“Loại tên lửa nào đã bắn rơi chiếc Boeing 777 chở 295 hành khách của Malaysia Airlines?” là câu hỏi quan trọng nhằm xác định nguyên nhân sự cố hôm 17/7 ở Ukraina. CNN dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ khẳng định, hệ thống radar phát hiện một quả tên lửa đất đối không bay lên từ miền đông Ukraina và bắn hạ chiếc máy bay. Một hệ thống giám sát khác nhìn thấy phi cơ trúng tên lửa. Mỹ đang phân tích quỹ đạo bay để tìm ra vị trí phóng tên lửa.
Xác chiếc máy bay chở khách rơi ở miền đông Ukraina. Ảnh: Twitter |
Chính phủ Ukraina cáo buộc lực lượng tự vệ thân Nga ở miền đông bắn trúng máy bay. Tuy nhiên, loại tên lửa phòng không vác vai của lực lượng này, vốn bắn hạ nhiều phi cơ của quân đội Ukraina, hoàn toàn vô can trong sự cố MH17. Chuyên gia phân tích quân sự Rick Francona, một trung tá nghỉ hưu của Không quân Mỹ, cho biết, những loại tên lửa vác vai uy lực nhất chỉ có khả năng hạ mục tiêu ở độ cao 5 km. Trong khi đó, chiếc máy bay Malaysia Airlines gặp nạn khi đang di chuyển ở độ cao gấp đôi.
Một vũ khí khác có thể gây ra sự cố là hệ thống tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11) do Liên Xô nghiên cứu, chế tạo. Đây là loại vũ khí khá phổ dụng trong quân đội Nga và Ukraina. Tất cả các loại tên lửa của hệ thống này đều có khả năng bắn hạ mục tiêu ở độ cao trên 10.000 m. Loại tên lửa cũ nhất có thể trang bị cho hệ thống Buk là 3M9. Nó ra đời năm 1966, với khả năng bắn hạ mục tiêu bay ở độ cao 800 m tới 11.000 m.
Ngoài hệ thống phòng không Buk, một tên lửa khác cũng nằm trong diện nghi vấn là S-200 mà quân đội Ukraina đang sử dụng. Đây là loại tên lửa phòng không tầm ngắn, độ cao trung bình, ra đời từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Chúng có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 300 km với độ cao tối đa lên tới 40.000 m.
Khói bốc lên từ đống đổ nát của chiếc máy bay. Ảnh: Reuters |
Hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga cũng nằm trong diện nghi ngờ. Đây là hai loại tên lửa phòng không uy lực hàng đầu thế giới. Chúng tương đương hay thậm chí vượt trội hơn hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, những vũ khí này rất khó sử dụng và lực lượng tự vệ thân Nga ở miền đông Ukraina gần như không thể dùng nó để bắn hạ máy bay Malaysia, Kevin Ryan, chuẩn tướng về hưu của quân đội Mỹ nhận định.
Vị tướng Mỹ cho biết: “Đây không phải loại vũ khí mà ai cũng có thể sử dụng. Binh sĩ cần trải qua quá trình đào tạo lâu dài và phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn mới có thể dùng hệ thống này để bắn hạ một vật thể nào đó”. Ông Ryan kết luận, nếu chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi loại tên lửa này, đằng sau nó phải là một lực lượng quân sự chuyên nghiệp, hoặc do tai nạn.
Dan Wasserbly, biên tập viên tạp chí quốc phòng HIS Jane’s, cho biết, thông thường một hệ thống tên lửa đất đối không bao gồm một xe chỉ huy, một xe mang thiết bị radar, xe tải, xe mang tên lửa và hệ thống xe nạp tên lửa mới khi cần thiết. Chúng là hệ thống phức tạp và không dễ vận hành nếu chưa được đào tạo.