Mọi điều tra xã hội học phải được tiến hành bài bản: xác định mục tiêu của điều tra, bộ câu hỏi lô gích, cách đặt câu hỏi, độ lớn của mẫu (ví dụ 1.000 người), địa bàn hỏi (nông thôn, thành thị), đối tượng hỏi (trẻ học trường loại nào)… và người đọc kết quả nữa. Nếu không ,sẽ dẫn đến nhiều hiểu lầm tai hại và khái quát hoá kiểu “vơ đũa cả nắm.”
Ông Nguyễn Đình Thành |
Khảo sát cho thấy phần nào cái ta nghĩ về giới trẻ là đúng: ít quan tâm đến lịch sử, đến văn hoá, yếu kỹ năng tự chăm sóc mình và so với chúng ta ngày xưa thì đúng là ở mặt này các em yếu hơn.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: “Tại sao các em lại như thế và các em phải đối mặt với những gì?”. Và ngay cả khi muốn trở nên sâu sắc hơn, các em có thể đạt được điều đó hay không? Xã hội có cung cấp các công cụ và môi trường để làm được điều ấy hay không? Thời chúng ta đọc nhiều hơn vì chúng ta chẳng có gì mà đọc ngoài mấy cửa hàng thuê sách. Tivi tối 7h mới có “Bông hoa nhỏ”. Đài cũng chỉ có vào lúc 17h chương trình cho tuổi mới lớn. Tối đến là đi chơi thoải mái.
Các em bây giờ khác, khổ vì nhiều thứ quá. Từ sáng đến tối bị vây bủa trong K pop (nhạc Hàn quốc), US UK pop (nhạc Anh/ Mỹ); phim cũng chỉ phim Hàn, phim Mỹ….Đến lớp các bạn cũng chỉ nói tin về người nổi tiếng, các câu chuyện mang tính giải trí trên các kênh mạng xã hội, web dành cho “tuổi teen” và các video giải trí. Trường học thì thiên về cổ vũ giỏi những môn trong chương trình chính khoá vốn quá nặng về văn toán, lý thuyết mà sao nhãng các môn phát triển trọn vẹn con người. Khoa học tự nhiên lấn lướt khoa học xã hội. Đại cương các môn Triết học, tâm lý học, xã hội học, Việt Nam học hoàn toàn vắng bóng.
Tôi không muốn nói là chúng ta phải bắt chước họ hoàn toàn, nhưng cũng nên tham khảo. Ví dụ ở Cộng hòa Séc, 3 năm THPT, các em sẽ được học xã hội học để hiểu xã hội được xây dựng thế nào, ta là ai trong xã hội này; học tâm lý học để hiểu cái gì diễn ra trong đầu ta và đầu mọi người, tâm lý đám đông ra sao, tại sao tôi nghĩ thế này hay thế khác. Các em được học triết học để hiểu quy luật vận hành của xã hội, của vũ trụ, của vạn vật của cuộc sống. 18 tuổi, các em hiểu được những điều cơ bản đó và đó chính là điều kiện cần để là công dân tốt.
Một thiếu niên 15 tuổi ở Việt Nam muốn tìm hiểu về phân tâm học, xã hội học, triết học thì đọc cái gì? Trao đổi với ai? Tìm thấy mình trong cộng đồng nào? Cái tuổi teenage sợ nhất là bị tụt hậu, bị khác với bạn bè. Thời gian học chật cứng, triết lý giáo dục không rõ ràng, kiểm tra dựa trên trí nhớ hơn là khả năng suy đoán, phản biện, trường học quá tải, giáo viên không được coi trọng cả về vị trí xã hội lẫn thu nhập, trí thức không tranh luận,…môi trường như thế làm sao các em có thể bay cao nghĩ lớn được.
Người ta muốn trở thành công chức vì muốn thoát khỏi cái bấp bênh của cuộc sống hàng ngày. Các em ở nông thôn hay tỉnh xa thường dễ bị những hình ảnh làm công chức tức là ổn định cuốn hút hơn là ở các trung tâm kinh tế lớn bởi xung quanh ít doanh nhân thành đạt, ít designer giàu có và phong cách, ít nhìn thấy những người làm ngành pr-marketing-event bóng bẩy, ít bác sỹ chơi tennis và đi bơi,…khó có thể trách các em được. Tâm lý muốn ổn định từ thời bao cấp vẫn còn nặng lắm.
Học sinh Trường THPT Marie Curie TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2014-2015 (Ảnh Lê Huyền) |
Cùng câu hỏi này, thử đặt ra với học sinh Trường Olympia School, Trường Unis, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT Việt Đức, Trần Phú (Hà Nội)…, sẽ khác nhiều lắm bởi môi trường tiếp xúc của các em này khác hằn và trải nghiệm cuộc sống cũng khác hẳn. Rất nhiều em sẽ mong muốn trở thành những doanh nhân, trí thức, chính trị gia hay nhà khoa học hoặc làm trong những lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật.
Không nên dùng phép thử nhỏ này tại một địa phương không điển hình để khái quát hoá về hiểu biết, sự nhạy cảm và kiến thức của học sinh phổ thông.
Tuy nhiên, sự việc này cũng cho thấy, đòi hỏi thay đổi về giáo dục ở Việt Nam càng ngày càng lớn và người dân càng ngày càng ít kiên nhẫn cho một vấn đề quan trọng như thế này.
Nguyễn Đình Thành(Đồng sáng lập Elite Pr School)