Tình đầu khắc cốt ghi tâm
Vùng Xuân Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trong thời kỳ chiến tranh từng là túi bom của bọn đế quốc xâm lược. Mỗi tấc đất nơi đây đều bị bom Mỹ cày tung. Nhưng giờ nó đã thành một vùng quê yên bình trù phú với nhà cửa san sát. Vào đến thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, hỏi nhà bà Phùng Thị Huệ (SN 1950) mọi người không ai là không biết. Câu chuyện về người nữ TNXP quyết ở vậy để đi tìm mộ và thờ người yêu là liệt sỹ trong suốt 40 năm khiến ai nấy đều nể phục và trân trọng.
Năm nay đã sắp bước sang tuổi 70, cô TNXP ngày nào giờ mái tóc đã điểm bạc, những vết nhăn cũng hiện rõ trên khuôn mặt đã phải trải qua nhiều sương gió. Thế nhưng, khi nhắc đến người yêu, đến mối tình đầu của mình, ánh mắt bà vẫn như sáng lên, ký ức đẹp ngày đó dường như lại ùa qua trong giọng kể của bà.
Bà Huệ nhớ lại những ngày tháng gặp và yêu liệt sỹ Đặng Xuân Thọ ở chiến trường. |
Đó là vào khoảng năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi. Cũng như nhiều cô gái trong xã thời đó, bà Huệ đã tình nguyện viết đơn xin gia nhập TNXP. Sau một thời gian huấn luyện, bà được phân công về Đoàn thanh niên xung phong 557, C18N5, vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường ở phía nam Bình Trị Thiên chiến đấu.
Cũng trong thời gian này, bà Huệ quen và phải lòng người chiến sỹ cùng đơn vị là ông Đặng Xuân Thọ. Mối tình giữa những con người ngày đêm sống giữa bom đạn của kẻ thù vẫn không thiếu những phút giây lãng mạn. Bên con suối, những món quà nhỏ của ông như nhánh lan rừng hay một búp măng tre cũng đủ làm bà xao xuyến. Và rồi, trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt đó, ông và bà trao cho nhau lời thề sắt son, hẹn ước ngày trở về xây dựng hạnh phúc khi đất nước hoàn toàn được giải phóng.
Thế nhưng, những ngày tháng tưởng như bình yên đó chẳng được lâu. Sau 4 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường, bà Huệ không may bị thương và xuất ngũ, còn ông Thọ được cử đi học ở trường trung học Hàng Hải – Hải Phòng. Dù không còn ở gần nhau, nhưng những lá thư tay vẫn nuôi dưỡng tình yêu của ông bà ngày một lớn dần thêm. Bà Huệ sau khi trở về thì tham gia sản xuất và hoạt động đoàn đội tại quê nhà. Hơn một năm sau, mẹ và em trai ông Thọ bị trúng bom, mất ở quê nhà, ông Thọ lại nghỉ học tiếp tục lên đường vào chiến trường B chiến đấu. Ngày tiễn ông Thọ lên đường, bà Huệ cố gắng không khóc để ông yên tâm lên đường làm tròn nhiệm vụ. “Ngày đó cũng không hứa hẹn gì nhiều. Ông chỉ cầm tay tôi, dặn ở nhà yên tâm, rồi ông sẽ về. Còn tôi, cũng biết ở chiến trận, sinh tử vô thường, nhưng vẫn luôn tâm nguyện sẽ chờ ông ấy dù là 5 năm, 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn thế nữa. Có lẽ chính tình yêu quá đẹp đã khiến tôi có đủ niềm tin và động lực trong suốt chừng ấy năm”, bà Huệ tâm sự.
Như hoa phong lan chờ đợi
Từ ngày ông Thọ đi, bà Huệ bắt đầu chuỗi ngày mong nhớ, chờ tin tức. Những bức thư gửi vào chiến trường có khi cả tháng mới có hồi âm, thậm chí có những lần bà chờ mãi vẫn không có tin tức gì. Nghe tin có ai ở chiến trường về, bà Huệ đều tìm đến hỏi thăm, nhưng rồi tin tức cứ thưa dần, thưa dần. Ở nhà, thấy con gái đã đến tuổi cập kê mà vẫn một mình lẻ bóng, bố mẹ bà Huệ thúc giục nhưng bà vẫn luôn tìm cách từ chối, một lòng chờ đợi ông Thọ trở về.
Bà Phùng Thị Huệ chia sẻ với phóng viên Báo PNVN về kí ức nhiều năm đi tìm mộ người yêu |
Trong những ngày tháng dài như vô tận ấy, bà Huệ vẫn còn nhớ, mỗi đêm khi nằm xuống, bà đều mơ thấy ông, bao nhiêu giấc mơ là bấy nhiêu thương nhớ. Cho đến một hôm, trong giấc mơ, bà thấy ông thương tích đầy mình, lại lấm lem bùn đất, ông còn vẫy tay chào với bà. Giật mình tỉnh dậy giữa đêm, bà cảm thấy bất an và lo lắng, bà sợ có điều không may xảy đến với ông. Và dường như là giấc mơ báo mộng, khi chỉ sau đó không lâu, bà đau đớn cùng lúc nhận được giấy báo tử của em trai mình là Phùng Thanh Bình cùng người yêu. Lần theo tờ lịch cũ, bà càng đau đớn hơn khi biết rằng ngày ông hi sinh là ngày 26/1/1973 cũng là ngày bà đã có giấc mơ đáng sợ đó. Những ngày sau đó, theo trí nhớ còn lại của bà là những ngày nhiều nước mắt. Bà tự hào vì người mình yêu đã chiến đấu hết mình cho tổ quốc nhưng cũng thương ông mất sớm, thương mối tình đầu dang dở và thương cả bản thân mình. Dẫu vậy, bằng niềm tin rằng, dù đã mất nhưng ông vẫn sẽ luôn dõi theo bà, bà đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó và tự hứa với lòng mình sẽ dành suốt phần đời còn lại để giữ trọn tình yêu với ông, giữ trọn lời hứa chờ đợi ngày ông lên đường ra chiến trận.
Kể từ đó, dù bố mẹ thúc giục lấy chồng, hàng xóm làng giềng cũng lời ra tiếng vào, ai cũng khuyên rằng bà đã chờ ông như thế là đủ rồi, nay cũng nên lập gia đình riêng nhưng bà vẫn một mực từ chối. Rồi thời gian trôi đi, năm tháng thanh xuân của người con gái không được lâu. Không lấy chồng, bà Huệ xin bố mẹ cho ra ở riêng bên bờ sông Lam trong căn nhà 2 gian nhỏ để đặt bàn thờ và di ảnh của người yêu. Bà cũng tự nhủ, sẽ quyết tâm đi tìm để đưa ông về quê hương yên nghỉ. Bao nhiêu năm làm lụng, bà tích cóp tiền của định xây nhà thờ cho ông, nhưng năm 1989, một cơn lũ khủng khiếp đã tràn qua vùng quê bà, cuốn trôi hết toàn bộ tài sản. Không nản chí, bà vẫn ngày ngày đi bán cá kiếm tiền, dựng một túp lều bé nhỏ ven dòng sông Lam để có chỗ đặt bàn thờ cho người yêu. Dù chưa được gả về nhà ông Thọ, chưa một ngày được làm vợ nhưng từ khi ông mất, bà Huệ luôn tự coi mình là con dâu trong nhà ông. Hàng năm, cứ đến ngày mất của ông và ngày 27/7, bà đều làm giỗ cho ông.
Bà Huệ xúc động khi nhớ lại mỗi tình thề non hẹn biển của bà với liệt sỹ Đặng Xuân Thọ. |
Và theo đúng tâm nguyện của mình, sau ngày đất nước thống nhất, bà bắt đầu tự mình đi tìm mộ người yêu. Thông tin có được chỉ vẻn vẹn mấy dòng trên tờ giấy báo tử “liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26/1/1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận” nhưng bà vẫn kiên nhẫn đi khắp các nghĩa trang để mong tìm hài cốt người yêu.
“Anh ơi! em lại đón anh về…”
Chiến tranh ác liệt, mất mát hi sinh quá nhiều, thông tin ngày đó lại không thông suốt. Ngày hòa bình các chiến trường xưa cũng dần dần bị lùi lại thay vào đó là những ruộng vườn, cây cối khi người dân về ở. Bởi vậy, với chút thông tin ít ỏi có được, phải mất hơn 30 năm, bà Huệ mới tìm thấy nơi an nghỉ của ông Thọ.
Trong suốt chừng đó năm, bà đã chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để tiết kiệm làm lộ phí đi tìm ông. Bà đi khắp Quảng Trị, Khe Sanh, Đồng Nai, Tây Nguyên rồi Tây Ninh, khắp các nghĩa trang Trường Sơn, Việt Lào, Đường 9 và bìa rừng Trường Sơn, nơi nào bà cũng đặt chân đến nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt ông Thọ. Người thân của bà đã nhiều lần khuyên bảo rồi mắng mỏ khi thấy bà đi khắp nơi tìm ông “Người chết thì cũng đã chết rồi, không biết rõ nơi hi sinh thì có đi hết cả đời người cũng không tìm hết được số nghĩa trang liệt sỹ trên đất nước”. Thế nhưng, dù có những lúc yếu lòng, bà vẫn không từ bỏ. “Cứ nghĩ rằng, ông ấy đang ở đâu đó nơi rừng thiêng nước độc và có lẽ ở đó, ông vẫn đang chờ tôi đến là tôi lại có động lực để lên đường”, bà Huệ nói.
Với bà Huệ, mặc dù chưa một ngày nên nghĩa vợ chồng nhưng bà vẫn mãi xem ông Thọ đã là chồng của mình |
Nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng mấy chục năm trời ấy, bà Huệ kể, khổ nhất là những lúc một mình đánh liều băng vào rừng lội suối để đi đến những nghĩa trang, những bãi chiến trường năm xưa ở chốn rừng thiêng nước độc Tây Nguyên. Cũng có lần vào đến rừng sâu thì trời tối, không kịp quay trở ra nên đành ngủ lại trong rừng hoang vắng. Có lần đi đường xa vừa hết tiền vừa hết cả lương khô nước uống dự trữ trong ba lô nên bà kiệt sức và được người dân cứu giúp. Mệt mỏi là thế nhưng khi tỉnh lại, bà vẫn không nhụt chí, mỗi ngày lại chăm chỉ làm việc để kiếm tiền, đến khi tích cóp được chút ít bà lại khăn gói đi tìm ông. Nếu nhẩm tính lại, quãng đường bà đi qua có khi đã đến hàng chục nghìn cây số. Những năm tháng đó, bà cũng thường xuyên đọc báo, xem ti vi, nghe đài, nhất là những chương trình Nhắn tìm đồng đội hay những chương trình về tìm hài cốt liệt sĩ, có thông tin gì bà đều ghi chép lại và hi vọng có một lần nào đó, nếu may mắn bà sẽ có thêm chút thông tin để tìm ông.
Rồi cuối cùng, bao công sức của bà Huệ cũng được đền đáp khi đến ngày 22/8/2010, gần 40 năm sau ngày ông mất, ước nguyện của bà đã trở thành sự thật. Ngày hôm đó, bà cùng 3 người em của ông đã vào đến xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để đưa ông về an nghỉ tại nghĩa trang xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. “Cuối cùng tôi cũng đưa được ông ấy về gần với quê hương, tôi mừng lắm. Lời hứa năm xưa với ông ấy tôi cũng đã thực hiện được rồi”, bà Huệ ngậm ngùi nghĩ lại.
Giờ đây ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Huệ vẫn hàng ngày một mình thờ phụng ông Thọ. Dù ông hi sinh đã lâu nhưng tình yêu son sắt thủy chung của bà dường như vẫn không hề nhạt phai theo năm tháng. Bà đã sống để yêu ông, chờ ông như nhánh lan rừng ngày ông tặng bà giữa chiến trường bom đạn, cả như lời bài hát ông và bà vẫn hát những ngày gian khổ ấy: “Như hoa phong lan chờ đợi/ Mưa gió không phai tàn/Ngày về nhụy hoa ngát hương/Anh ơi, em lại đón anh về” .
Tác giả: Đình Nguyên
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam