Đền ơn - Đáp nghĩa

Nghi Xuân chung tay xoa dịu "nỗi đau da cam"

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm nhưng vẫn còn đó nỗi đau cho những số phận bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin với bao gia đình cùng nhiều thế hệ…

Đáng lẽ ra, ở cái tuổi 70 như ông Nguyễn Minh Tuyến bà Trần Thị Trung ở xóm An Toàn xã Xuân Hội phải được tận hưởng niềm hạnh phúc sum vầy cùng con cháu trong cuộc sống đời thường, nhưng chỉ vì chất độc Da cam/dioxin mà cuộc đời của gia đình ông bà phải nếm trải tận cùng nỗi đau. Trong những năm tháng tham gia kháng chiến tại H3 trung đoàn 218, bộ tư lệnh phòng không không quân Thừa Thiên Huế, ông Tuyến đã bị nhiếm chất độc da cam /Dioxin lúc nào không hay. Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương lập gia đình sinh sống, thay cho niềm hạnh phúc mỗi khi chờ đón những đứa con chào đời là nỗi đau khi thấy các con bị dị dạng bởi ảnh hưởng của chất độc da cam. Qua bốn lần sinh nhưng nay ông bà cũng chỉ còn lại một người con tật nguyền nằm một chỗ suốt 32 năm nay. Chung số phận ấy, gia đình ông Nguyễn Văn Khương ở Thôn Lâm Hoa xã Xuân Liên cũng đang từng ngày nuốt nước mắt chăm sóc ba người con bị bệnh tật, ảnh hưởng vì chất độc da cam gây ra. Đau đớn hơn, đứa cháu nội – thế hệ thứ 3 của ông cũng bị chất độc da cam /Dioxin tàn phá.


Toàn huyện Nghi Xuân có trên 1390 đối tượng bị phơi nhiễm trong đó có 265 đối tượng nhiễm trực tiếp khi tham gia kháng chiến. Bên cạnh nỗi đau đớn do bệnh tật và những khiếm khuyết trên cơ thể, nỗi niềm lo lắng về miếng cơm, manh áo hàng ngày, nạn nhân da cam còn mang cả nỗi đau bị tước đi niềm hi vọng về thế hệ tương lai.Bà Hồ Thị Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Nghi Xuân cho biết: “Các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đều rất thương tâm. Gia đình họ chỉ mong sinh được một đứa con lành lặn nhưng ước mơ đều không thành hiện thực. Những đứa trẻ lần lượt sinh ra đã bị khiếm khuyết dị tật, thiểu năng trí tuệ. Có những gia đình có hai đến ba người con cùng bị phơi nhiễm. Hầu hêt những nạn nhân chất độc da cam không có khả năng hay rất khó khăn trong việc sinh hoạt cá nhân chưa nói đến lao động. Mặt khác họ lại thường xuyên ốm đau. Do đó, những gia đình có nạn nhân chất độc da cam thường có hoàn cảnh rất khó khăn nhất là về kinh tế”.


Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, huyện Nghi Xuân đã triển khai nhiều phong trào và nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc như phong trào: ‘Đền ơn đáp nghĩa”, “Ưống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Thương người, như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”… Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện thường xuyên tổ chức các đợt tuyên tryền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân, đến nay, quỹ đã vận động được hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này đã được trích để hỗ trợ xây dựng mới và tu sửa 18 căn nhà tình nghĩa; hỗ trợ vốn sản xuất cho 20 hộ gia đình; tặng hàng chục suất học bổng cho các cháu đang theo học các trường; tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ tiền viện phí cho hàng trăm lượt nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tặng hàng ngàn phần quà cho các gia đình vào dịp lễ, tết…Ngoài ra, thông qua tổ chức hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động.


Tuy đây là những con số khiêm tốn so với số lượng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn, trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ, tạo niềm hy vọng, cơ hội làm việc để họ tự nuôi sống bản thân. Từ sự quan tâm giúp đỡ của hội và cộng đồng, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vượt khó vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động xã hội như bác Nguyễn Minh Sơn, Lê Minh Thức (Xuân Yên), Dương Xuân Thích, Nguyễn Hải Đường (Xuân Thành), Nguyễn Xuân Vinh (Xuân Hồng), Nguyễn Văn Khương (Xuân Liên)… Đặc biệt là anh Nguyễn Văn Huế thôn 1 xã Cổ Đạm, mặc dù sức khỏe yếu nhưng với nghị lực của bản thân cùng sự giúp sức của người vợ gia đình anh đã khắc phục khó khăn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi hươu, bò kết hợp với trồng cây ăn quả, mỗi năm cho nguồn thu hàng chục triệu đồng giúp gia đình anh chăm lo đầy đủ cho 3 đứa con ăn học.


Vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng thực tế những nạn nhân chất độc da cam/Dioxin vẫn đang hằng ngày phải đối diện với nỗi đau về thể xác, tinh thần và sự khó khăn trong cuộc mưu sinh. Bởi thế hơn ai hết họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội. Đó chính là nguồn động viên lớn lao giúp họ vượt qua khó khăn, quên đi những mất mát thiệt thòi để hoà nhập với cộng đồng.


Thành Nam

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP