Hương Khê

Hà Tĩnh: Phương Mỹ – Nơi “rốn lũ” cần lắm một cây cầu

Mỗi ngày, có đến hàng ngàn người dân xã Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) và người dân các xã Hà Linh, Phương Điền, Phúc Đồng vẫn “nín thở” qua sông trên chiếc cầu phao được ghép từ những mảnh gỗ đã mục, nứt toác, chằng bằng dây thép rỉ, không tay vịn… như đang “thách thức” với tử thần…

Vẫn còn đó những hình ảnh đắm đò tại bến đò Cà Tang (Quảng Nam) xảy ra hồi tháng 5/2003 làm chết 18 em học sinh. Nỗi đau ấy lại được “nhắc lại” trong vụ lật đò tại bến đò Chôm Lôm (Nghệ An) sáng 7/10/2006 đã cướp đi sinh mạng của 19 em học sinh khi đang trên đường đến trường…

“Nín thở” qua cầu phao

Cuộc sống người dân nơi “rốn lũ” xã nghèo Phương Mỹ vốn đã muôn vàn khó khăn nhưng hằng năm cứ đến mùa lũ là người dân xã Phương Mỹ lại thêm nhiều thứ phải lo: Học sinh lo không thể sang sông đến trường, người dân lo không thể chuyến lúa sang sông, rồi lo hết gạo không thể sang chợ mua …Không cầu, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều vất vả, lo âu.

Mọi người đang chờ chuyến đò tiếp theo để qua sông…

Để đến trường, giao lưu với bên ngoài hàng ngàn người dân nơi “rốn lũ” vẫn phải mạo hiểm qua sông trên chiếc cầu phao chồng chành xuống cấp. Khi lũ lên họ hoàn toàn bị cô lập.

Trong lúc trò chuyện với một số người dân trong xã chúng tôi được biết đã bao đời nay họ bị chia cắt bởi con sông Ngàn Sâu, người dân nơi đây và các vùng lân cận như xã Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền buộc phải vượt sông Ngàn Sâu, không còn đường nào khác.

Vào năm 2007, chính quyền xã đã phải dùng thùng phi làm cây cầu tạm bắc qua sông để thay thế những chuyến đò chòng chành đầy mạo hiểm. Nhưng chiếc cầu phao tạm này chỉ đi lại được trong ngày thường còn ngày lũ về thì hàng ngàn người lại phải chòng chành trên các chuyến đò để qua sông như “thách đấu” với tử thần vậy!.

Hàng trăm học sinh chen chúc nhau lên đò cho kịp giờ đến lớp nhưng không biết tính mạng đang “treo trên đầu sợi tóc”

Ông Cao Xuân Hùng (người chèo đò nơi đây) cho biết: “Chỗ sâu nhất của dòng sông ngày thường khoảng 6m nhưng trong mùa lũ lên là từ 15 đến 17m, dòng nước chảy xiết có thể cuốn trôi tất cả mọi vật trên đường nó đi qua. Trước đây đã có nhiều tai nạn thảm thương xảy ra như chìm đò có nhiều người chết, người xấu số bị nước cuốn trôi, lật thuyền, mất hàng hóa, nhiều em học sinh khi đang chèo đò sang sông đò bị lật trôi hết đồ đạc. Mới cách đây mấy hôm lúc tôi đang quay trở đò, các cháu chen chúc nhau lên đò không may có hai cháu rơi xuống bị nước cuốn trôi may lúc có mấy thanh niên đang chờ đò bơi ra cứu, may mà còn kịp.

Ông Nam (người làm nghề đánh cá sống ngay cạnh sông) cho biết, việc người qua cầu bị rơi xuống sông là thường xuyên như cơm bữa. Tôi luôn để ý, hễ ai ngã thì lập tức chèo thuyền và bơi lại cứu, không thể tính được là bao nhiêu nữa. Mấy năm trước có người địa phương khác khi đi qua cầu bị rơi xuống sông chết đuổi.

Hàng trăm học sinh vẫn “đánh đu với tử thần” trong mùa lũ đã nhiều năm qua để đến trường

“Cầu chỉ có chiều rộng 1m ngang mà lúc nào cũng có người, ngày nào tôi cũng phải đi qua lại mấy lần, nhiều lúc ra giữa cầu gặp xe đi ngược chiều cây cầu dập dờn, chồng chành chỉ biết nín thở, cũng sợ chết nhưng không có cách nào khác. Mới đây trong lúc qua cầu, cháu Phan Văn Thành (12 tuổi) bị rơi xuống sông và cũng bị nước cuốn trôi.” Chị Hà xóm Trung Thượng buồn kể

Trong lúc đi đò khi được chúng tôi hỏi về vấn đề này cô Hằng – giáo viên trường mầm non  Phương Mỹ đưa ánh mắt buồn về bên kia tâm sự : “Các thầy cô ở đây, ngày hai lần qua đò sang sông đi dạy. Có hôm dạy cả ngày phải ở lại nếu đi về, nhà xa, lỡ đò lại muộn giờ đứng lớp. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa, đường trơn nước lại lên dắt được xe xuống, lên đò là cả một vấn đề. Thầy cô nào ở gần đây thì còn may mắn chứ có những cô, thầy nhà ở xa đi đò qua sông mưa gió thì cũng thật là khổ”.

Tâm sự với chúng tôi ông Nguyễn Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cây cầu bắc qua sông Ngàn Sâu luôn là nỗi niềm trăn trở của chính quyền sở tại vẫn biết cây cầu phao tạm bợ đã xuống cấp là thật mạo hiểm nhưng để có cầu cho người dân đi lại, không bị cô lập vào mùa lũ thì “lực bất tòng tâm”.

Những cố gắng của nhà trường, chính quyền và nhân dân nơi đây cũng chỉ là sự khắc phục khó khăn. Chúng tôi hiểu chặng đường nối “hai bờ văn hóa” vẫn còn dài và đó vẫn chỉ là ước mơ của hàng nghìn người dân nơi đây, họ cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhằm khắc phục những cách trở của con sông.

Giấc mơ về một cây cầu…

Giao thông là “mạch máu” để phát triến kinh tế, xã hội, nó được xếp ở vị trí thứ 2 trong 4 yếu tố quan trọng của hạ tầng kiến trúc. Khi “mạch máu” giao thông ấy đứt gẫy, không chỉ giao thông ngưng trệ mà nó còn làm cho những lĩnh vực khác của đời sống nhân dân ảnh hưởng theo.

Cụ thể ở xã Phương Mỹ là: Việc vận chuyển lúa, hoa màu có khi phải mất cả ngày, bỏ từng bó nhỏ cho qua sông rồi lên xe chở, hoa màu đóng bao… chưa kể việc thường như cơm bữa khi qua sông rơi xuống dẫn đến mất hoặc ướt sản phẩm. Đặc biệt hơn là vào mùa lũ, đò, mảng không chống sang sông được nên các thôn bên kia sông người dân bị cô lập.

Cầu Phao bị nứt toác, dây thép chằng đã bị rỉ, gỗ mục theo thời gian… như thách thức với tử thần

Sự chia cắt của dòng sông Ngàn Sâu đã không còn là sự chia cắt về địa lý đơn thuần mà nó đang tạo ra sự khác biệt trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa…của  hàng nghìn người dân xã Phương Mỹ. Việc thường xuyên đến trung tâm xã để sinh hoạt đoàn thể, văn hóa, hay đi chợ, đi lễ… đối với bà con thật không dễ dàng.

“Hiện đã tiến hành khảo sát và có nghị quyết hạng mục đầu tư cho cầu Chợ Hôm. Nhưng kinh phí để xây dựng một cây cầu cứng quá lớn. Nguồn kinh phí lớn nên cây cầu ấy vẫn nằm trong dự định. Nhiều lần xã, nhà trường đã đề nghị lên cấp trên nhưng đến nay mong ước có một cây cầu kiên cố để việc giao lưu của người dân được thuận tiện vẫn chỉ là ước mơ” – ông Nguyễn Hồng Quân cho biết thêm.

Được biết dự án cầu chợ Hôm – xã Phương Mỹ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng trong quyết định số 1328/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh, ban hành ngày 16/04/2015 nhưng đến nay cây cầu vẫn nằm trên giấy.

QĐ phê duyệt chủ trương xây dựng Cầu Chợ Hôm – xã Phương Mỹ do ông Võ Kim Cự, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch huyện Hương Khê cho biết: “Cây cầu qua sông ngàn sâu thuộc xã phương Mỹ không những là cầu dân sinh mà nó đồng thời là cây cầu cứu hộ, cứu nạn vào trung tâm xã Phương Mỹ trong mùa lũ cho người dân nơi rốn lũ này. Phương Mỹ là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, hàng năm phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để phục vụ việc đi lại cho người dân là rất khó. Khi mùa lũ đang cận kề thì bến đò Chợ Hôm là nơi nguy cơ xẩy ra tai nạn là rất lớn vì đây là đầu mối giao thông quan trọng có hàng nghìn người qua lại mỗi ngày. Chính quyền, người dân sở tại tha thiết mong sự quan tâm các cơ quan quản lý khẩn trương thi công…”.

Chị Nguyễn Thị Hiền (có con trai đang học lớp mầm non 4 tuổi Trường mầm non Phương Mỹ) chia sẻ: “ Mỗi ngày chị phải thức từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đưa con đi học lúc 6 giờ, cũng do đi lại mạo hiểm qua cầu nên ngày nào tôi cũng lo lắng đưa cháu đi về không dám gửi ai, nhỡ ra không may…chúng tôi chỉ mong sao sớm có cây cầu, có đường để các cháu đi lại đỡ khổ, mà chúng tôi ở nhà cũng đỡ lo hơn”.

Là một xã nghèo, nguồn vốn quá eo hẹp nên để tu sửa cầù thì cũng chỉ chắp vá thay thế tạm bợ. Đã gần 40 năm qua, người dân nơi đây luôn mơ ước có một cây cầu nhưng mãi đến nay vẫn chưa có cầu. Bởi con sông này đoạn qua đây gần 10km nhưng không có cây cầu nào, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa lũ. Với Phương Mỹ, không gì cần hơn lúc này, một nguyện vọng bình dị mà cao cả nhất là có một cây cầu nối đôi bờ Ngàn Sâu.

Diệp Bình/VTOTO / Đại Lộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP