Cụ thể, vùng 1 tăng 550.000 đồng, từ 3,1 triệu đồng lên 3,65 triệu đồng. Vùng 2, từ 2,75 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng (tăng 450.000 đồng); vùng 3, tăng 400.000 đồng, từ 2,4 triệu tăng lên 2,8 triệu đồng; vùng 4 từ 2,15 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng).
Theo tính toán, mức tăng kể trên tương ứng khoảng 16,28-17,74%, đáp ứng được khoảng 87-89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Ảnh minh họa. |
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, đề xuất trên căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3-3,5%/năm.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm của người lao động cũng có nhiều thuận lợi trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, đời sống của người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) là đại diện cho doanh nghiệp, chỉ đưa ra mức 10%. VCCI cũng muốn có lộ trình cụ thể từng năm, đồng thời yêu cầu việc tăng lương tối thiểu gắn với tăng năng suất lao động.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: “Dựa trên phương án của các bên, Hội đồng tiền lương sẽ lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu để các bên chấp nhận được”.
Theo Mạnh Nguyễn/Bizlive