Mời gọi đầu tư

Lãnh đạo có tâm không ngồi chờ cơ chế!

Đài PTTH Hà Tĩnh vừa phát một phóng sự về chuyện khá lạ thường ở tỉnh này như một hiện tượng hiếm hoi: Một nhà tư vấn, tiến sĩ, giảng viên của các trường đại học, Viện trưởng Viện quản trị Doanh nghiệp (DN) … đã về "3 cùng" với tỉnh Hà Tĩnh.



Lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm và trách nhiệm với quê hương đất nước thì phải có suy nghĩ để tận dụng nguồn tài nguyên trí thức về phục vụ cho địa phương. Không thể ngồi chờ cơ chế, chính sách để huy động nguồn này mà cần xuất phát từ sự cầu thị, ứng xử văn minh thì sẽ có lối ra, khai dẫn nguồn về.


Ông có mặt trên mọi nẻo đường, từ các lớp giảng dạy cho cán bộ đoàn thể đến người nông dân; ông xuống tận xóm làng, tận tình chia sẻ, hướng dẫn kỷ năng làm giàu cho nông dân.


Cán bộ và người dân Hà Tĩnh vô cùng cảm kích, biết ơn “nhà tư vấn” vì những đóng góp suốt 5 năm qua. Ông đang ở Sài Gòn, TP.HCM, có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, sự nghiệp đàng hoàng . Thế mà ông “gởi” lại tất cả để khăn gói ra một tỉnh miền trung xa xôi nắng cháy, khét tiếng gió Lào để giúp địa phương này.


Đó là người thầy của nhiều thế hệ DN ở Sài Gòn, nhà tư vấn Mộc Quế! Ông có nhiều danh hiệu, học vị song ông vẫn thích gọi mình là “nhà tư vấn”! Hỏi vì sao, ông giải thích:


– Cái tên đó gần gũi, thiết thực, đúng với bản chất công việc tôi đang làm.


Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với ông.


Trí thức tình nguyện


Thưa thầy, động lức nào đã đẩy đưa thầy dấn thân vào công việc, nói chính xác là sự nghiệp đầy khó khăn, gian khổ như vậy?


– (Cười) Nói động lực thì to tát quá. Tôi vốn gốc là dân Trung ương Đoàn, trưởng thành từ lò này từ 22 năm trước. Đây là cái nôi của phong trào “trí thức tình nguyện” có từ mấy chục năm rồi. Dù điều kiện, hoàn cảnh giờ có khác nhưng dòng máu “trí thức tình nguyện” vẫn chảy trong tôi.


“Trí thức tình nguyện là gì?”, thực ra là đem trí tuệ, kiến thức đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, giúp bà con nhân dân phát triển, nâng cao hiệu suất, đời sống vật chất và tinh thần. Nói cách khác, đó là sự dấn thân của người trí thức, cống hiến cho xã hội, cộng đồng.


Vì sao thầy lại chọn Hà Tĩnh, một địa phương xa xôi, khó khăn bậc nhất không chỉ ở miền Trung mà còn là khó khăn bậc nhất trong cả nước?


– Người ta khó khăn thì mới cần giúp đỡ chứ! (Cười).


Đúng là Hà Tĩnh có nhiều khó khăn, là tỉnh nghèo. Người Hà Tĩnh lớn lên bỏ quê hương ra đi mưu sinh khắp nơi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.


Ban đầu tôi chưa hiểu nhiều về địa phương này. Nhưng tôi gặp rất nhiều người Hà Tĩnh mưu sinh, tha hương. Tôi nhận thấy người Hà Tĩnh rất chịu thương chịu khó, cần cù, sáng tạo. Nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành doanh nhân lớn ở khắp nơi, trong đó có TP.HCM.


Về điều kiện tư nhiên Hà Tĩnh không phải nghèo đâu nhé. Tiềm năng ở đây,vô cùng to lớn. Nằm ở vị trí đặc biệt, nối liền 2 miền Nam – Bắc, Hà Tĩnh còn là cửa ngõ qua Lào, vùng đông bắc Thái Lan. Hà Tĩnh có mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất khu vực châu Á, có vị trí cảng biển Vũng Áng.


Tôi đã tự hỏi: không hiểu vì sao có những chủ nhân như vậy mà quê hương vẫn nghèo khó từ bao đời nay? Và tại sao bỏ xứ ra đi lập nghiệp xứ người gần như là truyền thống của vùng đất này?


Một điều nữa khiến tôi chọn Hà Tĩnh là lãnh đạo ở đây rất cầu thị. Họ đã vào Sài Gòn tìm tòi, học hỏi, tìm kiếm con đường xây dựng, phát triển quê hương. Họ đã tìm đến tôi để lắng nghe… Tinh thần cầu thị rất đáng quý.


Ông đã làm những gì trong khoảng thời gian 5 năm qua gắn bó với Hà Tĩnh?


Cái gì làm lợi được cho dân thì cứ làm. Đó là phương châm của tôi. Ta phải cố gắng thay đổi những hành vi cũ, lỗi thời, không phù hợp với xu thế hội nhập, ta phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ tập quán sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm như bao thế hệ trước là không thể tồn tại trong xu thế hiện nay. Tiềm thức cũ thì không thể có hành vi mới, nên phải thay đổi nhận thức và tiềm thức để có cách tiếp cận mới.


Trong các cuộc hội thảo, tôi rất trân trọng sự thay đổi và sáng tạo của nông dân. Ai có ý tưởng mới là được hoan nghênh và có thưởng ngay để động viên, khích lệ.


Ngoài bản thân, tôi còn huy động thêm đội ngũ trí thức tình nguyện và một số doanh nghiệp tham gia giúp Hà Tĩnh. Mỗi tháng trung bình có 2 đoàn về huấn luyện ở các xã, huyện về các mô hình kinh tế cho thanh niên, phụ nữa, nông dân, doanh nghiệp. Ở TP.HCM có gì hay, mới mẻ thì Hà Tĩnh cũng được cập nhật, áp dụng vào thực tiễn theo điều kiện của địa phương.


Hà Tĩnh đã lọt vào top 10 tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đóng góp của thầy được lãnh đạo tỉnh trân trọng ghi nhận. Bản thân thầy có hài lòng không?


Theo tôi, tiến bộ của Hà Tĩnh là đáng khích lệ, phấn khởi, song chưa thể gọi là hài lòng hay yên tâm được. Bởi con đường phía trước còn rất dài, khó khăn để nâng cao mức sống người dân, tăng hiệu quả cho sản xuất.


Thực tế gắn bó, sát cánh cùng cán bộ và nhân dân ở đây, tôi đã phát hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của ta còn trống vắng mảng giáo dục, văn hóa cộng đồng như ứng xử văn hóa giữa cá nhân với nhau, cá nhân với cộng đồng, văn hóa doanh nhân, bảo lưu tình làng nghĩa xóm, bản sắc độc đáo của địa phương. Đây là chất kết dính quan trọng để cho sức mạnh và sáng tạo cần thiết, kết nối Hà Tĩnh với mọi vùng miền.


Cán bộ quản lý không hiểu biết thì sao tháo gỡ khó khăn


Sau mấy năm “3 cùng” với Hà Tĩnh – theo ông – Hà Tĩnh có những vấn đề gì cần đặc biệt lưu tâm?


Tôi thấy chủ trương và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta khá đầy đủ. Nhưng đưa vào thực tế bị cắt khúc. Ví dụ khâu đào tạo quản trị kinh tế không vận dụng chính sách của địa phương để làm ăn, phát triển. Cán bộ triển khai nghị quyết thì bị giới hạn bởi kiến thức, kỷ năng kinh doanh nên nghị quyết đi vào thực tế rất hạn chế.


Đi sâu xuống cơ sở mới thấy vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng để định hướng cho người dân phát triển KT – XH. Thế nhưng cán bộ xã không hề được đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý phát triển doanh nghiệp.


Quản lý Nhà nước mà không hiểu biết về những cái này thì làm sao biết được cái gì đang là lực cản, sức ỳ trì trệ, khó khăn? Không biết thì không thể tháo gỡ, tạo môi trường tốt được.


Tôi tin rằng nếu như hệ thống chính trị của chúng ta không chỉ vững vàng về chính trị mà còn có kiến thức về kinh tế thì chắc chắn mặt trận kinh tế sẽ có thay đổi rất lớn. Đặc biệt ở nông thôn sẽ có những thành công, thoát khỏi sự trì trệ kìm hãm.


Qua kinh nghiệm thực tế, ông đánh giá thế nào về vai trò của trí thức trong việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương?


Vô cùng cần thiết nếu không nói là không thể thiếu! Phát triển KT – XH trong giai đoạn hội nhập hiện nay rất cần tầm nhìn, kiến thức và hàng loạt kỷ năng dựa trên sự sáng tạo, đổi mới không ngừng. Sức mạnh của cơ bắp ngày càng bị thay thế bởi trí tuệ, tri thức, khoa học kỷ thuật.


Tôi nghĩ, nếu lãnh đạo có tầm nhìn, có tâm và trách nhiệm với quê hương đất nước thì phải có suy nghĩ để tận dụng nguồn tài nguyên trí thức về phục vụ cho địa phương. Không thể ngồi chờ cơ chế, chính sách để huy động nguồn này mà cần xuất phát từ sự cầu thị, ứng xử văn minh thì sẽ có lối ra, khai dẫn nguồn về.


Nhận thức như vậy, ông sẽ tiếp tục gắn bó với sự nghiệp phát triển của địa phương chứ?


Chừng nào Hà Tĩnh còn cần thì tôi còn cống hiến. 5 năm gắn bó đã khiến tôi xem Hà Tĩnh như quê hương thứ 2 của mình. Tôi đã có thể nghe người Hà Tĩnh nói chuyện với nhau, nói giọng Hà Tĩnh đấy (Cười). Đặc biệt tôi rất thích những bàihát về vùng quê này như “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, “Một phút tâm tình của người Hà Tĩnh”.


Xin cảm ơn ông!

VNN

  Từ khóa: Phóng sự , Có tâm , cơ chế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP