Từ lão ngư đến chị bán hàng đều thẫn thờ nhìn ra biển… với câu hỏi bao giờ biển hết ô nhiễm. Dọc theo bờ tường nhà máy thép Formosa kéo dài hơn 5km, bên trong bờ rào là những tòa nhà, ống khói cao lớn vẫn nhả khói hàng ngày quyện vào không trung.
Tại những vùng biển đã từng hào sảng cho ngư dân nào cá, tôm, mực, cua, ghẹ từ bao đời nay để sinh sống, lập làng rồi bỗng nhiên vì lỗi của con người mà biển chết. Nay tôm, cá, ghẹ nhỏ đã lác đác xuất hiện trở lại nhưng người ăn không dám mua. Ngư dân như ngồi trên chảo lửa, họ không biết phải làm gì ngoài việc tiếp tục ra khơi nhưng khi về đến bờ nỗi buồn lại đến. Trước đây đi biển từ lúc chập choạng tối đến sáng sớm về cũng được năm mười kg cá, mực, còn nay giỏi lắm chỉ được một vài kg mà bán chẳng ai mua.
4 tháng nay ngư dân úp thuyền trên bãi, còn những người làm nghề buôn bán hải sản buông gánh, những diêm dân để đồng muối trống, những chủ quán ngồi thẫn thờ nhìn bãi biển vắng tênh… Dù mới đây Bộ Y tế vừa công bố hải sản tầng nổi an toàn, tầng đáy chưa an toàn nhưng người dân vẫn chưa an tâm.
Khi nào biển hết ô nhiễm và ăn cá được để ngư dân có công ăn việc làm? Ngư dân bây giờ chỉ biết thốt lên: “Người ơi đừng phụ biển”.
Bãi biển tuyệt đẹp của Hà Tĩnh gần khu vực đèo Ngang giáp ranh với tỉnh Quảng Bình cũng không một bóng khách du lịch. |
Người buôn bán cá ở bãi Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. |
Ngư dân, người buôn bán cá ở bãi Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Bố Trạch, Quảng Bình vẫn hoạt động nhưng lượng giao dịch chỉ bằng con số lẻ so trước đây. |
Ông Nguyễn Văn Thoành ngư dân đánh lộng khu biển Kỳ Ninh – Hà Tĩnh tâm sự: “Đánh cá bây giờ buồn lắm, biển ô nhiễm người dân không dám ăn cá.” |
Cảng cá Cửa Sót (huyện Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) vẫn hoạt động nhưng ghe thuyền về cảng ngày càng đìu hiu. |
Cả nhà chị vẫn ra khơi lưới cá nhưng có đêm đi về chỉ được một con mực bằng bàn tay nấu nồi nước chan mì tôm. |