm từ 7-8 tỷ đồng” – chị Hạnh cho biết.


Ông Nguyễn Văn Mại sau khi nhận thuê lại ao tôm từ Xí nghiệp TNXP đã phải cải tạo mất 4 tháng, huy động nhiều ngày công máy xúc… biến vùng đất cát này thành 19 hồ nuôi thủy sản. Khi cải tạo được hồ thì đồng vốn trong tay cạn kiệt, ông phải huy động anh em rồi cầm cố ngân hàng dồn tiền mua 3 triệu con giống tôm thẻ chân trắng về thả 5 hồ cho vụ nuôi đầu tiên.


Vụ tôm năm đó (năm 2008-2009), ông Mại thu về gần 600 triệu đồng. Từ đó đến nay, 15/19 ao tôm của trang trại luôn được thả giống và thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu. Bình quân mỗi năm ông Mại thu từ 55-70 tấn tôm, trừ đi chi phí lãi ròng từ 1-2 tỷ đồng.


Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP