1- Người Việt có truyền thống “tôn sư trọng đạo” rất đáng tự hào. Tuy vậy, trong thời đại hôm nay, truyền thống này được thể hiện như thế nào? Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo được nhìn nhận ra sao?
Trong câu chuyện các cô giáo đi “hầu rượu” ở Hồng Lĩnh vừa qua, dù biện minh thế nào cũng không thể phủ nhận một sự thật buồn- đội ngũ các thầy cô giáo hôm nay đang chịu nhiều áp lực rất ghê gớm nhưng cơ hội để họ cất lên tiếng nói trao đổi hay phản biện là rất khó. Trong tư cách viên chức thuộc cấp, các cô giáo ở Hà Tĩnh hoàn toàn không thể thoái thác “nhiệm vụ” mà cấp trên họ đã giao phó. Thậm chí khi các cơ quan truyền thông bất bình và lên tiếng giúp chỉ làm cho họ thêm hoang mang và lo lắng hơn.
Nói nghề giáo “cao quý nhất vậy nghề nào “cao quý nhì”…?
Một ví dụ phổ biến và điển hình khác. Đó là chuyện tặng quà và gửi phong bì cho các thầy cô giáo vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trên thực tế, có không ít bậc phụ huynh thường ngày vốn chẳng quan tâm gì chuyện học hành của con em họ, nhưng lại rất nhiệt thành trong vấn đề quà cáp và tiền bạc cho các thầy cô giáo. Thậm chí, có người muốn thể hiện đẳng cấp của mình nên đã “phá giá” làm ảnh hưởng đến các phụ huynh không có điều kiện khác. Đây là gì nếu không phải là hành vi hối lộ được ngụy trang dưới danh nghĩa tri ân các thầy cô giáo? Ai dám cho rằng truyền thống “tôn sự trong đạo” của dân tộc đang được duy trì và phát huy?
2. Cách đây mấy năm Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã làm một cuộc nghiên cứu và khảo sát về giáo dục. Có hơn một nửa số giáo viên từ tiểu học đến THPT đã chọn câu trả lời “không” cho câu hỏi “nếu được chọn lại nghề ông/bà có chọn nghề giáo không?” [1]. Đây là vấn đề lớn nhưng có vẻ cho đến nay chẳng mấy người quan tâm. Sự thiếu quan tâm là một trong những nguyên nhân làm cho nghề giáo cùng hình ảnh thầy cô giáo hôm nay bị ảnh hưởng.
Ở một phương diện khác, nghề giáo cũng như bao nhiêu nghề khác trong xã hội. Tuy vậy, lâu nay xã hội ta luôn mặc định rằng “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Tôi rất hiểu sự chân thành của tác giả câu nói trên khi muốn nhấn mạnh và đề cao sự đóng góp to lớn của đội ngũ những người được xem là “kỹ sư tâm hồn”. Thế nhưng, theo logic thông thường một khi đã nói như thế buộc người ta phải suy luận và đặt vấn đề: Nếu nói nghề giáo là “cao quý nhất trong những nghề cao quý” vậy nghề nào là “cao quý nhì”…?
“Lao động là vinh quang”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy. Vì thế, có lẽ phải nói rằng cao quý hay thấp hèn ở đây là do bản thân mỗi cá nhân chứ không phải do nghề nghiệp.
Cho nên, phải chăng chính cách nghĩ đề cao quá mức nghề giáo đã vô tình tạo ra những áp lực xã hội không đáng có đối với các thầy cô giáo? Điều đáng nghĩ trong thực tế, cách ứng xử của cộng đồng và xã hội lại có phần trái ngược. Bởi nếu một năm có 365 ngày nhưng lại chỉ quan tâm các thầy cô giáo trong duy nhất một ngày- 20/11, 364 ngày còn lại họ phải sống với bao nỗi vất vả, căng thẳng và âu lo… Liệu đó có phải là thái độ và cách ứng xử phiến diện với đội ngũ các thầy cô giáo hôm nay?
3. Phẩm giá của một cá nhân nói cho cùng không nằm ngoài phẩm giá chung của cộng đồng. Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo trong xã hội hôm nay đang có những tổn thất, mất mát. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận. Để tháo gỡ, theo tôi không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy và nhận thức của toàn xã hội về GD nói chung. Sự thay đổi này trước hết phải bắt đầu từ phía những người trực tiếp điều hành, quản lý GD hiện nay.
Điều quan trọng nhất lãnh đạo ngành GD phải trung thực trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động, cầu thị và lắng nghe tiếng nói từ phía các thầy cô giáo. Hãy trả họ về đúng với vị trí và chức phận của nghề giáo. Đặc biệt chế độ đãi ngộ phải tương xứng với những gì mà họ đã đóng góp cho xã hội. Làm được như thế cũng là giúp họ giữ gìn phẩm giá và đạo đức nghề nghiệp bản thân, là cách tri ân, tôn vinh chân thành và cao đẹp nhất.
Nguyễn Trọng Bình
————-
Chú thích nguồn tham khảo:
[1]: Xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140524/se-khong-lam-thay-neu-duoc-chon-lai/609099.html