Trong nước

Không đảm bảo hành lang an toàn QL 1A: Nhiều mỏ đá phải dừng hoạt động!

Đã từ lâu, TX Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân trở thành địa chỉ cung cấp nhiều loại đá xây dựng cho các công trình.

Tuy nhiên, do không đảm bảo hành lang an toàn QL 1A sau khi nâng cấp, mở rộng, “số phận” của nhiều mỏ đá ở đây gần như đã được “định đoạt”…


Những “bản án” đã được tuyên


Cuối năm 2012, dự án nâng cấp tuyến QL 1A (đoạn từ cầu Bến Thủy 2 đến TX Hồng Lĩnh) được khởi công xây dựng trong niềm vui lớn. Song, đối với 29 doanh nghiệp (DN) khai thác đá thì đây là thời điểm “ngồi trên đống lửa”.


Cũng chẳng cần đợi đến ngày dự án hoàn thành (dự kiến tháng 6/2014), 9 mỏ đá buộc phải dừng hoạt động vì giấy cấp phép hết hạn, số khác không đáp ứng được yêu cầu từ phía cơ quan chức năng. Ví như mỏ đá của Công ty TNHH Hải Sơn Long (phường Đậu Liêu – TX Hồng Lĩnh) hoạt động đến 13/6, cơ hội được tiếp tục gia hạn giấy phép cũng không còn, bởi “khoảng cách từ mép hành lang an toàn QL 1A đến ranh giới khai thác mỏ là 167m, không đảm bảo an toàn”.


Dù chưa chấm dứt hoạt động nhưng “bản án” cũng đã được tuyên vào thời hạn cuối cùng (30/4/2014) đối với 6 mỏ khác thuộc Công ty CP phụ gia sắt Thạch Khê, Công ty CP Hoàng Hà (Xuân Lĩnh – Nghi Xuân), Xí nghiệp Khai thác đá xây dựng tư nhân Hồng Lam… do ranh giới nằm trong phạm vi từ 300-500m. 6 mỏ khác được xác định nằm trong khoảng cách trên 300m và nhỏ hơn 500m cũng chỉ được phép hoạt động trong thời hạn giấy phép có hiệu lực.


“Cháy nhà ra mặt chuột”!


Ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: Do không đảm bảo an toàn hành lang QL 1A sau khi hoàn thành dự án nâng cấp, một số mỏ đá bị xáo trộn, thậm chí bị buộc phải chấm dứt hoạt động. Điều quan trọng hơn, đây cũng là dịp để tiến hành cuộc “đại phẫu thuật” nhằm rà soát, chấn chỉnh hoạt động quản lý, khai thác đá theo Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản làm vật liệu thông thường gắn với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan môi trường giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.


Và rồi, “cháy nhà ra mặt chuột”, qua rà soát, nhiều DN khai thác đá chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Công ty CP xây dựng và Du lịch Hà Tĩnh (mỏ đá Xuân Lĩnh – Nghi Xuân), Công ty CP miền Trung là những đơn vị như thế. Các đơn vị này “trong thời gian được cấp phép, không triển khai đầu tư khai thác” (đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành về kết quả kiểm tra, rà soát các điểm khai thác khoáng sản dọc theo hai bên QL 8B theo Quyết định số 993/QĐ-UBND ngày 15/4/2013).


Đặc biệt, 2 điểm mỏ của Công ty CP Sông Đà 27 (mỏ đá phường Đậu Liêu) cấp phép từ năm 2009 nhưng đơn vị mới chỉ bóc đất tầng phủ, đầu tư khai thác với khối lượng ít, chưa ký quỹ môi trường, chưa thăm dò khoáng sản; trong thời gian được cấp phép không triển khai đầu tư khai thác; chưa thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác, chưa làm thủ tục thuê đất tại mỏ, chưa huấn luyện an toàn cho người lao động…


Doanh nghiệp đầu tư bài bản đứng trước nguy cơ phá sản


Có 8 điểm mỏ của các đơn vị được phép khai thác đến hết năm 2015; sau mốc này sẽ xem xét các điều kiện liên quan để tiếp tục gia hạn hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, không ít DN đang đứng trước nguy cơ phá sản.


Được cấp giấy phép đến năm 2027, Công ty CP Phát triển Công nghiệp & Thương mại Hà Tĩnh đã đặt chiến lược đầu tư dài hơi cho việc khai thác. Đến nay, tổng mức đầu tư của Công ty qua 2 giai đoạn đã lên đến 50 tỷ đồng; đặc biệt giai đoạn 2 (năm 2012) lên đến 37,5 tỷ đồng, thời hạn thu hồi vốn từ 7-10 năm. Nguồn chủ yếu là vốn vay của Ngân hàng BIDV và người lao động.


Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp & Thương mại Lê Đức Thắng không giấu nổi âu lo: “Đầu tư mỏ mới mất đúng 2 năm, nghĩa là sau 2 năm mới có thể có sản phẩm. Vậy tiền đâu để đầu tư tiếp và ngân hàng nào chịu móc “hầu bao”? Trong khi đó, moong mỏ, hạ tầng cơ sở mỏ cũ… được đầu tư hàng chục tỷ đồng trong chốc lát phải bỏ hoang”!


Cũng theo ông Thắng, nếu áp dụng theo Văn bản 396/UBND-CN1 thì Công ty có thể tiếp tục được khai thác đến hết thời hạn cấp phép nhưng phải cam kết tự ý di dời mà không đòi hỏi bồi thường tài sản trong quá trình đầu tư khai thác. Thế nên, cho dù ngành chức năng đã đưa ra đề xuất 4 khu vực sẽ quy hoạch khai thác đá tại núi Đá Rầm, núi Đá Đen (Cương Gián – Nghi Xuân), Hồng Lộc (Lộc Hà) nhưng với những DN đã đầu tư lớn vào khai thác thì việc bỏ vốn làm lại từ đầu cũng đồng nghĩa với nỗi lo phá sản!


Hoài Nam

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP