Cáo phó được dán trước cửa nhà anh Chính
Anh Lâm Hữu Chính, sinh năm 1978, trú tại xóm 7 xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Là một trong 13 nạn nhân đã tử vong trong vụ sập giàn giáo tại Formosa, khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Gia đình anh Chính hiện còn 4 người gồm 1 mẹ già, 1 vợ và 2 đứa con còn nhỏ, chưa biết gì, nhìn những ánh mắt thơ ngây trong đám tang bố vẫn hồn nhiên cười đùa khiến cho người lớn dâng lên một nỗi đau vô hạn. Rồi đây gia đình anh 4 người sẽ biết nương tựa vào ai khi anh đã ra đi mãi mãi.
Sau biến cố quá lớn ập tới gia đình khiến người vợ anh Chính trở nên đáng thương hơn bao giờ hết. 2 đứa trẻ còn non nớt chưa hiểu chuyện đời. Không biết sau này đây, với đồng lương thợ may chỉ 2,3 triệu đồng, chị và các con sẽ sống ra sao. Chị nghẹn ngào: “Bây giờ anh ý đi mất rồi, chồng tôi là trụ cột của cả nhà, hằng tháng anh vẫn gửi tiền về để cho gia đình trang trải cuộc sống, nhưng giờ anh đã đi mãi, mẹ con tôi sống thế nào đây”.
Mặc dù khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến Chính phủ và các cơ quan chức năng cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả, hỗ trợ những người bị nạn một cách tốt nhất có thể. Nhưng theo chú của anh Chính, khi gia đình lên bệnh viện huyện Kỳ Anh nhận xác anh, vẫn bị những người giữ xác tại đây làm khó khi họ bắt gia đình phải đưa số tiền là 500.000 đồng thì mới cho mang xác về.
Vợ anh Chính thất thần với nỗi đau mất chồng
Anh Lâm Hữu Chiến – em ruột anh Lâm Hữu Chính cũng cùng làm tại Formosa với anh trai cho biết, một ngày làm việc tại Formosa bao gồm 2 ca sáng và đêm. Ca sáng bắt đầu từ 7h sáng tới 19h, còn ca đêm sẽ là từ 19h tới 7h sáng hôm sau. Như vậy mỗi ca lao động tại khu vực sập giàn giáo lên đến 12 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên trong hợp đồng lao động với công nhân của công ty Nibelc ghi rõ: Thời gian làm việc trong ngày là 8 tiếng đồng hồ. Rõ ràng, việc này nhà thầu đã làm sai những điều khoản ghi trong hợp đồng với công nhân, khi họ phải làm quá 4 tiếng so với các điều khoản trong hợp đồng.
Ngoài ra, để làm ca sáng những công nhân tại đây thường phải dậy từ 5h để ăn cơm đối với ca sáng, ca đêm là 12h đêm thì được nghỉ ngơi ăn đêm. Theo anh Chiến, khối lượng công việc tại công trường là vô cùng lớn, có những hôm anh mệt mỏi mà không dám xin nghỉ, vì phía Nibelc có những quy định vô cùng cứng rắn. Anh Chiến cho hay: “Nếu chúng tôi tới muộn, hay nghỉ không phép 1 ngày thì có khi sẽ bị đuổi việc ngay, thế nên anh em chúng tôi nhiều khi không dám nghĩ tới việc nghỉ làm”.
Theo anh Chiến, những công nhân tại công trường đều không được đào tạo gì để làm những công việc trên giàn giáo. “Làm thì cứ làm thôi, toàn những công việc chân tay mà, lúc tuyển công nhân họ cũng có nói rõ yêu cầu gì đâu. Vừa làm vừa học” – anh Chiến nói.
Trong buổi họp báo sáng ngày 27/3, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn về an toàn lao động cho công nhân tại khu công nghiệp. Thế nhưng theo anh Chiến, lần gần nhất anh tham gia 1 hoạt động như vậy đã cách hiện nay gần 1 năm.
Nơi chúng tôi đến tiếp theo là ngôi nhà của anh Phạm Xuân Hùng (SN 1986), nạn nhân tử vong trong vụ sập giàn giáo, nằm tại khu xóm 6 Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lúc chúng tôi có mặt tại nhà anh trời đã chuyển đêm, bao trùm lên căn nhà là một không khí trầm lắng, u buồn. Những đợt gió lạnh cuối mùa mang theo cơn mưa nặng hạt khiến xóm nhỏ thêm phần cô quạnh.
Có mặt tại đây, khi gia đình vừa đưa nạn nhân Hùng đi an táng, chúng tôi không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến nỗi đau tột cùng của những người thân trong gia đình anh
Hiện gia đình anh Hùng gồm có bố mẹ và bà nội cùng vợ và 2 con còn rất nhỏ. Khi phóng viên chúng tôi tới nhà, bà nội anh Hùng ngồi giữa khoảng sân rộng trước bàn thờ của cháu với khuôn mặt vô cảm, nỗi đau của “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” đối với bà là quá lớn khiến bà không còn sứcđể ý tới xung quanh.
Vợ anh Hùng sinh năm 1987, quê ở Phú Thọ. Hai người quen nhau từ hồi còn học chung tại trường cao đẳng nông nghiệp. Cả 2 đã có bằng cử nhân nhưng hiện đang thất nghiệp. Cả nhà chỉ trông chờ vào cửa hàng bán đồ ăn sáng ngay tại nhà.
Theo vợ anh Hùng, thời gian vừa qua anh Hùng nghe nói làm công nhân tại Formosa có mức lương khá, trong 1 tháng được làm 15 ngày ca sáng, 15 ngày ca đêm, ca đêm có mức lương cao hơn ca sáng nên anh cũng tự nguyện xin đăng ký đi làm. “Anh ý tự nguyện anh ạ, chồng em đi làm từ ngày 1/3 nên tính tới hôm chồng em mất là mới được 25 ngày, chưa tròn 1 tháng, chưa nhận được đồng lương nào…” – chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
“Rồi đây cuộc sống của gia đình sẽ như thế nào? Em cũng chả biết nữa, nhưng cũng phải cố gắng vì 2 đứa nhỏ thôi các anh ơi. Em thật sự không biết phải làm thế nào khi chồng em đã không còn nữa…”.
Thắp nén hương trên ban thờ, chia tay gia đình anh Hùng khi xóm nhỏ đã lên đèn, nghĩ đến hoàn cảnh những công nhân nghèo trong vụ tai nạn thương tâm này, chúng tôi càng thêm nặng lòng khi nhớ lại câu ca dao: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”.
Cẩm Tú/ Petrotimes