Cần Giúp Đỡ

Hương Sơn: Cô giáo khiếm thị và lớp học đặc biệt

Lớp học chỉ có 12 học sinh và không một cháu nào được lành lặn, ngay cả tư thế ngồi học, cách cầm bút cũng không ngay ngắn,… do những dị tật gây ra.

Thế nhưng, giọng nói trong trẻo, sự tâm huyết của cô giáo đã khiến các em lắng nghe bài giảng rất nghiêm túc. Đó chính là lớp học chữ nổi của cô giáo Phạm Thị Thùy ở Hội Người mù tỉnh.


Cô giáo Phạm Thị Thùy (SN 1987) ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn). Cũng như bao cô gái miền sơn cước, từ hồi học phổ thông, Thùy ước ao trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ. Sống trong một gia đình đông anh em, bố bị tai nạn và bại liệt nằm một chỗ, chị em Thùy phải trông chờ vào bàn tay lam lũ của người mẹ. Với những nỗ lực học tập, năm 2005, Thùy thi đỗ khoa Ngoại ngữ, Những năm tháng sinh viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, Thùy học rất giỏi. Thế nhưng, khi chỉ còn 1 tháng nữa là tốt nghiệp thì đôi mắt của Thùy đột ngột bị mờ.


Sau nhiều lần được gia đình đưa đi chữa trị ở Hà Nội, mắt của Thùy sáng hơn. Ra trường, Thùy được phân công về dạy ở ngôi trường gần nhà. Ước mơ được làm cô giáo của Thùy đã trở thành hiện thực và cũng là niềm kiêu hãnh của bản thân, gia đình. Những tưởng niềm hạnh phúc ấy sẽ mãi mãi, nào ngờ căn bệnh cũ tái phát. Sau lần tái khám, các bác sỹ cho biết, đôi mắt Thùy bị bệnh viêm màng bồ đào và không thể chữa trị được. “Lúc đó, em suy sụp tinh thần và tuyệt vọng vô cùng. Ngày ngày, em chỉ giam mình trong 4 bức tường, không ước mơ, không nghĩ đến tương lai, xung quanh chỉ bóng tối bao trùm” – Thùy tâm sự.


Nhờ sự động viên của gia đình, người thân và bạn bè, Phạm Thị Thùy được Hội Người mù huyện Hương Sơn cho đi học chữ brai và đào tạo làm giáo viên dạy chữ brai, học nghề tẩm quất. Cùng với sự giúp đỡ tận tình, sự động viên của các bác, các chú, thầy cô và những người bạn, Thùy nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới, dần quên đi những mặc cảm, tự ti.


Giờ đây, hàng tháng, Hội Người mù tỉnh tổ chức các lớp dạy chữ brai, cô giáo Phạm Thị Thùy lại đứng trên bục giảng để dạy cho những học trò khiếm thị biết chữ và sống hòa đồng với mọi người. Với Thùy, ước mơ trở thành cô giáo, hàng ngày đưa tri thức cuộc sống truyền đạt cho học sinh là niềm vui lớn. Ngoài những giờ lên lớp, Thùy còn tẩm quất, bấm huyệt ở các trung tâm tẩm quất do Hội Người mù thành lập. Ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù tỉnh nói: “Tôi công tác nhiều năm ở Hội nhưng chưa thấy người nào có nghị lực như Phạm Thị Thùy bởi trong hoàn cảnh khốn khó nhất, Thùy vẫn cố gắng vượt qua”.


Hiện mẹ Thùy đã mất, bố tàn phế, các em còn nhỏ, một mình Thùy lại phải gánh vác và chăm sóc gia đình từ thu nhập ít ỏi của mình. Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn làm việc ở Hội Người mù, Phạm Thị Thùy đã tham gia nhiều cuộc thi do Trung ương Hội Người mù tổ chức và đã đoạt giải. Đặc biệt, trong cuộc thi viết “Onkyo 9 – chữ brai trong cuộc đời tôi”, Thùy được Hiệp hội Người mù châu Á Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng cho bài viết xuất sắc. Giờ đây, sống trong mái nhà chung của những người cùng cảnh ngộ, cô giáo Phạm Thị Thùy hàng ngày truyền đạt những kiến thức, ươm mầm cho những chồi non, từng ngày giúp những trẻ khuyết tật dần hòa nhập cộng đồng.


Vũ Huyền

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP