Xã hội

Những ca cấp cứu ở Trường Sa

Có ca cấp cứu, bác sĩ huy động bộ đội toàn đảo hiến máu cứu người, hoặc làm đá, rang gạo bảo quản thi thể chờ đưa về đất liền.

Thượng tá An Thành Phú nhớ như in ca cấp cứu đầu tiên khi ông đặt chân lên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đó là buổi sáng tháng 12/2017, ông bắt đầu ca trực thì đảo trưởng Nguyễn Đức Độ thông báo có ngư dân gặp nạn trên biển, đang trên đường vào đảo.

Cả kíp quân y chuẩn bị sẵn sàng cáng, dụng cụ cấp cứu, thuốc men cùng bộ đội ra ngoài cầu cảng chờ. Nhưng đợi từ sáng đến trưa không thấy thuyền đâu, ai nấy đều sốt ruột. Buổi chiều, chiếc mủng đưa nạn nhân mới xuất hiện. Trên mủng có bốn người, một người chèo, hai người đi kèm và nạn nhân Nguyễn Văn Quả (quê Bình Định). Gió to, sóng vỗ ầm ầm khiến chiếc mủng quay tròn như chiếc lá trên mặt nước.

"Chúng tôi thót tim mỗi lần sóng lớn ập đến, mủng có thể bị lật bất cứ lúc nào. Người khoẻ mạnh, biết bơi trong hoàn cảnh ấy còn gặp nguy hiểm chứ đừng nói đến người đang gặp nạn", bác sĩ Phú nhớ lại cảnh tượng khó quên trong đời.

Sau mấy tiếng vật lộn, chiếc mủng cập được âu tàu lúc 16h30. Quả được đưa vào bệnh xá mổ cấp cứu. Bệnh nhân bị gãy xương cẳng tay, hoại tử phần mềm, lộ cả gân. Ca mổ kéo dài đến tối, các các sĩ không kịp ăn cơm, chỉ uống chút đồ chống đói rồi làm việc. Bệnh nhân sau đó lưu lại bệnh xá 3 ngày, rồi được chuyển theo tàu cá vào bờ để điều trị chuyên khoa sâu.

Ở cách đất liền hàng trăm hải lý, một bệnh xá gồm hai bác sĩ chuyên khoa và năm điều dưỡng đều là cán bộ của Bệnh viện 108 trở thành điểm tựa cho quân và ngư dân khi gặp nạn giữa trùng khơi đầy sóng gió. Bệnh xá hai tầng được che chở bởi những tán phong ba, có đầy đủ phòng khám nội, ngoại khoa, như một bệnh viện thu nhỏ.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tùng, trưởng bệnh xá đảo Song Tử Tây cho hay, các ca cấp cứu ở Trường Sa chủ yếu là ngư dân gặp nạn khi đánh cá trên biển, gãy chân, tay hoặc là bị ruột thừa, thận. Có những ca phải huy động toàn đảo tham gia "cứu nạn", như trường hợp của bệnh nhân Huỳnh Linh, 19 tuổi.

Linh bị trượt chân ngã khi đang kéo lưới, bị vật sắc nhọn trên tàu đâm trúng thành ngực. Do mất máu nhiều, lúc lên đảo Linh đã hôn mê sâu. Chỉ huy đảo kêu gọi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Song Tử Tây sẵn sàng hiến máu cứu Linh. Qua kiểm tra 5 người có cùng nhóm máu với bệnh nhân. Hai đơn vị máu (500 ml) được truyền trực tiếp cứu sống Linh. Sau ca mổ, bệnh nhân được trực thăng đưa thẳng vào đất liền điều trị.

Cũng có lúc, các bác sĩ bất lực khi không cứu được ngư dân ở nơi đầu sóng ngọn gió. Cuối tháng 10/2017, tàu cá của ngư dân Quảng Nam khi vào âu tàu tránh bão đã bị sóng đánh lật. Bộ đội ứng cứu và đưa được 34 người lên đảo an toàn, còn hai người tử nạn.

Hai thi thể được đưa vào bệnh xá bảo quản. Trời nắng nóng, phòng lạnh không có, không đủ phooc-môn hạn chế hoại tử, các bác sĩ rang gạo, dùng chè khô để... ướp xác. Bộ đội làm đá, để trong hai chiếc tủ bảo ôn cho khí lạnh tỏa ra để hạn chế thi thể hoại tử. Gần 10 ngày sau, biển bớt động, ngư dân cùng hai thi thể được tàu hải quân đưa về đất liền.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng kiểm tra sức khỏe cho ngư dân. Ảnh: Hải Yến.

Theo bác sĩ Tùng, dù bệnh xá được trang bị đầy đủ nhưng không thể bằng đất liền. Ngư dân gặp nạn thường được cấp cứu muộn vì sóng to gió lớn, đánh bắt xa, vết thương bị nhiễm trùng hoặc qua thời gian điều trị tốt nhất gây nguy hiểm tính mạng. Ở đất liền còn hội chẩn, ngoài đảo xa chỉ có bác sĩ trực tiếp điều trị nên nhiều ca phải quyết định nhanh, cái gì xử lý luôn được thì làm ngay.

"Những ca phức tạp, chúng tôi điện vào xin ý kiến trong bờ hoặc được hướng dẫn mổ trực tiếp từ các bác sĩ đầu ngành trong đất liền qua hệ thống trực tuyến Telemedicine", bác sĩ Tùng thông tin.

Chiếc tivi với hệ thống Telemedicine là những phương tiện kết nối giúp các bác sĩ nhìn thấy hình ảnh trong đất liền. Song, cơn bão Tembin quét qua cuối năm ngoái khiến hệ thống Telemedicine bị hỏng, phải gửi về bờ để sửa chữa.

Ngoài giờ trực, khám bệnh chuyên môn, các bác sĩ trồng rau, nuôi gà để tự túc bữa ăn như bộ đội, dân quân xã đảo. Gần 30 năm công tác trong ngành quân y, đi khắp đất nước khám chữa bệnh, nhưng những ngày đầu bước chân lên đảo lại khiến bác sĩ Phú có nhiều bỡ ngỡ.

"10 năm qua mình không nấu được bữa cơm nên hồn, không biết mùa nào trồng cây gì, chăm ra sao. Thế mà ra đảo mấy tháng cũng biết nấu cơm, trồng rau rồi", ông cười nói.

Tác giả: Hoàng Phương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP