Giáo sư Mã Thừa Nguyên thuộc đại học Khoa Học Chính trị và Luật, nhận xét: «Đó là bởi vì tòa án xét xử tranh chấp hàng hải theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển không có thẩm quyền đối với những khiếu nại của Manila. Và đơn kiện đơn phương của một quốc gia đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta (Trung Quốc) theo đó các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương».
Vào tháng 10/2015, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết công nhận thẩm quyền xét xử của mình trên 7 vấn đề được Philippines nêu ra trong đơn kiện. Trung Quốc đã tuyên bố quyết định của tòa án không có hiệu lực ràng buộc đối với nước này.
Trước đó, lãnh đạo Cục Biên giới và Đại dương thuộc bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh xác định rằng không phải Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề, nhưng «chúng tôi muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán, như đã nêu rõ trong thỏa thuận với Philippines và trong bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông với ASEAN (DOC). Việc đơn phương viện đến trọng tài là bất hợp pháp».
Trung Quốc mới đây tuyên bố đã đạt được đồng thuận với Brunei, Campuchia và Lào về Biển Đông, theo đó 4 bên có liên quan đã đồng ý chống lại mọi mưu toan đơn phương áp đặt một giải pháp nào đó để buộc nước khác phải chấp nhận.
Các chuyên gia Trung Quốc tại cuộc họp còn cho rằng đó là một ví dụ mà Philippines nên noi theo: Tranh chấp lãnh thổ và hàng hải có thể được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán tay đôi để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo giới quan sát, những động thái của Trung Quốc hoàn toàn không có gì mới, vẫn tuân thủ chiến lược “bẻ từng chiếc đũa” và cũng đang ráo riết vận động các nước thân cận ủng hộ Bắc Kinh nhằm chống lại phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ kiện “đường lưỡi bò” sai trái.