Họ là những người Mẹ viết tiếp trang sử vàng của người phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi gọi họ là những hòn vọng phu hình ngôi sao năm cánh.
Những cuộc chia tay cuối cùng
Điều mà những người Mẹ (vợ liệt sĩ) ghi nhớ sâu sắc nhất về tình yêu, hình dáng, tính tình của người yêu, của chồng là cuộc chia tay cuối cùng tiễn họ lên đường. Dẫu biết, trước mưa bom bão đạn họ đã không hẹn ngày về, nhưng nỗi ước mong có ngày ca khúc khải hoàn thì ai cũng giống nhau. Những người không được hưởng hạnh phúc ấy thì cái ôm chặt bằng tình yêu và niềm tin, nụ hôn cháy bỏng nỗi nhớ nhung của đôi vợ chồng trẻ sẽ theo họ đến cả cuộc đời.
Chúng tôi tìm về nhà mẹ Nguyễn Thị An (62 tuổi) ở xóm Yên Đình, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) là vợ của liệt sĩ Võ Huy Xuân cũng là một tình yêu vĩnh cửu cho người chồng đã hi sinh từ lúc tuổi còn trẻ lắm. Trai tài, gái sắc, lại ở cùng làng nên sau 3 năm yêu nhau, họ cưới nhau vào một ngày đầu xuân năm 1973. Một tháng sau ngày cưới, mẹ An phải ngậm ngùi tiễn chồng trong đợt tổng động viên cho chiến trường lớn miền Nam. “Ngày đó, anh Xuân đã là một cán bộ xã có năng lực, anh có tài về chỉ huy chiến đấu trong những lần tổ chức đánh máy bay địch đánh phá cầu Nghèn, cầu Hạ Vàng”, mẹ An nhớ lại.
Không thể nói hết những nỗi niềm của người vợ trẻ khi chưa kịp hưởng trọn niềm vui làm vợ, làm mẹ. Lần chia tay đầu tiên cũng là lần chia tay cuối cùng và vĩnh viễn khi anh ngã xuống trong lần chỉ huy một trận đánh ở miền Tây Thừa Thiên – Huế. Sau 2 năm nhập ngũ, anh đã là một cán bộ đại đội có khá nhiều thành tích được ghi nhận.
Vẫn mãi một niềm tin
3 mẹ mà chúng tôi gặp trên đây, mỗi người một hoàn cảnh, một kỉ niệm về người chồng đã hi sinh nhưng họ đều giống nhau với một tình yêu thủy chung, son sắt và lời thề vĩnh cữu bằng niềm tin sắt đá. Các mẹ đã bỏ qua tuổi xuân căng tròn lồng ngực, bỏ qua những lời bàn tái giá của gia đình, bạn bè; bỏ qua những tình cảm trao gửi của biết bao chàng trai đã hết lòng yêu mến, các mẹ quyết tâm ở vậy nuôi con, thờ chồng.
Một điều rất dễ nhận ra về sự giống nhau của các mẹ là nét mặt trầm buồn, dễ mũi lòng khi có người nhắc đến tên chồng. Và các mẹ cũng giống nhau bởi những vóc dáng khá tiều tụy, già trước tuổi vì thực sự các mẹ là những người chịu nhiều vất vả, gian truân cho cuộc mưu sinh để nuôi con, thờ chồng, cho nỗi nhớ thương đằng đẵng về chồng khi gia đình chưa thể tìm ra mộ cho các anh.
Với câu hỏi “điều gì đã giúp mẹ vượt qua được tất cả để giữ được lời thề chung thủy với người chồng đã hi sinh?”. Không cần suy nghĩ nhiều, điều đầu tiên cả 3 mẹ đều trả lời giống nhau “yêu chồng, tui không thể dành tình cảm cho ai được nữa”. Và chính những đứa con là niềm an ủi lớn nhất để họ vượt qua được hoàn cảnh. Như mẹ Lan tâm sự, nếu không có hai con đời mẹ không biết rồi trôi về đâu, cái tuổi xuân của một đời người hẳn đã héo tàn nhanh để mẹ sớm gặp lại người chồng đã hi sinh vì tổ quốc.
Hai đứa con gái của mẹ Nguyễn Thị Lan giờ đã yên bề gia thất, các cháu cũng đã có nghề nghiệp khá ổn định. Điều băn khoăn nhất là hoàn cảnh của mẹ Nguyễn Thị Hiên, đứa con trai duy nhất cũng nghèo rớt mồng tơi, mẹ vẫn ở vò võ một mình trong túp lều khá tồi tàn khiến chúng tôi không tin đó là nhà của vợ liệt sĩ và chính mẹ cũng là một đảng viên có nhiều cống hiến cho công tác đoàn thể ở địa phương.
Chia tay các mẹ, đứng trước bàn thờ của các liệt sĩ cầu mong cho họ được siêu thoát, một cảm giác khó tả khi nhìn lên những lá cờ tổ quốc mà các mẹ treo trang trọng phía trên bàn thờ chồng. Hình ngôi sao năm cánh sáng chói hơn bao giờ hết khi tôi nghĩ về sự hi sinh của các mẹ. Người phụ nữ trong câu chuyện cổ tích hóa đá chờ chồng thành hòn vọng phu vì họ vẫn còn có hi vọng gặp lại chồng; còn đối với các mẹ điều đó chỉ là sự vĩnh hằng của tình yêu bất tử, trinh nguyên khi họ đã biết chắc chắn chồng mình đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường.
Và chính họ cũng bất tử như những hòn vọng phu, đó là hòn vọng phu hình ngôi sao năm cánh sáng chói trên nền đỏ của lá cờ tổ quốc.
Quốc Hiệp – Văn Dũng