Lao Động - Việc Làm

Ngư dân miền Trung sau thảm họa cá chết: Gian nan hành trình chuyển đổi sinh kế

Làm gì để giúp ngư dân các tỉnh bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết có cái ăn trong thời gian tới là chuyện không hề dễ dàng, bởi mọi thứ hiện đang rối như một mớ bòng bong, không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào.

Bà Trần Thị Khưởng (xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) chuyển từ nghề biển sang trồng đậu xanh trên đất cát được 2 tháng, vườn đậu này sắp cho thu hoạch. Ảnh: Hưng Thơ.
Bà Trần Thị Khưởng (xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) chuyển từ nghề biển sang trồng đậu xanh trên đất cát được 2 tháng, vườn đậu này sắp cho thu hoạch. Ảnh: Hưng Thơ.
Có địa phương như Quảng Trị hiện đang làm khá nhanh, nhưng trong trường hợp này, nhanh chưa chắc đã đúng và cho ra kết quả, bởi chuyển đổi nghề với ngư dân là chuyện không dễ.

Ngư dân chuyển sang làm nông dân
Trước tình hình cá gần bờ vắng bóng và giá cả rẻ bèo, ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ ở các vùng bãi ngang của huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) bắt đầu chuyển hướng sản xuất để đảm bảo cuộc sống. Xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) có 138 hộ làm nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần biển. Bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa cá chết, nhưng là địa phương đi đầu trong việc định hướng, chuyển đổi phương thức sản xuất cho bà con ngư dân. Ông Hồ Xuân Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân – cho biết, để giúp bà con ổn định cuộc sống trước mắt vì không đi biển được, địa phương đã định hướng chuyển đổi sang trồng trọt, chăn nuôi.Việc chuyển hướng sản xuất từ đánh bắt sang trồng trọt đã được người dân thực hiện gần 2 tháng nay. Trong đó, người dân chuyển sang trồng đậu xanh lòng 20ha, 15 hộ xây dựng gia trại để chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ông Đức, đây chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt. “Về lâu dài, khi người dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng sẽ cải hoán, nâng cấp tàu để chuyển hướng đánh bắt từ gần bờ sang trung bờ” – ông Đức, nói.

Vùng cát bãi ngang ở xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) với phần lớn người dân sống bằng nghề biển điêu đứng sau thảm họa cá chết. Để giải quyết khó khăn trước mắt cho hàng ngàn lao động biển, chính quyền xã Vĩnh Thái đã xây dựng 2 phương án là trồng cây dược liệu và xây dựng vùng chuyên canh rau sạch trên cát. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn đang “giẫm chân tại chỗ” vì người dân cần được đào tạo kỹ thuật, cần được đầu tư vốn. Ông Lê Tiến Dũng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Linh – cho biết, huyện đang phối hợp với trung tâm khuyến nông- khuyến ngư để có kế hoạch đào tạo nghề cho ngư dân. Tuy nhiên, việc tìm hướng đi mới không phải ngày một, ngày hai mà còn cả quá trình gian nan.

Còn phải chờ hướng dẫn

Phần lớn ngư dân ở các xã vùng bãi ngang của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện vẫn chỉ biết loanh quanh trong nhà và chờ đợi. Ông Bạch Văn Khai – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế – nói rằng, địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể để giúp ngư dân chuyển hướng sản xuất, ổn định đời sống trước mắt cũng như lâu dài. “Huyện đang chờ tỉnh, Chính phủ  có phương án cụ thể chứ cấp huyện làm chi xong. Bây giờ, người dân chưa nuôi cá lại được, ngư dân chưa làm chi được hết”, ông Khai trần tình.

Ông Khai cho biết, dù đã qua thời vụ nuôi trồng nhưng một hai ngày tới, huyện tổ chức cho các xã đi tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt trong bể để khi có chính sách của Chính phủ mới có thể có hướng cụ thể để chuyển đổi hướng sản xuất cho ngư dân. Và, trong cảnh  “không có cá để đánh bắt”. “Ngư dân chủ yếu loanh quanh ở nhà chứ chưa biết phải làm gì. Tui đề nghị cấp trên khẩn trương xây dựng các mô hình để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân”, ông Khai  cho biết.

Ông Khai nhận định rằng, về lâu về dài, bài toán sinh kế cho ngư dân vùng biển không hề dễ vì hầu hết ngư dân Phú Lộc chuyên nghề biển, nay tuổi cũng đã xấp xem 35-40 tuổi nên những lựa chọn khác ngoài đi biển rất khó phù hợp với họ. “Nhà cửa san sát nhau như thành phố, không có đất sản xuất, rất bí ở chỗ này”, ông Khai nói thêm.

Trong khi đó, nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh cũng đang chờ đợi hướng dẫn của cấp trên để tiến hành đánh giá thiệt hại.

Ông Lê Văn Chương – Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương – cho biết, đến thời điểm này, tàu cá công suất lớn tại địa phương đã vươn khơi, còn những thuyền nhỏ vẫn đang nằm bờ. Việc thống kê thiệt hại phường này vẫn chưa triển khai vì phải chờ biểu mẫu, cách thức thống kê của Hội đồng tỉnh hướng dẫn. Riêng việc thực hiện quyết định 1822 quy định thực hiện tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành ngày 1.7, ông Chương nói, hiện địa phương đã thống kê các đối tượng trong diện được hưởng để làm bảo hiểm y tế cho họ. Còn các vấn đề như chuyển đối nghề, đào tạo nghề, đóng mới tàu thuyền… chưa thấy người dân lên đăng ký. Còn theo ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh –  cần động viên người dân tham gia cải hoán và đóng mới tàu thuyền công suất lớn để được hưởng chính sách hỗ trợ và có điều kiện đánh bắt xa bờ, ổn định cuộc sống. Vận động ngư dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp…

BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh – cho biết, đến nay, hơn 8000 công nhân lao động của các nhà thầu ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau gần một tuần được cho nghỉ làm việc vào thời điểm công bố nguyên nhân cá chết, đến hôm thứ hai (ngày 4.6) đã làm việc trở lại. Còn hơn 6.300 công nhân lao động của Cty Formosa Hà Tĩnh vẫn làm việc bình thường vào thời điểm công bố nguyên nhân cá chết (Cty Formosa có ký túc xá cho công nhân ăn, nghỉ bên trong khuôn viên).

Ngư dân Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngư dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh lâm cảnh khó khăn sau thảm họa cá chết. Ảnh: Trần Tuấn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP