Thế giới

Những "xác chết cô đơn" ở Nhật Bản

Khi phong cách sống thay đổi và dân số Nhật Bản bị già hóa, nhiều người Nhật Bản đã chọn cuộc sống đơn độc một mình cho đến khi “nhắm mắt xuôi tay”.

Nhân viên dịch vụ dọn dẹp xác chết cô đơn vái chào sau khi hoàn thành nhiệm vụ (Ảnh: Washington Post)

Có một thứ mùi giống phân hủy bốc ra từ trong phòng. Có một vết ố màu nâu trên tấm đệm nơi một thi thể từng nằm lên. Tấm đệm, quần áo, những tờ báo ngổn ngang với đầy côn trùng và ruồi bám bên trên. Nếu người đàn ông này qua đời vào mùa hè và thi thể bị phân hủy hàng tháng trời trong nhiệt độ cao thay vì mùa đông thì có lẽ tình trạng căn phòng có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Cô Akira Fujita, trưởng nhóm thuộc công ty Next, cho rằng thi thể này phân hủy 4/10. Next là công ty chuyên dọn dẹp những thi thể người chết trong cô đơn - những người qua đời một khoảng thời gian trong căn hộ họ sống trước khi được người khác phát hiện ra.

Quốc gia nào cũng có những trường hợp người già qua đời trong cô đơn, nhưng không ở đâu số lượng lại nhiều như Nhật Bản, quốc gia có tốc độ dân số già đi nhanh nhất thế giới. Trên 25% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và con số này có thể sẽ tăng lên 40% vào năm 2040.

Chưa có một thống kê chính thức về những cái chết trong cô đơn, nhưng số lượng được các địa phương thu thập lại cho thấy xu hướng tăng rõ rệt trong 10 năm qua. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu NLI có trụ sở ở Tokyo, hàng năm có khoảng 30.000 người Nhật Bản chết trong cảnh cô đơn một mình.

Số lượng những cái chết cô đơn gia tăng kéo theo sự ra đời và phổ biến của dịch vụ thu dọn thi thể người chết. Thêm vào đó, các công ty bảo hiểm bán ra những gói hỗ trợ cho chủ đất. Trong trường hợp, người thuê cơ sở vật chất của họ tử vong, các công ty sẽ có dịch vụ dọn dẹp và đền bù khoản chi phí mà chủ đất không được nhận trong vài tháng kể từ khi người thuê nhà qua đời. Một vài gói thậm chí còn chi trả cho dịch vụ cúng bái tâm linh cho người chết sau khi dọn dẹp xong.

Một nhân viên kiểm tra căn phòng cần dọn dẹp sạch sẽ (Ảnh: Washington Post)

Người chủ của căn hộ mà Next chịu trách nhiệm dọn dẹp không mua loại bảo hiểm trên, vì vậy người này đã trả khoản phí 2.250 USD để có thể tiếp tục cho thuê căn hộ này cho người khác. Người cư trú, có tên là Hiroaki, 54 tuổi, đã không trả tiền thuê nhà vài tháng, vì vậy đại diện từ công ty nhà đất đã đến xem tình hình. Khi người này mở cửa ra, ông Hiroaki đã nằm chết trên tấm đệm từ lúc nào. Theo số liệu thống kê từ lần cuối trả tiền nhà, có lẽ ông đã qua đời được ít nhất 4 tháng trời mà không một người hàng xóm nào hay biết.

Sau khi dọn dẹp toàn bộ những thứ liên quan tới thi thể, họ bắt đầu thu gom rác trong căn hộ. Những vỏ chai, cà phê lon, hộp mì ăn liền, chai nước rỗng, tàn thuốc lá, hàng chục chiếc bật lửa, báo cũ, quần áo chất đống nằm lộn xộn trên sàn nhà.

Sau đó, đội ngũ dọn dẹp bắt đầu tẩy uế căn nhà, nhà vệ sinh, thông lại cống và dán lại tường cho căn hộ. Những giấy tờ cũ kĩ còn sót lại cho thấy ông Hiroaki là một người đàn ông ly dị vợ, từng làm kỹ sư cho các tập đoàn điện tử lớn ở Nhật Bản như Fujitsu và Nissan.

Vì sao chết trong cô đơn?

Khung cảnh ngổn ngang trong một căn phòng (Ảnh: Washington Post)

Theo báo chí Nhật Bản, dấu hiệu để nghi ngờ một người đã có thể chết đơn độc là khi hộp thư của ông ta bắt đầu đầy lên và hết chỗ nhét thư mới, hay chậm tiền nhà vài tháng hoặc có thể có mùi khó chịu phát ra từ căn hộ người này đang sống.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ngày càng gia tăng có thể được lý giải là do sự già hóa của xã hội và sự thay đổi mô hình gia đình. Gia đình 3 thế hệ ở Nhật Bản dường như đang dần “thất sủng”. Người Nhật Bản hiện tại có xu hướng độc thân trong khi các cặp đôi có rất ít hoặc thậm chí không có con cái.

Theo chuyên gia xã hội học Masaki Ichinose, khái niệm về gia đình ở Nhật Bản đã đổi khác rất nhiều so với trước kia. Ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống cô độc vì vậy tình trạng chết trong cô độc cũng tăng lên rõ rệt. Theo bà Ichinose, những người đàn ông lớn tuổi là những đối tượng rất nhạy cảm với việc làm phiền người khác vì lòng tự tôn của họ.

Những đối tượng này đã dành cả cuộc đời lao động chăm chỉ nên họ dường như họ chỉ có những người đồng nghiệp nằm trong vòng tròn quan hệ. Khi họ về hưu, nếu họ ly dị, góa bụa hoặc độc thân, đồng nghĩa với việc họ đã bị cô lập trong xã hội.

“Những mối liên kết của họ đều ở trong công việc mà họ từng cống hiến cả đời vì vậy sẽ rất khó để họ hòa nhập vào cộng đồng địa phương khi ngừng làm việc. Họ sẽ có xu hướng tự tách mình ra và sự cô đơn bắt đầu từ đó”, chuyên gia Kumiko Kanno nhận định.

Chính quyền các địa phương bắt đầu để mắt tới tình trạng này và họ khuyến khích các hộ gia đình sống cạnh những người già cô độc hãy quan tâm tới những cụ ông, cụ bà sống neo đơn. Các chuyên gia cho rằng chính vì người Nhật quá chú trọng vào sự nghiệp khi tuổi trẻ, dẫn tới việc họ ít hoặc không muốn giao du và khiến cho vòng tròn quan hệ của họ thu hẹp dần lại khi họ lớn tuổi.

Ông Hiroaki rõ ràng không có nhiều mối quan hệ với xã hội bên ngoài cho đến khi ông qua đời. Vì vậy, khi những người dọn dẹp bắt đầu tân trang lại căn nhà như mới và bỏ hết những đồ đạc của ông ra ngoài, dường như căn hộ này không còn dấu hiệu nào của người đã chết.

Và ông Hiroaki dường như chưa từng bao giờ tồn tại.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP