Kinh tế

Hà Tĩnh: Quản lý khai thác cát xây dựng “Đá ném ao bèo”?

Tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh đang có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Do nguồn cung không đáp ứng nhu cầu nên tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua gia tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, trữ lượng cát xây dựng sẽ tiếp tục bị khai thác ngoài sự quản lý của Nhà nước, kéo theo sự bất ổn về tình hình ANTT và những thiệt hại không nhỏ.
Quản lý khai thác cát xây dựng: `Đá ném ao bèo`?

Theo thống kê của Phòng CSGT đường thủy, 8 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 28 trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn. Đại tá Nguyễn Phúc Tiến – Trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết: mặc dù đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, ngăn ngừa và xử lý nhưng số vụ vi phạm được phát hiện chưa phản ánh hết thực trạng khai thác cát trái phép. Do lực lượng mỏng, điều kiện phục vụ tuần tra, kiểm soát hạn chế, trong khi tình trạng khai thác trái phép xảy ra khắp nơi, lực lượng chức năng đấu tranh dẹp bỏ được chỗ này thì lại xuất hiện chỗ khác.

Theo đánh giá của Phòng CSGT đường thủy, tại hầu hết lưu vực các con sông, từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố đến sông Lam, Rào Trổ, rồi Cửa Nhượng… đâu đâu cũng xuất hiện tình trạng khai thác cát trái phép. “Việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng. Song, nhiều khi giáp mặt với đối tượng khai thác cát lậu, chúng tôi gặp những tình huống rất khó xử. Khi được hỏi vì sao lại tái phạm nhiều lần, đa số ý kiến đều trả lời rằng, với nhu cầu về cát xây dựng như hiện nay, nếu chính quyền không cấp phép khai thác cát tại những khu vực có trữ lượng lớn đã được thăm dò thì dù có bị xử phạt, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tái diễn” – Đại tá Nguyễn Phúc Tiến cho biết thêm.

Đức Thọ là địa bàn có trữ lượng cát xây dựng lớn nhất tỉnh nên chính quyền và các lực lượng chức năng luôn đau đầu với tình trạng “sa tặc”. Theo rà soát của Phòng TN&MT huyện Đức Thọ, địa phương hiện có 65 phương tiện khai thác, vận chuyển cát tại các xã dọc sông Ngàn Sâu, sông La, sông Lam, đặc biệt, từ ngã ba bến Tam Soa (Tùng Ảnh) đến hết địa bàn huyện (Đức Quang), tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên. Bình quân mỗi năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn xử phạt hơn 300 trường hợp.

Theo quy hoạch “điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”, trên địa bàn huyện Đức Thọ có 5 mỏ cát VLXD với trữ lượng khoảng 5.000 m3. Mặc dù quy hoạch đã được phê duyệt khá lâu nhưng đến nay chỉ có 1 điểm mỏ được cấp phép khai thác. Qua tìm hiểu, mặc dù nhiều đơn vị có nhu cầu, năng lực hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nhưng quá trình hoàn thiện hồ sơ, chờ thủ tục cấp phép kéo dài đã làm gia tăng khoảng cách giữa cung – cầu VLXD và tình trạng khai thác cát “lậu” trên địa bàn.

Theo lãnh đạo huyện Đức Thọ, với trữ lượng cát trên địa bàn khá lớn, nhu cầu về cát xây dựng cao, nếu cơ quan có thẩm quyền không tiến hành cấp phép để các đơn vị khai thác, quản lý thì chúng ta không thể đảm bảo được ANTT do tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn, trong khi nguồn thu từ phí khai thác tài nguyên thì bị thất thoát.

Gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép cũng nở rộ ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Nghi Xuân. Do nhu cầu cát xây dựng lớn, trong khi trên địa bàn chưa có mỏ cát nào được cấp phép nên hiện tượng khai thác cát trái phép cứ âm ỉ xẩy ra. Từ khi các điểm khai thác cát ở tỉnh Quảng Bình bị đóng cửa, thực trạng khai thác trái phép càng trở nên rầm rộ. Thậm chí, không ít đầu nậu khi bị bắt còn sẵn sàng “ăn thua” với lực lượng chức năng.

Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu cát xây dựng của Hà Tĩnh năm 2015 là 2.095.000 m3 và đến năm 2020 sẽ lên đến 3.202.000 m3. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực, số lượng các đơn vị được cấp phép vẫn còn hạn chế, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Trước thực trạng trên, lãnh đạo hầu hết các địa phương trên địa bàn khi được hỏi đều cho rằng, để giải quyết nhu cầu về cát xây dựng, trước mắt, Sở TN&MT cần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác; đẩy mạnh việc cấp phép khai thác cát tại bãi bồi các lòng sông để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định khai thác cát bãi bồi các sông, khai thác đúng quy hoạch, quy trình gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, khống chế độ sâu khai thác để không gây sạt lở bờ sông, không làm thay đổi dòng chảy, đảm bảo ATGT và các công trình ven sông.

Cũng theo đánh giá của những người có chuyên môn, thời gian tới, khi lưu vực các lòng sông được ngăn lại để xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước thì trữ lượng cát ở các bãi bồi sẽ suy giảm. Kỹ sư Trần Hậu Thành – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu VLXD một cách bền vững, các cơ quan chuyên môn cần tiến hành điều tra năng lực, đánh giá thiết bị máy móc và thực trạng khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn để xây dựng chiến lược, lộ trình khai thác các vật liệu sẵn có và vật liệu thay thế.

Hiện nay, một số địa phương đã sử dụng công nghệ chế biến khoáng sản làm VLXD như: thau rửa cát mặn, chế biến cát từ khoáng sản đá xây dựng… Do đó, cần đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu, ứng dụng vật liệu thay thế nhằm đảm bảo tính chủ động trong quá trình cung cấp VLXD.

Ngô Tuấn/ Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP