Tin trong nước

Lái buôn ‘bom đạn’ ở đất lửa Quảng Trị

Là tỉnh có khu phi quân sự vĩ tuyến 17, giới tuyến chia cắt hai miền Bắc – Nam, suốt từ năm 1954 đến 1975, Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất cả nước và cũng hứng nhiều bom đạn nhất. Sau năm 1975, người dân Quảng Trị làm một nghề được xem như độc nhất vô nhị – đào bới, thu mua phế liệu chiến tranh.

Trong khi đi thu mua phế liệu chiến tranh, chị Bé bị kíp đầu đạn 90 ly nổ gây thương tích, còn vựa phế liệu của ông Phúc từng 3 lần cháy nổ do bom đạn.

Thương tích, cháy nổ vì bom đạn sót lại

Trong khoảng sân rộng chừng 100 m2, vựa phế liệu của ông Nguyễn Phúc (64 tuổi, trú xã Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị) ngổn ngang sắt vụn, từ vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động cho đến mảnh bom, quả đạn sót lại từ chiến tranh.

Góc chính giữa là đống mảnh bom đạn cỡ nhỏ, vụn vặt màu vàng úa của đất xen với gỉ sét của thời gian. Cạnh đó là 3 vỏ bom tạ to hơn thân người trưởng thành, đang chờ bán cho các bảo tàng. Ông Phúc cho biết, những năm gần đây, việc thu mua phế liệu chiến tranh giảm rất nhiều, vừa do phế liệu ngày càng hiếm, cộng với giá cả xuống thấp nên ít người rà tìm.

15 năm làm nghề kinh doanh liên quan đến phế liệu chiến tranh, ông Phúc cho hay số bom đạn thu mua đến nay không thể thống kê. “Cách đây 8 năm, trung bình tôi thu mua khoảng 30 tấn bom đạn mỗi ngày. Cá biệt ngày cao điểm 40 tấn”, ông Phúc kể.

lai-buon-bom-dan-o-dat-lua-quang-tri

Những vỏ bom to nguyên hình được đại lý giữ lại bán cho các bảo tàng có nhu cầu. Ảnh: Hoàng Táo

Trong hàng nghìn tấn bom đạn được mua đi bán lại đó, không tránh khỏi những quả đạn chưa nổ. Một người làm công tại đây cho hay từng có 3 vụ cháy nổ do bom đạn ở vựa phế liệu, rất may không ai bị thương.

“Vụ cháy gần đây xảy ra 2 năm trước, một quả đạn to bằng bắp đùi còn chất cháy phụt tia lửa giữa trưa nắng. May mọi người phát hiện và dập lửa kịp thời, hơn nữa đám cháy giữa đống sắt phế liệu nên không lây lan rộng”, người đàn ông trung tuổi nói và tiết lộ những quả đạn chưa nổ được đưa vào rừng vứt bỏ.

Vụ thứ hai là cháy do bom lân tinh, do đã lâu nên không nhớ thời gian. Còn vụ nổ thứ ba ở sau nhà gây kinh hoàng nhất, tiếng nổ to đến làng bên còn nghe thấy. “Sau vụ nổ, công an về kiểm tra nhưng không thiệt hại gì lớn”, anh này nhớ lại.

Trong khi đó, với bà Lê Thị Tân Bé (45 tuổi, trú thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), việc bị thương trong một lần đi mua phế liệu chiến tranh xảy ra vào 2 năm trước mãi trở thành ký ức không thể quên. Một sáng đầu tháng 10/2014, bà thu mua phế liệu ở một đại lý nhỏ thì vụ nổ xảy ra khiến 5 người bị thương. Trong đó, bà Bé, một nhân công và bà chủ đại lý kia cùng bị thương.

Nhà chức trách sau đó xác định một kíp nổ của đầu đạn 90 ly nằm lẫn trong bao tải chứa đủ mảnh kim loại nhỏ gây nên vụ nổ. Sau gần 10 ngày điều trị tại bệnh viện, bà Bé mới bình phục.

Cùng chồng kinh doanh phế liệu chiến tranh từ năm 2001 và vụ nổ là điều bà Bé không mong muốn cũng như không có dấu hiệu cảnh báo trước. “Chúng tôi vô cùng cẩn thận trong việc phân loại để thu mua, những quả đạn to thì dễ nhận biết đã nổ hay chưa. Nhưng nguy hiểm lại đến từ những mẩu nhỏ nằm chung với các mảnh bom đạn”, bà Bé nói.

lai-buon-bom-dan-o-dat-lua-quang-tri-1

Du khách Wolfgang đến từ Australia ngạc nhiên khi cơ sở của ông Phúc có quá nhiều bom đạn. “Tôi thực sự e sợ nếu đây là thời điểm 40 năm về trước. Còn nay, tôi lo ngại cho sự an toàn của người dân địa phương”, ông Wolfgang nói. Ảnh:Hoàng Táo

Đề xuất di dời vựa phế liệu chiến tranh ra khỏi khu dân cư

Những năm gần đây, một số dự án rà phá bom mìn nhân đạo đã hỗ trợ các đại lý thu mua phế liệu chiến tranh trong công tác đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị (thuộc Cây hòa bình Việt Nam) cho biết tại huyện miền núi Hướng Hóa do dự án của ông phụ trách có 6 đại lý phế liệu chiến tranh.

“Chúng tôi đến từng vựa phế liệu hướng dẫn chủ kinh doanh nhận biết bom mìn, đồng thời thu gom chậm nhất 24 tiếng nếu đại lý phát hiện mua nhầm bom đạn chưa nổ”, ông Cường nói.

Ông Cường cảnh báo nguy cơ lớn nhất với các đại lý là thu mua nhầm đạn phốt pho, do rất khó nhận biết ngay cả với chuyên gia. “Loại đạn này để ở nơi dễ cháy hoặc nắng nóng rất dễ cháy nổ. Hoặc kíp nổ rất dễ gây tai nạn nếu có va chạm”, ông Cường nói. Hiện, đội của ông Cường vẫn nhận được điện thoại, thu gom từ các đại lý với số lượng 1-2 quả mỗi tuần.

Còn tại các huyện đồng bằng như Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng… từ năm 2008, dự án RENEW đã tặng 26 gia đình kinh doanh phế liệu chiến tranh một thùng bê tông có nắp nặng và khóa, được chôn dưới đất nhằm cách ly bom mìn chờ xử lý. Đến 2014, có gần 4.000 vật liệu nổ được RENEW thu thập và phá hủy an toàn từ các đại lý này.

Về nguy cơ đến từ các cơ sở kinh doanh phế liệu chiến tranh, đại tá Phan Thanh Quảng, Trưởng công an huyện Hướng Hóa nhận định những cơ sở này ở ngay khu đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nhưng hiện chưa có đơn vị quản lý cụ thể. Công an sẽ kiến nghị huyện Hướng Hóa giao cho một đơn vị quản lý, đồng thời xét thấy nguy hiểm thì di dời ra khỏi khu vực dân cư.

Bên trong vựa phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị

Hoàng Táo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP