Cuộc tự tử bất thành
Tuy mắt không còn nhìn thấy gì nhưng tai bà lão mù vợ ông Trần Văn Thành (thôn Kim Đằng phường Lam Sơn, TP Hưng Yên) lại rất thính. Nửa đêm về sáng hôm đó, khi nghe thấy tiếng chồng mình nhè nhẹ mở cửa, bà cứ nghĩ là ông đi vệ sinh như mọi bận nên ngủ tiếp cho đến khi người con gái gọi: “Bu ơi bu, thầy đi đâu rồi?”. “Ô, thầy mày đi vệ sinh từ lâu rồi mà vẫn chưa trở lại nhà à? Đi tìm xem sao”.
Gia cảnh của ông Thành |
Vốn “không được thật người” cho lắm nhưng nghe giọng điệu lo lắng của mẹ, chị Trần Thị Tuất cũng vội lật đật cầm đèn chạy ra vườn. Đến gần cái cổng chị thấy cái quần dài của bố vắt trên tường rào như thể đánh dấu. Tìm kiếm một hồi gần đó thì thấy bố đang quần đùi, áo cộc nằm còng queo dưới gốc cây nhãn. Mắt ông nhắm nghiền, mồm sùi bọt sặc mùi thuốc sâu, dưới đất còn vương vãi mấy cái vỏ lọ thuốc nữa.
Sợ quá chị kêu ầm lên: “Bớ làng nước ơi, bố tôi uống thuốc sâu tự tử, cứu, cứu với”. Người hàng xóm vội chạy sang, móc miệng tạo nôn rồi đưa ông đi viện. Thoát khỏi cửa mả nhưng kể từ đó đến nay đã là 3 tháng mà ông Thành vẫn dật dờ như một cái bóng, đi đứng run rẩy, mắt mỗi lúc một mờ đi.
Bữa cơm của gia đình ông Thành |
Kim Đằng tuy đã lên phố, lên phường nhưng vẻ nghèo khó vẫn còn hiện ra ở nhiều nơi. Men theo con đường đất lầy lội tôi đến thăm ông. Chỉ mấy ngày trước đó, nước mưa còn ngập đến đùi phải mang bao cát ra chắn ngoài cửa đến 4-5 ngày.
Ông bà cùng người con gái đang ngồi bệt dưới nền nhà mà ăn. Gọi là bữa cơm cho sang nhưng chỉ có lưng nồi cơm nguội với 1 đĩa dừa khô kho tương. Hôm trước chị Tuất đi chợ mua 2 lạng dừa giá 10.000đ về kho mặn chia làm 2 bữa để ăn sẻn. Ngày nào 4 miệng ăn cũng chỉ có khoảng 10.000đ để mua thức ăn nên chủ yếu là đậu phụ, dừa khô còn thịt cá thì họa hoằn cả tuần mới có.
Thức ăn duy nhất chỉ có đĩa dừa kho tương |
Miếng cơm nguội khô khốc cứ nghẹn bứ trong cổ khiến cho bà lão mù giơ bát ra nói với chồng: “Chan võng cho tôi tí nước sôi đi ông”. Ông Thành lẩy bẩy với lấy cái phích chan nước cho vợ rồi lại trệu trạo nhai tiếp bằng hai cái hàm đã rụng gần hết răng.
Giàu có là đây?
Chị Tuất cứ sườn sượt thở than về người chồng vắn số khiến cho đứa con mới từ trong trứng nước đã phải sống nhờ vào ông bà ngoại: “Bấy lâu nay không có ruộng nên tôi phải đi cấy nhờ 1 sào ở tận xã An Tảo cơ mà giờ ở đó dân xung quanh đã bỏ hoang gần hết nên lúa trâu ăn, vịt ăn, chuột ăn, không giữ được, chỉ thu hơn 1 tạ/sào".
Kinh tế của cả nhà phụ thuộc vào cái rọ bưởi của chị. Mỗi ngày chị đạp xe 40-50 km từ sáng sớm đến tối mịt, bán hết hàng thì được lãi 50-60.000đ còn không chỉ được 30-40.000đ. Tính trung bình một tháng được khoảng 1,5 triệu đồng, nửa dành để đóng học cho con, nửa dành để mua thức ăn cho bố mẹ.
Kinh tế của cả nhà còn phụ thuộc vào mức hỗ trợ tàn tật của người mẹ mù mỗi tháng được cấp 540.000đ. Khổ nỗi bà bệnh tật dầm dề, hết bệnh phổi lại bệnh mắt nên tiền thuốc thang có khi còn không đủ.
Trên mảnh đất rậm rạp như một cái vườn hoang đó có hai ngôi nhà bé con con. Một cái cũ hơn vốn là của người con trai cả ông Thành đã khuất. Trước đây cả nhà ông vẫn ở đó cho đến khi nó dột nát quá thì người con gái mới quyết định xây một cái khác. Lúc đầu chỉ là 1 gian nhà giành cho bố mẹ ở còn mẹ con chị vẫn ở trong ngôi nhà cũ nhưng khi nó xuống cấp đến nỗi có thể sụp đổ bất cứ lúc nào thì chị đành phải làm thêm 1 gian nữa.
Nó thấp lè tè và nóng bức đến nỗi về sau lại phải nâng tường, thay mái bờ lô bằng mái ngói. Vậy là 2 gian nhà chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng phải ba lần xây, lợp, tốn kém 35 triệu trong đó đi vay 25 triệu.
Trong ngôi nhà đó không có cái gì trị giá quá 100.000-200.000đ. Không xe máy, không tủ lạnh, đến cái tivi đồng nát kính lồi cũng là của người khác thương tình đem cho. Nhà chỉ có hai cái giường nên dù đã 16 tuổi nhưng thằng Định vẫn phải ngủ với mẹ.
Hỏi lý do tự tử lúc đầu ông Thành ngần ngừ không nói nên bà vợ mù phải nói thay: Ông ấy phần vì lo làm nhà trên đất 03 (đất nông nghiệp dù đã tự ý chuyển đổi từ khoảng 20 năm sang đất ở - PV) sợ người ta đến phá, phần vì chán cảnh nghèo. Suốt ngày ông ấy cứ than vãn: “Sống khổ thế này thì sống làm gì nữa? Thà chết đi còn hơn để con cái đỡ phải nuôi”.
Đến lúc này, ông Thành mới chịu mở lời: Những hộ trong làng, có nhà có mái bằng cũng được hộ nghèo mà nhà tôi một người già gần 80 tuổi, 1 người mù, 1 người góa chồng, 1 trẻ nhỏ lại không. Tết đến thấy hàng xóm được hỗ trợ tiền, hỗ trợ bánh kẹo trong khi nhà mình không có thì tủi lắm! Nhà tôi ở trong danh sách hộ nghèo 7-8 năm mới chỉ bị cắt 2 năm nay.
Về chuyện gạt gia đình bố chồng ra khỏi danh sách hộ nghèo chị Hồng đã gửi đơn lên xã, lên tỉnh nhưng chưa thấy giải quyết gì nên chồng chị mới bảo thôi, đừng viết nữa, chữ nghĩa đã không biết lại đi đi về về cho thêm tốn kém, nợ nần. |
Cũng bởi vì không nằm trong diện hộ nghèo nữa mà mỗi tháng gia đình ông mất thêm 30-50.000đ tiền điện, mất thêm tiền đóng học phí cho cháu hay mất thêm tiền viện phí khi khám bệnh.
Khi tôi vô tình nhắc đến tiền viện phí, ông thở dài: Lúc đó tôi mới đổ 1 gói thuốc chuột, 1 lọ thuốc sâu vào miệng, định uống thêm 1 chai thuốc diệt cỏ nhưng tay đã run lên không cầm nổi nữa, nằm vật ra. Sau này khi biết thằng Dân (con trai) phải mất 17 triệu (trong đó vay 10 triệu) để lo chạy chữa cho bố thì tôi ân hận quá. Tưởng mình chết đi để nhẹ nợ cho con mà lại thêm gánh nặng cho chúng. Từ nay thì xin chừa không dám tự tử nữa…
Tại sao một gia đình nghèo khổ thế mà lại bị gạt ra khỏi danh sách hộ nghèo? Mang băn khoăn đó tôi hỏi ông Vũ Văn Thọ - Bí thư Kim Đằng thì ông trả lời: Con trai nhà ông Thành có nhà hai tầng thì làm sao mà ông lại trong hộ nghèo được? Hai năm trước số hộ nghèo của Kim Đằng là hơn 40 hộ nhưng giờ chỉ có 22 hộ, chiếm hơn 3%, thấp nhất phường. Đó là giảm nghèo một cách tự nhiên chứ không hề bắt buộc hay chịu sức ép nào hết.
Ông Vũ Văn Thọ - Bí thư Kim Đằng |
Cũng vì quán triệt hễ nhà nào có con cái trưởng thành là bố mẹ không được nằm trong hộ nghèo nữa nên nhiều hộ bị gạt thẳng thừng ra khỏi danh sách kiểu như ông Thành. Tôi đến nhà anh Trần Văn Dân - người con trai có ngôi nhà hai tầng là cơn cớ để địa phương áp đặt hộ ông Thành ra khỏi hộ nghèo.
Nhà cũ kỹ, đồ đạc hầu như không có gì đáng giá lắm. Anh làm thợ xây tháng kiếm khoảng 3 triệu còn vợ bán hàng rong tháng thu nhập được 1,5 triệu. Số tiền đó nuôi hai người con ăn học còn khó, còn phải vay mượn thêm 15 triệu đồng nên chỉ thỉnh thoảng giúp được chút ít cho bố mẹ chứ không thể cáng đáng thêm được 4 miệng ăn nữa.
Khi tôi rời khỏi Kim Đằng, người hàng xóm đang bắt ốc dưới thửa ruộng gần nhà ông Thành chợt ngẩng đầu lên nói bâng quơ với tôi rằng: “Đến như nhà ông Thành mà còn không được hộ nghèo thì cả làng này đều đã thoát nghèo hết rồi”.
Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam