“Cơn gió độc” của ông Tâm được gửi gắm qua Facebook cá nhân với lời khuyên chân thành “sặc mùi” logic. Ông tính toán rằng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT, người bình thường ăn cá nhiễm độc vừa phải thì sẽ… không sao. Cho nên hàng chục tấn hải sản nhiễm độc bị tuồn phi pháp vào thị trường cũng chẳng đáng ngại lắm (?).
Khoan hãy mổ xẻ lời khuyên kỳ lạ từ một vị cán bộ y tế như thế, ngay khi tiếp nhận thông tin của ông Tâm, tôi đã giật mình nhớ lại lời tư vấn của cô nhân viên bán thuốc diệt chuột ở Trung tâm Y tế Dự phòng tại Lò Đúc (Hà Nội).
Tính cẩn thận, nên khi mua xong gói thuốc chuột, tôi không quên hỏi cô ấy xem nếu lỡ người nuốt phải thì có sao không.
“Anh yên tâm đi, thuốc này được thiết kế để con chuột khoảng 3kg ăn vào thì 3 ngày sau chết. Nên cơ thể mình nặng gấp bao nhiêu lần cái 3kg ấy, có nuốt phải, thì cũng bình tĩnh mà đi ra viện thôi”. Lời khuyên làm yên lòng khách hàng ấy không biết cô nhân viên có hài hước trêu đùa thêm không vì khi tư vấn cô cười rất tươi. Vẫn biết chuột 3kg nhẹ hơn cơ thể người nhiều, nhưng những tác dụng phụ, độc hại của thuốc hẳn ai cũng sợ hãi, vì chắc rằng “không chết nhưng mà đau”.
Thế nên, không biết ông Tâm đã bao giờ có dịp ra Hà Nội mua thuốc chuột chưa mà có lời khuyên người dân ăn cá nhiễm độc… nhiều điểm chung như thế!
Ông Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh (Người đang đứng). Ảnh: NĐT |
Trở lại “bài toán” có vẻ rất logic trên Facebook ông Tâm, giả thiết tính toán là một người nặng 60kg, nếu ăn phải cá nhiễm độc cadimi với hàm lượng 0,15mg/kg thì một tuần ăn đến 3kg vẫn “chấp nhận được tạm thời”. Mà người dân thường không ăn được lượng cá như vậy trong tuần nên… không sao.
Lời khuyên… độc hại của vị giám đốc tên Tâm. Ảnh chụp màn hình facebook. |
Khổ nỗi, giả thiết chỉ là giả thiết, và ông Tâm thực sự đã sai cả “Văn” và “Toán” trong nỗ lực xúi dân ăn cá độc của mình: Sai “Văn” ở câu chữ, còn sai “Toán” khi cố tình lập lờ cái kết quả mà Chi cục VSATTP Hà Tĩnh đưa ra.
Thứ nhất, cơ sở mà ông Tâm tính toán là dựa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT, nhưng ngay trong quy chuẩn này, mức tính toán là lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được TẠM THỜI. Tại sao “chấp nhận được tạm thời” mà ông Tâm lại diễn giải là “không gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người”??? Đó là sự lập lờ trong “Văn”.
Thứ hai, “Toán” của ông Tâm cũng có vấn đề, vì giả thiết của ông là mức nhiễm độc Cadimi trong cá cơm, cá ngừ là 0,15mg/kg. Nhưng ngay trong kết quả do Chi cục VSATTP Hà Tĩnh công bố, có loại cá mím với tổng khối lượng 167,60kg, hàm lượng Cadimi rất cao, lên tới 1,490 mg/kg.
Nếu tính theo đúng “công thức” mà ông Tâm đưa ra, thì trong một tuần, chỉ cần ăn: 0,42 : 1,490 = 0,28 kg ~ gần 3 lạng cá, một người 60 kg sẽ bị nhiễm độc vượt mức cho phép!
Tại sao ông Tâm không nói tới những loại cá bị nhiễm độc nặng như cá mím bị tuồn ra thị trường, mà chỉ đề cập các loại cá “nhiễm độc vừa phải”?
Một phần kết quả kiểm tra về mức độ nhiễm độc hải sản của Chi cục VSATTP Hà Tĩnh. Ảnh: NĐT |
Tóm lại, vấn đề mà những người tiêu dùng phổ thông như chúng tôi quan tâm không phải là những công thức tính toán mức độc kể trên, mà tại sao hàng chục tấn hải sản bị xác định nhiễm độc lại tuồn ra được thị trường? Những ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc này?
Chứ khuyên người dân ăn cá độc “bị tuồn ra” như thế thì… đơn giản và lạc hướng quá!
Trong phần chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Tĩnh ghi rõ rằng “thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông giáo dục sức khỏe theo phân cấp và theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng có vẻ như người đứng đầu trung tâm này chưa nằm lòng những điều cơ bản đó?
Lời kết, xin hỏi một câu chân thành tới ông Nguyễn Lương Tâm, mong ông trả lời thành thực theo đúng lương tâm của mình: “Bữa tối qua ông có khuyên vợ con ăn cá ngừ hay cá cơm không?”
Trung Hiếu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả