Họ tộc tại Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Nhà khuyến học của ông tiến sĩ

Nhà khuyến học Hoa Cương do tiến sĩ Nguyễn Quang Cương – giảng viên Đại học Quy Nhơn, người con của xã An Lộc – sáng lập nhằm thúc đẩy sự học của một vùng quê nghèo mà học sinh đang đói sách, người dân thiếu thông tin.

Thấm thoắt mà nhà khuyến học Hoa Cương (xã An Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã được xây dựng mười năm (2004-2014). Ngồi ôn lại, người ta thấy vui buồn cứ lẫn lộn…
Học sinh và người dân đọc sách ở thư viện Hoa Cương - Ảnh: V.Đ.
Học sinh và người dân đọc sách ở thư viện Hoa Cương – Ảnh: V.Đ.

Hoạt động của nhà khuyến học này là phục vụ miễn phí việc đọc sách báo cho học sinh và người dân, hỗ trợ sách vở, đồ dùng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng những học sinh hiếu học…

10 năm nhọc nhằn

Có nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng và gần như ngã quỵ, nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của vợ con, anh em, bạn bè và các cấp chính quyền, tôi lại có thêm quyết tâm, động lực để duy trì hoạt động của nhà khuyến học Hoa Cương
TS NGUYỄN QUANG CƯƠNG

Chúng tôi về xã An Lộc vào một ngày nắng cuối hè hơi gắt. Thư viện Hoa Cương do thầy Cương thành lập ngày nào vẫn nép mình bên tỉnh lộ 22 nay đã được nâng lên tầm chuyên nghiệp với các đầu sách được đánh số thứ tự, trưng bày trong hai dãy tủ kính rất dễ dàng tìm kiếm. Thư viện rất rộng, có đủ bàn ghế cho khoảng 100 người đọc cùng lúc.

Chị Trần Thị Bảy, quản lý thư viện, cho biết từ khi chị được nhận vào làm ở đây, thư viện luôn mở cửa. Tại thư viện, học sinh đến đọc sách còn được các nhà giáo tình nguyện hướng dẫn nâng cao kiến thức.

Để đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh và người dân, hằng năm thầy Cương mua bổ sung sách báo gửi về. Thấy thiếu, thầy lại kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp sách báo cho thư viện.

“Ngoài sách báo mà thư viện có, chúng tôi còn liên kết với Thư viện tỉnh Hà Tĩnh để luân chuyển sách báo mới về. Do đó, sách báo ở thư viện rất phong phú, thường hơn một vạn đầu sách để phục vụ học sinh, người dân đến đọc” – chị Bảy nói.

Ông Đặng Ngọc Thạch, bí thư xã An Lộc, cho biết từ khi sáng lập nhà khuyến học Hoa Cương đến nay, mọi chi phí duy trì hoạt động đều do thầy Cương bỏ tiền túi, chính quyền chỉ ủng hộ về mặt tinh thần.

“Từ tiền điện nước đến tiền lương người quản lý thư viện đều do thầy Cương chi trả. Ngoài khuyến học, thầy Cương còn là một nhà tài trợ cho hàng trăm cuộc họp, giao lưu văn hóa, xã hội cho các tổ chức đoàn thể từ các dòng họ, thôn đến xã, huyện” – ông Thạch cho biết.

Nhìn lại kết quả mười năm qua, thầy Cương không dám tin rằng nhà khuyến học Hoa Cương có thể tồn tại đến hôm nay. Không những thế, nó còn phát huy được hiệu quả vô cùng to lớn.

Sau khi thành lập, thầy luôn trăn trở làm thế nào để nuôi được nó? Những đồng lương đứng giảng dạy ở đại học của thầy được vợ con ủng hộ chuyển về quê lo trang trải cho hoạt động của nhà khuyến học.

Nhiều bạn bè của thầy thắc mắc sao thầy không giao cho chính quyền quản lý và tự lo liệu, ai lại ôm khư khư. Nghe thế thầy Cương chỉ mỉm cười… Duy trì suốt mười năm, thầy Cương thừa nhận ngoài công sức của thầy bỏ ra còn phải nhờ đến công sức rất lớn của con cháu, anh em, bạn bè, người thân, lãnh đạo địa phương…

Thầy Cương trao quà cho học sinh nghèo ở gần nhà khuyến học - Ảnh: V.Đ.
Thầy Cương trao quà cho học sinh nghèo ở gần nhà khuyến học – Ảnh: V.Đ.

Dấu ấn khó phai

Từ lãnh đạo xã An Lộc đến lãnh đạo các xã lân cận như Bình Lộc, Thịnh Lộc… đều cho biết nhờ có nhà khuyến học Hoa Cương, học sinh ở vùng này học hành tiến bộ rõ rệt.

Học sinh giỏi các cấp từ huyện đến tỉnh tăng lên, học sinh thi đậu đại học năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đặc biệt mấy năm gần đây, ở vùng đất nghèo này luôn có học sinh đoạt giải sáng tạo khoa học quốc gia, quốc tế.

Gặp người dân nghèo nào ở vùng đất này cũng nghe họ nói nhờ có thầy Cương mà họ bớt lo một phần sách vở cho con.

Bà Nguyễn Thị Hiền, 52 tuổi, ở xóm Xuân Triệu (xã An Lộc) bị ốm đau thường xuyên, nghèo khó nhất nhì xóm. Khi chồng bà mất vì bệnh ung thư, trong nhà không có lấy một hạt gạo để ăn huống chi mua sách vở cho con cái.

Lúc thầy Cương chưa về quê lập ra nhà khuyến học, hai con đầu của bà phải bỏ học sớm. Đến khi nhà khuyến học được thành lập, hằng năm con gái út của bà được tặng sách vở đi học.

“Nhờ có thầy Cương mà con gái tôi mới có ngày nay. Ngoài việc được thầy tặng sách vở đi học, con gái tôi thường tìm đến thư viện của thầy để đọc sách nâng cao kiến thức nên mới thi đậu vào đại học ngoại thương. Biết hoàn cảnh mẹ nghèo, hè vừa rồi nó không về mà ở lại Hà Nội làm thuê để có tiền trang trải học tập” – bà Hiền tâm sự.

Nhìn bộ sưu tập huy chương sáng tạo quốc gia đến quốc tế của cậu học trò nghèo Nguyễn Trọng Thủy, học sinh lớp 8A Trường THCS Bình An Thịnh (Lộc Hà), nhiều người không khỏi trầm trồ.

Để có được những thành tích này, Thủy tâm sự nhờ kiến thức từ sách vở ở thư viện nhà khuyến học Hoa Cương. Thủy cho biết khi học lớp 4, lớp 5 đã theo anh trai đến thư viện đọc sách báo. Nhờ những quyển sách về khoa học nên Thủy mới đam mê nghiên cứu, mày mò thiết bị điện tử.

Thủy khoe năm 2012 mang quạt đèn LED ra Hà Nội tham dự Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc đã đoạt giải nhì.

Năm 2013 cũng với mô hình này, Thủy đã giành huy chương vàng ở Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ châu Á dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên tổ chức tại Malaysia…

Theo thầy Cương, việc làm của thầy dành cho quê hương là một việc làm thầm lặng, cần mẫn và đòi hỏi công sức, trí tuệ, tấm lòng vì mọi người và không yêu cầu sự đền đáp nào cả.

Vấn đề cốt lõi mà thầy quan tâm là làm sao duy trì được sự tồn tại của nhà khuyến học Hoa Cương, đến 20, 30 năm sau.

“Tôi không muốn những đứa trẻ quê tôi thiếu sách”

Sau mười năm hoạt động, nhà khuyến học Hoa Cương nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương đến địa phương, đặc biệt được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng.

“10 năm trước tôi bỏ ra hơn 400 triệu đồng để thành lập nhà khuyến học Hoa Cương. Nếu tôi dùng số tiền đó đầu tư mua đất sẽ được hơn 10 lô thì nay có tiền tỉ rồi. Nhưng tôi hiểu giá trị của nhà khuyến học là như thế nào vì thời tôi đi học thèm sách, thèm báo ghê gớm lắm, mà tôi thì không muốn những đứa trẻ ở quê bây giờ bị thiếu thốn sách báo như thời tôi” – thầy Cương nói.

Ông Lê Trọng Trưởng, 75 tuổi, nhớ lại cách đây khoảng 40 năm, khi ông đang dạy lớp 7 (hệ 10 năm). Năm đó, thầy Cương là học trò của ông, có hoàn cảnh nghèo khó khi nhà đông anh em, hằng ngày phải đào gốc chuối về ăn qua ngày.

Thương cậu học trò nghèo ham học, ông Trưởng đã đến nhà hỏi thăm thì được mẹ của trò nói chỉ cho con học đến lớp 7, không lo được nữa. Sau khi biết được hoàn cảnh, ông về gọi trò đến nhà và nói muốn học lên cao nữa thì phải học thật giỏi, muốn học giỏi phải đọc sách nhiều.

“Hồi đó tủ sách của tôi có hàng trăm quyển, ngày nào Cương cũng đến nhờ đọc. Không ngờ sau này Cương lại mang cả thư viện sách về quê mà tôi đọc cả đời cũng không hết. Nghĩ lại, nhờ ham học, ham đọc sách mà Cương đã vượt qua hoàn cảnh, làm nên sự nghiệp như ngày nay” – ông Trưởng tâm sự.

VĂN ĐỊNH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP