Mỗi chiếc tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam có sức chiến đấu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước nên việc lựa chọn thủy thủ tàu ngầm vô cùng nghiêm ngặt.
Công nghệ tiên tiến, hỏa lực mạnh
Việc ra mắt Lữ đoàn tàu ngầm 189 tại Căn cứ liên hợp Cam Ranh hồi giữa năm nay là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của một lực lượng tàu chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, có khả năng và hiệu suất chiến đấu cao, một trong những “quả đấm thép” của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Lực lượng tàu ngầm là miếng ghép cuối cùng để Quân chủng Hải quân có đầy đủ các binh chủng, đủ sức mạnh chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 5 binh chủng đó là: binh chủng tàu mặt nước, binh chủng tàu ngầm, binh chủng pháo binh- tên lửa bờ, binh chủng hải quân đánh bộ, binh chủng không quân hải quân.
Trước khi Quân chủng Hải quân đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, các loại vũ khí trang bị mà Hải quân mua sắm trước đó đều là loại mới nhất như tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9; hệ thống tên lửa bờ Bastion, với loại tên lửa Yakhont có công nghệ tiên tiến bậc nhất hiện nay; Không quân Hải quân gồm các máy bay hiện đại EC-225, DHC-6; các loại vũ khí trang bị cho hải quân đánh bộ, đặc công nước…
Để khai thác, làm chủ được những con tàu hiện đại này, Quân chủng Hải quân đã có một chương trình huấn luyện, đào tạo rất bài bản và nghiêm túc từ khâu tuyển chọn thủy thủ đến việc thành lập các kíp để cho đi đào tạo ở Liên bang Nga, Ấn Độ, đồng thời xây dựng một trung tâm huấn luyện hiện đại tại Cam Ranh.
Quy trình tuyển chọn được tổ chức nghiêm ngặt từ yêu cầu sức khỏe tốt đến lý lịch gia đình, phẩm chất chính trị. Nhiều tiêu chí khi tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm còn cao hơn tuyển chọn phi công chiến đấu. Bởi nếu một phi công lái máy bay không may gây ra sự cố thì thiệt hại chỉ một máy bay, nhưng đối với thủy thủ tàu ngầm thì ngoài giá trị vật chất một chiếc tàu ngầm lớn gấp nhiều lần máy bay thì giá trị tính mạng hàng chục thủy thủ không thể tính được.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm đang học tập tại Học viện Kỹ thuật quân sự (tháng 4-2012). Ảnh: Trọng Thiết
Ngoài thời gian đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự gần 1 năm, gồm học tiếng, rèn luyện sức khỏe và các môn đại cương tàu ngầm, các thủy thủ tiếp tục được chọn lựa chọn lần cuối để sang Nga đào tạo tiếp gần 1,5 năm nữa. Các sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm Việt Nam được trực tiếp thao tác, thực hành ngay trên con tàu mà mình làm chủ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau đó các kíp độc lập khai thác, vận hành, làm chủ tàu dưới sự giám sát chặt chẽ của các giáo viên nước ngoài. Tính kỷ luật được đặt ra rất cao đối với các thủy thủ trong quá trình khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, cho dù vũ khí hiện đại đến đâu nhưng nếu yếu tố làm chủ con tàu, nhất là không khai thác hết những tính năng ưu việt và cách đánh không sáng tạo, linh hoạt thì hiệu suất chiến đấu của tàu sẽ giảm đi nhiều. Đây là bài toán khó đang đặt ra đối với các sĩ quan, thủy thủ Hải quân. Để khắc phục yếu tố này, các kíp tàu của Hải quân trong quá trình đào tạo ở nước ngoài đều rất cố gắng để nắm bắt công nghệ, các thao tác kỹ thuật, khả năng thực hành và xử lý các tình huống. Sự thuần thục trong khai thác các trang bị là yêu cầu bắt buộc đối với các thủy thủ. Sau khi làm chủ, vận hành được tàu ngầm, các thủy thủ phải tiếp tục được huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật khi tác chiến trên biển.
Ý thức được niềm vinh dự là lực lượng đặc biệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, các sĩ quan thủy thủ tàu ngầm trong quá trình học tập ở nước ngoài đều rất nỗ lực, chấp hành nghiêm kỷ luật, tích cực học tập đạt kết quả rất tốt. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao ý thức học tập cũng như khả năng tiếp thu nhanh của các học viên Hải quân Việt Nam.
Các tàu ngầm mà Việt Nam sở hữu, ngoài những ưu việt về tính năng kỹ thuật, vũ khí, sự lợi hại sẽ được tăng lên gấp bội khi được áp dụng những cách đánh phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Không phải không có lý khi Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam khẳng định, mỗi chiếc tàu ngầm Kilo 636MV có sức chiến đấu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước.
Ngoài yếu tố bí mật, bất ngờ, tính hiệu quả của vũ khí được phát huy tối đa, thì các tàu ngầm còn là lực lượng phối hợp với đặc công, hải quân đánh bộ khi tác chiến nên hiệu quả của nó vô cùng lớn. Với 6 chiếc tàu ngầm mà Hải quân Việt Nam sở hữu, cùng với nỗ lực trong khai thác, sử dụng và có cách đánh phù hợp, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.