|
Vùng hạ di hồ Kẻ Gỗ sơ tán dân ra khỏi khu vực không an toàn |
Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, hồi 04 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão số 13 ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đến 04 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Sạt lở đất ở vùng núi tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) |
Bão số 13 có diễn biến hết sức phức tạp, Hà Tĩnh được các cơ quan dự báo Khí tượng thủy văn xác định là vùng có khả năng bão đổ bộ, nguy cơ cao xảy ra gió mạnh, mưa lớn thời đoạn ngắn, gây lũ quét, sạt lở đất.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Công điện số 29/CĐ-UB yêu cầu Ban chỉ huy PCTT TLCN và các sở ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị lực lượng vũ trang.... kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển khẩn trương thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm thực hiện; bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão.
Chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đặc biệt, triển khai các phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập như các công trình thủy nông: Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi, Sông Rác, thủy điện Hương Sơn; Kè biển Cẩm Nhượng, đê Tả Nghèn, đê Hội Thống,...
Các đơn vị, địa phương quản lý khai thác công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo dõi diễn biến, dự báo tình hình mưa, lũ để tổ chức vận hành, chủ động xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn vùng hạ du. Riênh đối với các hồ đập đã đầy nước, các hồ chứa lớn, các hồ xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn;chủ động tiêu thoát nước đệm để phòng, chống ngập úng.
Tác giả: NGUYỄN NGỌC VƯỢNG
Nguồn tin: Báo Dân Sinh