Hành trình của lòng tri ân
Ông Nguyễn Sỹ Hồ (quê Hương Trạch - Hương Khê - Hà Tĩnh), nguyên là giáo viên Toán trường THPT Tân Uyên, Bình Dương, nay đã nghỉ hưu. Được biết ông đã xin nghỉ trước tuổi để tập trung thời gian, sức lực vào việc chụp hình, lấy thông tin phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang Liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc để đưa lên mạng xã hội, website nhằm giúp đỡ thân nhân các gia đình Liệt sĩ dò tìm phần mộ của người thân.
Mất mẹ năm 1972 trong một trận bom Mỹ, anh trai đi kháng chiến hy sinh không tin tức. Sau 75 làm giáo viên toán ở huyện Tân Uyên, Bình Dương. Trong lòng vẫn đau đáu nỗi lòng chưa tìm được hài cốt anh nên ông đã nhiều lần ra Quảng Trị chiến trường cũ của anh để tìm mộ hoặc dấu tích nhưng không kết quả. Thế nhưng may thay, cuối cùng nhờ đồng đội cũ của anh giúp đỡ mới tìm được mộ anh thì ra đã được quy tập trong một nghĩa trang liệt sĩ ở Long An.
Qua hành trình đi tìm mộ anh quá gian nan vất vả ông mới thấy thực tế có rất nhiều mộ liệt sĩ đã được đưa về nghĩa trang miền Nam có tên tuổi đàng hoàng vậy mà vẫn không có người thăm viếng chẳng qua vì thân nhân – hầu hết ở miền Bắc - không biết, không có thông tin. Từ đó ông mới nảy sinh ra ý tưởng đi chụp ảnh những bia mộ “cô đơn” đó làm bằng chứng thuyết phục rồi tìm cách đưa lên mạng để phổ biến rộng rãi khắp cả nước cho mọi người được biết, hy vọng qua đó thông tin sẽ đến với thân nhân liệt sĩ.
Thế là từ năm 2008, tận dụng thì giờ rảnh ông xách xe máy đi khắp các nghĩa trang ở tỉnh nhà Bình Dương rồi qua các tỉnh lân cận – Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh… - chụp hàng ngàn bức ảnh về hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa được thân nhân nhận biết. Ông làm việc này một cách không công, không đòi hỏi gì dù hoàn cảnh sống giáo viên quèn của mình cũng chẳng khấm khá gì.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ |
Sau đó ông lập một blog trên mạng để đưa tất cả ảnh bia mộ đó lên nhờ Internet chuyển tải đi khắp nước và cả thế giới. Không chỉ thế, dựa trên địa chỉ quê quán trên bia mộ, ông còn chịu khó cặm cụi gửi thư cho thân nhân thông báo riêng. Nhờ đó đã có hàng trăm gia đình, thân nhân liệt sĩ có thông tin để lần đầu khăn gói vào Nam thăm mộ, một số có điều kiện thì làm thủ tục xin đưa di hài về quê.
Ông Hồ bên mộ của anh trai, Liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa |
Ông đã đi dọc chiều dài đất nước, đến các nghĩa trang tại các tỉnh thành, chụp ảnh các bia mộ Liệt sĩ vô danh hay chưa có thông tin đầy đủ, sau đó lưu vào máy tính rồi phân loại, phân tích thông tin, một mặt đưa lên website http://www.nguoiduado.vn, mặt khác viết thư báo tin những ảnh bia mộ mà ông cho rằng gia đình chưa biết. Ông cũng sẵn sàng đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục để các gia đình có thể nhanh chóng đưa vong linh các anh hùng Liệt sĩ về lại với quê Cha đất Tổ.
10 năm với công việc thầm lặng, ông đã làm nên những điều kỳ diệu. Đến nay, ông đã thu thập được thông tin tại 330 Nghĩa trang Liệt sĩ trên cả nước, với khoảng 160.000 tấm ảnh bia mộ Liệt sĩ, ảnh Nghĩa trang Liệt sĩ. Công trình của ông đã giúp được khoảng 5000 gia đình liệt sĩ, tiết kiệm cho xã hội, cho các gia đình liệt sĩ hàng trăm tỉ đồng. Và hơn hết, thông tin của ông đã giúp cho cả nghìn gia đình tìm được người thân, giúp các Liệt sĩ sau nhiều năm lạnh lẽo dưới lòng đất chiến trường hoặc dưới các tấm bia liệt sĩ vô danh.
Dù thế, ông cho biết “Tôi không muốn thống kê số gia đình đã được tôi tìm giúp mộ người thân bởi tôi tâm niệm: "Hãy quên những người mình đã giúp và luôn luôn nhớ những người mình chưa giúp được."
Ông là "Người đưa đò thầm lặng" để góp phần tìm lại mộ phần của những con người đã làm nên lịch sử |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên mảnh đất hình chữ S vẫn còn những vết thương chưa thể liền da. Nhiều gia đình Liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy mộ phần của người thân, những tấm mộ liệt sĩ vô danh vẫn là nỗi niềm canh cánh, khôn nguôi của người thân và xã hội. Niềm trăn trở, những khát khao đem lại niềm hạnh phúc tìm được mộ người thân hi sinh trong chiến tranh không khi nào vơi trong tâm trí ông, nên đến nay, sau 10 năm lặng lẽ, ông giáo về hưu cùng vợ vẫn rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, tiếp tục hành trình thiêng liêng của mình, dù đó là một con đường chất chồng những thử thách, khó khăn.
Đạt được kết quả như thế là thỏa mãn tấc lòng lắm rồi nên mỗi lần có thân nhân tìm đến nhờ đưa đi tìm mộ đều hăng hái tháp tùng chỉ dẫn rồi cũng quỳ vái trước mộ. Lầm rầm khấn vái như lời cảm tác triết lý ghi trên giao diện blog “Bia mộ” bên cạnh hàng hàng lớp lớp ảnh mộ bia: “Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị nguồn cội lại vang lên.”
Tác giả: Tiêu Dao (tổng hợp)
Nguồn tin: phununews.vn