Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Nhịp cầu nối yêu thương, những niềm vui chưa trọn vẹn (Bài 1)

“Nhịp cầu yêu thương” của Bộ GTVT, xuất phát điểm là một dự án mang đậm tính nhân văn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, sự cứng nhắc, chưa sát thực của nó đã dẫn tới nhiều bất cập.

Dự án “Nhịp cầu yêu thương” của bộ GTVT, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài ngành ủng hộ vốn xây dựng cầu treo, cầu dân sinh tại các vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Riêng Hà Tĩnh, Bộ GTVT phê duyệt cấp cho 4 cây cầu. Tuy nhiên, liệu những cây cầu dân sinh này có phát huy hết hiệu quả như mục đích đầy tính nhân văn của đề án?

Xuất phát điểm là một dự án mang đậm tính nhân văn, “Nhịp cầu yêu thương” dự kiến xây dựng 4.145 chiếc cầu, tổng kinh phí lên đến khoảng 8.300 tỷ đồng, trên toàn bộ 50 tỉnh thành trong cả nước. Riêng khu vực Hà Tĩnh, Bộ GTVT đã phê duyệt cho 4 chiếc: cầu Khe Tây, cầu Chợ Quánh (huyện Vũ Quang); cầu Hương Giang và cầu Hương Lâm (huyện Hương Khê).

 hatinh24h hatinh24h 01
Cầu Khe Tây, xã Sơn Thọ (Vũ Quang), nằm trong chương trình “Nhịp cầu yêu thương”

Nhịp cầu nối những bờ vui

Bao đời nay, hơn 100 hộ dân xóm 2, xã Hương Thọ (Vũ Quang) nằm bên kia sông, ước mơ có một câu cầu để đi lại, đặc biệt là về mùa mưa lũ.

Không chỉ người dân nơi đây, mà các xóm lân cận thuộc xã Đức Hương, Hương Minh muốn sang Hương Thọ cũng phải đi đò rất phức tạp, khó khăn. Đoạn sông này đã “cướp” đi mạng sống của không biết bao người dân vô tội. Một thầy giáo Trường THCS Hương Thọ do trời mưa, không có đò, bơi sang sông thăm học sinh ốm. Người đàn ông này cũng đã bỏ mạng ở khúc sông này.

Nhiều người dân bên này sông, do thiếu đất sản xuất sang cánh đồng bên kia cũng phải đi đò. Trên những chuyến đò chòng chàng, đầy ắp trâu bò, nông sản và học sinh qua sông, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đe dọa.

Vì thế, người dân Hương Thọ mong mỏi có một cây cầu để đi lại giao dịch với UBND xã, học sinh đi học, nông dân sản xuất được dễ dàng. Ước mơ đó còn được người dân ở đây vi von là “ước mơ trắng bao mùa hoa bưởi’’.

Việc nhà nước cho xây cầu treo Chợ Quánh đã làm nức lòng người dân địa phương. Từ nay, việc đi lại của bà con hứa hẹn thuận lợi hơn rất nhiều.

Cùng chung niềm ước nguyện đó, những người dân Sơn Thọ (Vũ Quang), Hương Lâm và Hương Giang (Hương Khê) ai ai cũng phấn khởi, hổ hởi chờ đợi những cây cầu trong mơ được hoàn thành. Ấy vậy mà niềm vui đó ngắn chẳng tày gang.

Nhịp cầu nối yêu thương, những niềm vui chưa trọn vẹn (Bài 1) - Ảnh 1
Cầu Hương Lâm đã xong, nhưng đường nối thông sang 40 hộ dân bên kia vẫn chưa có

Bất cập vì quá cứng nhắc, chưa sát thực

Sự cứng nhắc của đề án đầu tiên phải kể đến là ở vị trí đặt cầu. Do phải gói gọn trong khuôn khổ kinh phí được cấp, bởi thế có rất nhiều điểm đặt cầu phù hợp, nhưng lại quá dài, vượt số tiền đầu tư cho phép nên lại phải tìm vị trí khác.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Lẽ ra, cầu treo Chợ Quánh phải được làm sát chợ Quánh, nối với trực đường chính liên xã, chạy từ UBND xã Hương Thọ, qua cầu treo, sang xóm 2, rồi nối với đường liên xã Hương Minh lên thị trấn Vũ Quang. Đây là một vị trí rất đẹp và thuận lợi.

Thế nhưng, cây cầu này lại được xây dựng cách chợ Quánh khoảng 50m, tạo một đường cong hình chữ S. Không hiểu vì sao mà chính quyền địa phương, nhà thầu lại chọn chỗ eo nhất của khúc cua làm cầu. Vào mùa tựu trường, khi học sinh xóm 2 qua cầu, chỉ cần rời mố cầu khoảng 1-2m là ra giữa trực đường chính. Trong khi đó, xe cộ lưu thông theo hướng UBND xã Hương Thọ lên đường mòn Hồ Chí Minh và ngược lại, khi đến khúc quanh này, gặp ngay các mố cầu làm chướng ngại vật, rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông’’, một thầy giáo Trường THPT Cù Huy Cận nói.

Thời gian vừa qua, hẳn không ai còn lạ với câu chuyện xảy ra ở cầu Khe Tây, xã Sơn Thọ, một trong 4 cây cầu thuộc dự án. Cầu treo dân sinh này còn được biết đên với những tên gọi khác: Cầu “quan”, cầu “ông Hội”…Vì thực tế, cây cầu này chạy thẳng vào nhà ông quan xã. Kéo theo đó là 19 hộ dân nằm trong danh sách được hưởng lợi theo “báo cáo’’.

“Hiện, con đường để đi lại, ra đến điểm cầu treo Khe Tây của những hộ dân này chưa được thông suốt. Muốn đến được đó, 19 hộ dân này phải treo đèo, lội suối, phát rừng để lên cầu. Không biết đến bao giờ có đường để đi được đến đó. Nghe đâu, phải mất 6 tỷ mới làm được đường để đi đến cầu”, bác Nguyễn Quảng Hồng( 37 tuổi) một hộ dân từng sống bên cầu Khe Tây bức xúc nói.

Vượt hơn 50km đường mòn đến điểm cầu thứ ba, chúng tôi lại tiếp tục chứng cảnh bi hài trên. Cầu treo Hương Lâm (Hương Khê) nối 160 hộ bên này với 40 hộ dân sống bên kia, cùng thuộc xóm 6 xã Hương Lâm, bị chia cắt bởi khe Rào Bùi. Tuy nhiên, khi cầu xây xong, đường nối thông sang 40 hộ dân bên kia vẫn hoàn toàn chưa có. Bởi thế có cầu mới nhưng dân vẫn phải đi qua cây cầu De bằng gỗ cũ. Trả lời về vấn đề này, ông Đinh Viết Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Dự án đường đã được tỉnh phê duyệt nhưng địa phương chưa biết lấy nguồn ở đâu để làm. Một con đường vành đai ven núi theo dự toán ban đầu cũng phải mất hơn 14 tỷ đồng, vượt quá sức của xã. Nếu từ đầu, địa phương được trưng cầu ý kiến, được lắng nghe nguyện vọng, thì chúng tôi đã đề xuất xin một cái cầu cứng”.

Nhịp cầu nối yêu thương, những niềm vui chưa trọn vẹn (Bài 1) - Ảnh 1
Cầu Ma Ka ở xã Hương Giang xây xong, dân vẫn phải tiếp tục đi dưới khe

Oái oăm nhất vẫn là cây cầu mang tên Ma Ka thuộc xã Hương Giang. Cầu mới được xây dựng trên đập cầu tràn cũ, nằm trên trục đường chính liên thôn nên có lưu lượng người đi qua rất đông. Tất cả người dân ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp, phương tiện đi lại là các loại xe cơ giới phục vụ sản xuất, trong khi đó, tải trọng cầu chỉ có 0,5 tấn. Bởi thế mới có nghịch cảnh: Cầu xây xong đã lâu không thấy ai về đi qua. Người dân ở đây vẫn phải tiếp tục đi dưới khe. “Cái cầu này chỉ hợp với vùng cao chứ không hợp với thực tế tại địa phương. Phục vụ đi lại bình thường thì được chứ để phát triển nông thôn mới thì không thể. Và để sử dụng về lâu dài thì lại phải làm thêm một chiếc cầu tràn nữa. Bởi thế dân Hương Giang chưa kịp mừng đã lo’’, ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch xã cho biết.

Ông Phan Văn Trung, Giám đốc Ban QLDA phát triển giao thông và vốn sự nghiệp (Sở GTVT) cho biết, nằm trong chuỗi “Nhịp cầu yêu thương”, ở Hà Tĩnh có 4 cái. Đề án cầu treo này, Tổng cục đường bộ là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 3 (gọi tắt là Ban 3) là đại diện chủ đầu tư. Còn đơn vị tư vấn thiết kế cũng của Bộ GTVT chỉ định, dàn theo lịch trình 1 mẫu và do Bộ đánh giá, kiểm chứng.

Đến thời điểm này, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đề án đã quá cứng nhắc ngay trong khâu xây dựng và thiết kế dự án. Nhà thầu và đơn vị thiết kế rập khuôn theo định hình, không xem xét kỹ địa hình và các yếu tố thực tiễn tại địa phương, để ngoài vấn đề đảm bảo an sinh xã hội thì vẫn phát huy được hiệu quả kinh tế khi đưa vào sử dụng.

NGÂN HÀ/ ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP