Giáo dục

Nhiều băn khoăn thay đổi đào tạo sư phạm

Bộ GD-ĐT cho biết từ 2018 sẽ thay đổi việc đào tạo sư phạm. Nhưng nội dung đào tạo thay đổi thế nào, sinh viên ra trường được phân công ra sao?

Một tiết học của sinh viên ngành tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Đọc bài viết thay đổi đào tạo sư phạm, tôi có mấy băn khoăn về những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên, nâng cao chất lượng ngành sư phạm.

Xin trình bày những thắc mắc này để mọi người cùng chia sẻ...

1. Nếu đào tạo giáo viên bị dư thừa?

"Địa phương sẽ chịu trách nhiệm vì đưa thông tin không sát thực tế", địa phương sẽ là cá nhân hay tập thể chịu trách nhiệm? Chịu trách nhiệm đến đâu?

Giả sử bây giờ địa phương cam kết, nhưng đến năm 2022 xảy ra tình trạng bị dư thừa. Vào lúc này cá nhân (hoặc nhóm) cam kết trước đây đã nghỉ hưu (chuyển công tác), việc xử lý như thế nào?

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần quy định cụ thể vấn đề nêu trên, để không xảy ra tình trạng "rút kinh nghiệm sâu sắc", kiểu "tư duy nhiệm kỳ". Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, tại sao việc đăng ký nhu cầu đào tạo không làm trực tiếp giữa nhà trường phổ thông với các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT?

2. Có được chọn cơ sở đào tạo?

Địa phương có nhu cầu đăng ký qua Bộ GD-ĐT, họ có được quyền chọn cơ sở đào tạo? Nếu điều đó xảy ra, khi ấy có thể có trường sư phạm này số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển đông, trường sư phạm kia ít thí sinh đăng ký hơn, thậm chí thưa thớt thí sinh đăng ký. Bộ GD-ĐT sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển của một địa phương nhỏ hơn số lượng thí sinh địa phương ấy đăng ký, họ có quyền thực hiện cử tuyển hay không? Địa phương có được gửi người đi đào tạo tại các trường sư phạm ngoài nước hay không?

3. Việc làm sau khi tốt nghiệp trường sư phạm như thế nào?

Tốt nghiệp xong, sinh viên sư phạm về địa phương và chịu sự phân công, hay các trường sư phạm (thừa ủy quyền của Bộ GD-ĐT) phân công sinh viên tốt nghiệp về từng cơ sở giáo dục (thuộc quyền quản lý của địa phương có nhu cầu đăng ký) dựa trên kết quả học tập và rèn luyện?

4. Nội dung đào tạo của các trường sư phạm thay đổi như thế nào?

Giáo trình, phương pháp dạy - học - nghiên cứu, các hoạt động kiến tập - thực tập sư phạm, tới đây cải tiến ra sao? Thời gian đào tạo đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là bao nhiêu?

Tốt nghiệp, người học có trình độ cử nhân hay thạc sĩ? Các khoa thuộc trường sư phạm thay đổi như thế nào để đào tạo giáo viên dạy đáp ứng chương trình - sách giáo khoa phổ thông mới? Những chính sách thu hút học sinh khá, giỏi chọn thi vào trường sư phạm là gì?

Bộ GD-ĐT, các trường sư phạm cần công khai những vấn đề trên. Chứ chỉ có thực hiện giao chỉ tiêu sư phạm theo cơ chế đặt hàng, nhưng học sinh phổ thông không lựa chọn thi vào sư phạm thì sao đây?

Tác giả: TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP