Trái đắng từ những dự án nuôi tôm
Chẳng biết từ bao giờ, Hà Tĩnh rộ lên phong trào nuôi tôm trên cát. Người người, nhà nhà thi nhau đổ tiền vào đầu tư vào nuôi tôm. Người ta đồn thổi: tôm có thể giúp ngư dân nơi đây thoát nghèo.
Vậy là, viễn cảnh một ngày không xa, người dân khúc ruột miền Trung khắc nghiệt với đặc sản là mưa bão sẽ đổi đời. Ai cũng mong vào điều đó, dù biết rằng, trước đây, con tôm đã từng khiến nhiều gia đình tán gia bại sản.
Bởi cách đây hơn chục năm, khoảng tầm năm 2000, đã từng có một dự án nuôi tôm bị phá sản. Ngày đó, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tất cả trí lực, vật lực để thực hiện cho “cuộc cách mạng” trong nông nghiệp này.
Hơn 90 ha đất nông nghiệp, trong đó có cả đất 2 lúa ở xã Kỳ Nam bị thu hồi để thực hiện cho dự án nuôi tôm Việt – Anh.
Những gốc phi lao có tuổi đời 100 năm tuổi bị đốn hạ để thực hiện dự án nuôi tôm |
Ban đầu người dân Kỳ Nam không đồng tình với dự án này vì họ buộc phải giao hết ruộng cho dự án, đồng thời phải góp vào cùng Nhà nước 9 tỉ đồng (trong dự toán 18 tỉ đồng) để thực hiện dự án.
Thế nhưng, Kỳ Nam vốn là xã nghèo nhất tỉnh với 70% hộ thuộc diện nghèo thì dân lấy đâu số tiền lớn như thế để góp vốn cùng Nhà nước ?
Sau đó, một giải pháp khả thi được thực hiện là cho Công ty tư vấn Việt Anh đầu tư làm, với số vốn dự toán đến 33 tỉ đồng, thời hạn thuê đất 13 năm. Công ty này sẽ đền bù 54% giá trị sản lượng thóc thu được trên diện tích dự án cho nông dân vào thời điểm tháng sáu hằng năm (với thỏa thuận 220kg thóc/sào (500m2/mùa), còn lại 46% do dân phải chịu vì đó là chi phí mà người dân đằng nào cũng phải bỏ ra cho gieo trồng lúa hằng năm.
Đồng thời, 150 nông dân sẽ được Công ty Việt Anh nhận vào làm công nhân nuôi tôm. Mặc dù tiền đền bù như thế không bằng tiền thu được từ trồng lúa, nhưng người dân nơi đây vẫn còn hi vọng vào tương lai không xa.
Thế là từ năm 2001, 400 hộ nông dân (chiếm 80% số hộ) trong xã hăng hái giao hẳn 90ha ruộng (trong gần 200ha ruộng toàn xã) cho dự án nuôi tôm công nghiệp Kỳ Nam. Họ mong muốn được đổi đời qua dự án này.
Rút cuộc, dự án này bị phá sản hoàn toàn như nhiều dự án từng triển khai rầm rộ ở Hà Tĩnh giai đoạn đó.
Hàng chục ha đất 2 lúa bị thu hồi để thực hiện cho siêu dự án này bị nhiễm mặn, không thể tiếp tục sản xuất, đất đai bỏ hoang từ khi dự án phá sản đến nay. Người dân thấy đất hoang hóa mà xót xa, cay đắng.
Nhưng đó là chuyện đã rồi của hơn chục năm về trước!
Phá nát rừng phòng hộ
Còn chuyện mới đây, Hà Tĩnh lại triển khai một dự án nuôi tôm với quy mô đồ sộ hơn nhiều. Tổng diện tích để thực hiện dự án này lên đến 158 ha (40ha ở thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương và 114ha ở xã Kỳ Nam); đơn vị triển khai dự án là công ty TNHH Grobest.
Để thực hiện dự án này, doanh nghiệp đã tiến hành chặt phá hàng chục ha rừng phi lao phòng hộ ven biển có tuổi đời hàng chục năm.
Những hàng phi lao qua nắng, qua mưa, ưỡn tấm thân già cỗi để che chắn cho người dân những ngày mưa bão bị đốn hạ. Chỉ trong phút chốc, bãi phi lao ngút ngàn bị chặt trắng.
Cây phi lao bị đốn hạ nằm la liệt. Dù rằng dự án này chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa có hợp đồng thuê đất, chưa chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang đất nuôi tôm nhưng tỉnh vẫn để doanh nghiệp tiến hành chặt rừng, san ủi. |
Người dân tại thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ anh hết sức bức xúc trước việc chặt trắng rừng phi lao chắn gió. |
Người dân nơi đây kể rằng, mới sáng sớm, đã thấy máy móc ầm ầm kéo đến. Chưa hiểu đầu đuôi thế nào bởi chưa từng nghe đến việc tỉnh sẽ đồng ý chặt phá toàn bộ rừng phòng hộ thì đã thấy mấy gã lực lưỡng, lê lưỡi cưa sáng loáng đến bên từng gốc phi lao già nua.
Tiếng lưỡi cưa rít lên từng đợt. Những gốc phi lao cổ thụ đổ rạp xuống. Dân xót, lê lết chạy đến bên những gốc cây chưa bị đốn hạ. Có cụ già còn chạy đến, ôm lấy thân cây, mặc cho lưỡi cưa sáng loáng xèn xẹt kế bên.
Cũng đúng, với người dân nơi đây, rừng phi lao hàng trăm năm tuổi chính là lá chắn để bảo vệ tính mạng cho họ những ngày mưa bão.
Những ngày bão nổi, những gốc phi lao xù xì đã chở che cho dân làng. Sau bão, rừng phi lao xác xơ. Có cây gãy ngang, nhựa ứa ra vón cục màu hồng như máu.
Rút cuộc, dân cũng không thể giữ nổi rừng.
77 tuổi, chồng mất, cụ Hoàng Thị Quèn sống với 3 người con. Cụ bảo rằng, nhà cụ trước ở trong khu vực khu kinh tế Vũng Áng. Sau khi đất đai bị thu hồi để thực hiện cho dự án Fomusa, cụ được phân một lô đất ở thôn Ba Đồng.
Số tiền đền bù dù ít ỏi, nhưng cụ vẫn cố xây một căn nhà cấp 4 nho nhỏ để chui ra chui vào. Trong vườn, cụ trồng một ít hành tăm, để đến mùa mang ra chợ bán.
Mảnh đất của cụ, chỉ cách bãi biển hơn trăm mét. Trước mắt là dãy phi lao um tùm. Thế rồi một sáng, người ta đến chặt sạch. Bãi phi lao đổ rạp xuống. Cả một khu rừng phi lao trơ lại gốc.
Cụ Quèn kể rằng, từ lúc cụ được sinh ra, đã thấy rừng phi lao này rồi. Người dân nơi đây, chẳng ai bảo ai, mỗi năm lại tổ chức trồng thêm cây mới. Một phần để thay thế những cây bị gió bão quật ngã, một phần để phủ trống đồi.
Ngày qua ngày, năm qua năm, rừng phi lao cứ thế, âm thầm bảo vệ đời sống cho bà con. Quý cây như mạng sống, dân cử hẳn một đội ra để canh giữ những gốc phi lao như bảo vệ một lá bùa hộ mệnh.
Dẫn chúng tôi ra bãi đất trước kia là rừng phi lao, chị Hoàng Thị Anh – một người dân thôn Ba Đồng buồn bã: “Mấy hôm nay, gió lớn, cát bay ràn rạt vào nhà. Mâm cơm dọn sẵn, chưa kịp ăn đã đầy cát. Ngày mai, chẳng biết sẽ ra sao nữa”.
Chúng tôi dõi theo cánh tay mà chị Anh chỉ, phía đó, những chiếc máy xúc vẫn lầm lũi đào những cái hồ sâu hoắm; kế bên nữa là những hồ nuôi tôm sắp vào vụ thu hoạch. Chỗ đó, trước là bãi phi lao tít tắp.
Bí thư chị bộ thôn Ba Đồng – Lê Mạnh Hà thở hắt: “Họ muốn chặt là chặt, muốn phá là phá, chẳng thông báo gì cho dân biết cả. Dân ở đây, toàn là dân tái định cư. Sở dĩ chúng tôi chọn chỗ này là vì mùa mưa bão còn có rừng phi lao chắn gió. Giờ chặt hết rồi, mùa mưa bão sắp tới, dân biết sống ra sao”.
Chẳng ai có thể trả lời cụ Quèn, chị Anh; cũng chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi của Bí thư thôn Ba Đồng. Chỉ biết, mùa mưa bão đang đến gần. Người dân nơi cái doi đất này lại phải gồng mình để chống chọi với cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Chẳng ai biết, sinh mạng của họ thế nào trong những ngày bão nổi.
Hoàng Sang
(còn nữa)