Trong nước

Khen thưởng chủ yếu tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức

Sau 13 năm thi hành Luật Thi đua-Khen thưởng, các điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chủ yếu tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ. Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho đông đảo quần chúng (công nhân, nông dân, trí thức)…

Thông tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho thấy, sau 13 năm thi hành Luật Thi đua-Khen thưởng, vai trò quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng được tăng cường. Công tác thi đua, khen thưởng dần đi vào nề nếp, các phong trào thi đua đã thực sự góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của bộ, ngành, địa phương. Công tác khen thưởng kịp thời động viên, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất, công tác…

Luật Thi đua- Khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị. “Tuy nhiên, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng lại chủ yếu tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ. Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho đông đảo quần chúng (công nhân, nông dân, trí thức...”- Bộ Nội vụ thừa nhận.

Năm 2017, Chủ tịch nước đã ký quyết định hủy bỏ Quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Tổng công ty PVC.

Hơn nữa, các quy định về tiêu chuẩn chưa cụ thể, định tính, chưa định lượng, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn. Do đó các văn bản quy phạm thường xuyên phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013 đã quy định điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động nhưng việc khen thưởng cho đối tượng này chưa nhiều.

Khen thưởng còn chưa kịp thời, số lượng khen thưởng cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều; khen thưởng tập thể, cá nhân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chưa được quan tâm đúng mức. Khen tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, chiến đấu, phục vụ chiến đấu còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các kỳ đại hội.

“Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao. Ngoài ra, quy định đối với khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu làm giảm tinh thần phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân”- Bộ Nội vụ cho hay.

Cơ quan thi đua khen thưởng thừa nhận, từ khi thực hiện Luật đến nay, tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, số lượng khen thưởng nhiều tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen quá trình cống hiến… Một số chủ trương của Đảng về thi đua, khen thưởng chưa được thể chế hoá; một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính...

Đề xuất giảm bớt một số Huân chương, Huy chương

Bộ Nội vụ đề xuất điều chỉnh các quy định về hình thức khen thưởng theo hướng Luật Thi đua-Khen thưởng chỉ quy định đối tượng, tiêu chuẩn các khen thưởng cấp nhà nước, mang ý nghĩa tôn vinh cấp quốc gia; còn lại nên thực hiện quan điểm phân cấp mạnh về thẩm quyền và các hình thức khen thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và cấp cơ sở. Điều này nhằm tạo động lực trực tiếp và sự sáng tạo trong việc sử dụng các hình thức khen thưởng, kịp thời động viên người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Về thi đua và danh hiệu thi đua, Luật Thi đua-Khen thưởng không quy định cụ thể mà để các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua thiết thực và thông qua các phong trào thi đua lựa chọn, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu thi đua.

Mỗi phong trào thi đua có các danh hiệu thi đua khác nhau cho tập thể và cá nhân. Tên gọi và tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua căn cứ nội dung và đối tượng tham gia phong trào thi đua do bộ, ngành, địa phương quy định.

Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất giảm bớt một số Huân chương, Huy chương và đề cao giá trị tôn vinh của các hình thức khen thưởng Nhà nước, để tránh khen thưởng trùng lắp, chồng chéo và tốn kém (hiện nay nước ta có 26 hình thức khen thưởng cấp nhà nước với 42 cấp độ khen).

Đồng thời bổ sung hình thức khen thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Lao động” để tặng cho người nước ngoài. Bổ sung “Huân chương Tấm lòng vàng” để tặng cho cá nhân có thành tích trong công tác xã hội; “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng hoặc truy tặng cho đối tượng là Thanh niên xung phong.

Luật mới cũng cần có những quy định tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng (công nhân, nông dân, trí thức, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ, doanh nhân, doanh nghiệp…). Quy định tiêu chuẩn cụ thể và trình tự thủ tục, hồ sơ để khen thưởng các cá nhân có thành tích đột xuất.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị thành lập, quản lý và sử dụng “Quỹ thi đua, khen thưởng” để động viên về tinh thần và vật chất. Quy định về tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình hiện nay.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP