Sreypov Chan – cô gái Campuchia cười thật sảng khoái, cô yêu thích các bài hát của Kelly Clarson. Trong những giấc mơ, cô luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng, một ngày kia cô lại bị nhóm giang hồ bắt trở lại. Họ tóm cô và ném cô vào một căn phòng bẩn thỉu, dơ dáy ngập ngụa với bầy gián. Cô biết điều gì sẽ xảy ra sau đó: lại bị đánh đập, những sợi dây kim loại quất từng nhát vào da thịt, rồi bị khóa trong một cái chuồng, bị dây điện gí vào người và giật từng hồi, và cuối cùng, nhóm giang hồ lại lôi cô ra cưỡng bức.
Sreypov đã từng sống trong chính cơn ác mộng đó.
Khi mới lên 7 – tuổi mà các bé gái vẫn còn tuổi ăn tuổi ngủ, Sreypov đã bị bán cho một nhà thổ ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Tại đây, em phải làm việc của một gái điếm. Người đã bán em trong vụ “làm ăn” này chính là mẹ đẻ của Sreypov.
Trong nhiều năm liền, các chủ chứa đã bắt Sreypov phải quan hệ với 20 “khách” mỗi ngày. Nếu không đạt ‘chỉ tiêu’ hoặc có ý định bỏ trốn, Sreypov bị trừng phạt thậm tệ theo những cách không thể nào nghĩ ra – Sreypov bị gí những quân bài poker vào người, và côn trùng nhung nhúc cắn vào cơ thể em. Và tệ hơn thế, “tôi đã muốn chết” – Sreypov nói.
Sreypov vẫn là một trong số những người may mắn. 10 tuổi, em nung nấu ý định bỏ trốn khỏi nhà chứa và bắt đầu một cuộc sống mới. Lúc này, Sreypov đã đủ bình tĩnh để kể lại câu chuyện cuộc đời mình, cởi mở về quãng thời gian nô lệ và bỏ trốn, và can đảm chấp nhận quá khứ u ám của mình.
Một sự thật gây sốc như chuyện của Sreypov đó là cô không phải là người duy nhất chịu cảnh này. Hơn 12 triệu người đang là nạn nhân bị cưỡng bức làm mại dâm và nô lệ lao động trên khắp thế giới. Theo bản Báo cáo tình hình Buôn người năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ, mua – bán người là ngành thương mại mang lại “lợi nhuận” 32 tỉ USD trên toàn cầu.
Nhà báo Abigail Pesta đã gặp Sreypov ba năm trước khi Sreypov tới Mỹ – đây là chuyến đi đầu tiên của cô ra ngoài lãnh thổ Campuchia. Lúc đó, Sreypov 17 tuổi, rất ngượng ngập, chỉ dám nhìn mọi người. “Sreypov không thể tin là mọi người lại thân thiện với cô như vậy” – một trong những người đồng hành với cô kể lại. “Họ nhìn vào mắt của cô ấy”.
Một năm sau đó, nhà báo Pesta lại gặp Sreypov. Một cô gái 18 tuổi má hồng bầu bĩnh chào đón Pesta với một vòng ôm thật chặt và chào hỏi bằng tiếng Anh: “Xin chào, cô có khỏe không?”. Trong bộ váy lụa màu hồng, dường như Sreypov đã phát hiện ra rằng, cô có quyền sống và tồn tại. Bất chợt, Pesta tự hỏi: đã bao giờ Sreypov thực sự vượt qua khỏi quá khứ đau thương tủi hổ của mình? Lần này, Pesta tới Campuchia để tìm ra câu trả lời này.
Nhìn từ trên cao, Campuchia trông như vùng đất ngập bùn. Trên mặt đất, xe taxi lao trên những con phố ngập nước như sông.
Xuyên qua một con phố hẹp và lầy lội giữa thành phố, lắt lẻo qua những cầu thang uống lượn chênh vênh, Sreypov giờ đã là một cô gái 20 tuổi, trẻ trung và sôi động. Căn phòng của cô trần trụi những bức tường thô ráp, trừ một mắc treo quần áo màu xanh lá có hình con bọ cười. Một cái chăn hình Tom và Jerry trên giường; có vài bức hình của cô trên bàn chụp cô cùng với những người bạn, trong đó có một cô bạn đã mất một mắt. Pesta nhận ra đó là cô gái đã bị một chủ chứa dùng một thanh kim loại chọc thủng mắt khi cô dám xin nghỉ “giải lao” giữa hai ca tiếp khách.
Sreypov ngồi trên giường và kể lại câu chuyện của mình. Sreypov nhớ lại tuổi thơ tràn ngập niềm vui, với tình yêu của bố mẹ, nhà có 5 anh chị em trong một ngôi nhà ở vùng nông thôn Koh Thom. Nhà cô có một mảnh ruộng trồng lúa. “Con phải đi học thôi” – Sreypov nhớ lại lời cha mình nói. Cô hình dung ra một ngày được đi học.
Khi Sreypov lên 5 tuổi, cha cô qua đời. “Sau đó, mẹ tôi đã thay đổi”- Sreypov kể lại. “Mẹ quá đau khổ, và cuộc sống của chúng tôi không còn hạnh phúc như trước. Chúng tôi trở nên rất nghèo khổ”. Sau đó, cả nhà phải sống trong một túp lều. Khi Sreypov lên 7 tuổi, mẹ đã bán cô, và nói rằng cô sẽ làm người giúp việc cho một gia đình khác. Sreypov nghĩ rằng đó là mệnh lệnh mà cô phải tuân theo. Chanthan – người phiên dịch của Sreypov – giải thích: ở đây, “Con gái cũng như là gánh nợ. Họ có mặt là để phục vụ cho gia đình”.
Quả thật, Sreypov đã làm người giúp việc – những chỉ trong hai ngày. Vào buổi chiều ngày thứ hai, chủ nhà mới đã dẫn cô tới một ngôi nhà khác tại Phnom Penh. Cô ăn tối và đi ngủ tại đây. “Khi tỉnh dậy, tôi không thể ra ngoài” – Sreypov kể. “Tôi bị nhốt trong phòng. Tôi khóc và cố gắng mở cửa”. Khuôn mặt của Sreypov bỗng nhiên biến sắc khi nhớ lại ký ức. Đó là đêm đầu tiên cô ở trong nhà chứa.
Con đường tới làng Kampong Cham, ngoại ô Phnom Penh rất mấp mô; những trận mưa lớn đã để lại những vết lõm sâu to hoắm trên đường khấp khểnh. Sreypov, Chanthan và Pesta đi tới trung tâm bảo trợ các nạn nhân tình dục. Sreypov đã từng ở đây, sau đó thường quay trở lại để trò chuyện với các bé gái, thường là dưới 18 tuổi. Có em mới lên 5.
Tại trung tâm bảo trợ có tên viết tắt là AFESIP, Sreypov tiếp tục kể lại câu chuyện của mình. “Ban đầu, nó rất yên tĩnh” – Sreypov nói. “Nhưng một ngày, một người đàn ông mở cửa và nói: ‘Mày có muốn tiếp khách không?’. Tôi không hiểu ông ấy nói gì, nhưng tôi nghĩ đó hẳn là điều chẳng lành. Tôi nói ‘Không’. Sau đó ông ấy đưa tôi đến một căn phòng để trừng phạt”. Sreypov ngừng lại một lát. “Tôi phải uống nước tiểu của ông ấy”. Những ngày sau đó, các trò lạm dụng ngày một tăng thêm. Sreypov bị treo lên và kiến bâu đầy người, bị chích điện giật. Cuối cùng, Sreypov đành phải nói ‘Có’.
Sreypov nhìn vào thinh không, chờ câu hỏi tiếp theo. Cô kể lại câu chuyện một cách khó khăn. Giá như cô có thể là một người khác khi kể lại chính câu chuyện này.
Khi Sreypov nhìn thấy người ‘khách hàng’ đầu tiên của mình – “một người đàn ông châu Á với đôi mắt hung tợn” – cô nhớ lại. Sreypov thay đổi ý định và lại từ chối. Quá tức tối, chủ nhà chứa đã nâng mức tra tấn. Hắn vò ớt cay bằng chân rồi sau đó nhét vào chỗ kín của Sreypov. Sau đó, hắn lấy một cây gậy kim loại nung nóng, rồi ấn vào bên trong người cô. “Tôi đau đớn khủng khiếp” – Sreypov nói. “Tôi không thể thốt lên lời nào”. Ngay sau đó, “khách hàng” đã cưỡng đoạt cô.
Sreypov không hề biết là người khách kia có trả giá cao cho sự trinh trắng của cô hay không, cô chưa bao giờ nhìn thấy mặt đồng tiền trong nhà chứa. Trung bình, mức “giá” để quan hệ với các cô gái chỉ là 5 USD (tương đương 100 ngàn đồng – còn rẻ hơn cả giá đi taxi từ sân bay về trung tâm thành phố Phnom Penh). Nhưng “giá” cho các trinh nữ thì cao hơn rất nhiều. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, khách hàng phải trả tới 800-4.000 USD. Và các trinh nữ vẫn có thể “tái sử dụng” trong nhiều lần với chiêu “vá lại màng trinh” (mà không có thuốc mê) của các chủ chứa. Do đó, các cô gái (bé gái) vẫn kêu lên đau đớn trong những lần tiếp theo, nhằm qua mặt các khách hàng.
Sau những ngày đầu của chuỗi ngày nô lệ tình dục, Sreypov bị giam vài tháng trong phòng với bảo vệ gác ngoài cửa. Nếu không đủ “chỉ tiêu” tiếp “khách” trong ngày, cô sẽ bị gí điện vào người cho giật bằng dây kim loại nối thẳng vào ổ điện. “Có những ngày, tôi kiệt sức, không thể ra khỏi giường. Những người đàn ông chỉ đến giường tôi, rồi người này tiếp sau người kia, cứ thế như là một lũ cưỡng bức” – Sreypov kể. “Tôi trở nên tê cứng. Cuộc đời tôi trở nên tối tăm. Tôi nghĩ, mọi chuyện với tôi đã chấm hết”.
Sreypov lại rơi vào thinh không. Đôi mắt cô buồn, giờ càng tê tái hơn. Người phiên dịch Chanthan nhìn Pesta và nếu cần phải giải thích về quãng đời kinh hoàng của Sreypov, cô chỉ ra dấu hiệu và nói đơn giản: “Đây là Campuchia”.
Chiều muộn tại trung tâm AFESIP, các cô gái tổ chức văn nghệ và múa bài hát truyền thống của Campuchia. Trong đó có một bé gái, đó là em gái của Sreypov mới lên 8 tuổi. Sreypov sợ rằng mẹ sẽ bán em gái đi (vì em có bệnh tâm thần) nên cô đón em về đây. Các bé gái ở trong trại không muốn Pesta và Sreypov ra về. Một bé gái thì thầm với Pesta: “Hãy hứa là đừng quên chúng em nhé”.
Chiều hôm đó, Pesta ngồi ở ghế sau, cạnh một em gái nhỏ tên là Sreymach. Em từng bị bán làm nô lệ tình dục một năm trước đó, khi mới lên 5 tuổi. Em mở to mắt và nhìn ra ngoài cửa sổ xe. Thành phố đã lên đèn, với các khách sạn và quán bar loang loáng trong đêm. Sreymach đi lên thủ đô để chữa bệnh. Em bị nhiễm HIV.
Lê Thu (theo Marie Claire)
VietNamNet