Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Mất an toàn lao động – Một thực tế đáng báo động!

Trong khi đang diễn ra phiên tòa xét xử vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại công trường xây dựng thuộc Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh thì trưa 15/11…

Trong khi đang diễn ra phiên tòa xét xử vụ sập giàn giáo nghiêm trọng tại công trường xây dựng thuộc Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh thì trưa 15/11, tại khu vực kinh doanh dịch vụ bên bờ suối Yến chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, TP. Hà Nội), giàn giáo tại công trình xây dựng của một nhà dân đã bị sập sau khi đổ bê tông khiến một người tử vong và 5 người khác bị thương nặng. Chưa bao giờ công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng lại đáng báo động như hiện nay. Đặc biệt, rất hiếm khi người ta được thông tin công khai về xử lý bồi thường và trách nhiệm của nhà thầu để xảy ra TNLĐ.

ht24h

Vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng tại Mỹ Đức, Hà Nội gây chết người.

TNLĐ mọi nơi, con số nối dài

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chỉ trong nửa đầu năm 2015 trên toàn quốc đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.499 người bị nạn, trong đó 277 người chết. Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ đều là những thành phố lớn, đô thị đang ra sức phát triển và tràn ngập các công trình xây dựng như: Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Trong khi các vụ việc nghiêm trọng vẫn chưa hết dư âm, thì gần đây lại liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ khác, như những tiếng chuông liên tục nối thành hồi chuông báo động, khiến các con số thống kê nói trên nhanh chóng trở nên “cũ kỹ”.

Ngày 3/10, tại công trình xây dựng Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Hoàng Tử nằm trong Khu du lịch Biển Cần Thơ (quận Ninh Kiều) xảy ra vụ sập sàn bê tông rộng 100m2, đè 5 công nhân khiến 4 người bị thương nặng, một người tử vong tại chỗ. Trưa 16/10, tại một công trình xây dựng ở quận 12, TP.HCM, xảy ra một vụ sập sàn bê tông khác, khiến 1 công nhân tử vong và 1 công nhân nguy kịch.

Ngoài ra, liên tiếp các vụ tai nạn khác có nguyên nhân do sập cẩu tại Đông Hà – Quảng Trị và Sa Đéc – Đồng Tháp, làm chết và bị thương nặng nhiều người thợ.

Nguyên nhân nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu

Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người hầu hết do lỗi người sử dụng lao động và một phần từ ý thức kém của người lao động, chỉ có 26,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số vụ TNLĐ trên thực tế còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê bởi nhiều vụ việc lẻ tẻ đã được chủ thầu khéo léo bưng bít, đền bù và nạn nhân cũng cho đó là sự không may của bản thân nên bỏ qua.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2015, ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 1 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố; 1 vụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Có thể thấy việc xử lý còn khá ít và chậm chạp, thông tin về nhiều vụ việc chưa được công khai rộng rãi và các hình thức xử lý còn “nhẹ nhàng”, chưa đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

Cần công khai thông tin để răn đe

Một vấn đề cần quan tâm nữa, đó là việc xử lý đền bù cho người lao động (NLĐ) và xử lý trách nhiệm của chủ thầu còn rất mờ mịt. Rất nhiều NLĐ phản ánh sau khi bị TNLĐ thì được người chủ sử dụng “an ủi”, động viên và khích lệ. Tuy nhiên khi vụ việc đã “êm êm”, họ đã bị bỏ rơi không thương tiếc vì thực tế họ không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn lao động như trước, trong khi đó quyền lợi đáng được đền bù thì họ chỉ nhận quá ít ỏi. Một số ngậm bồ hòn làm ngọt, cam chịu cuộc sống của phế nhân, một số khác theo kiện nhưng phần vì không đủ công sức, tiền bạc nên rất khó khăn. Hầu hết công nhân sau khi bị TNLĐ nặng đều không còn khả năng tìm việc làm khác và gia đình lâm cảnh bi đát.

Mặc dù pháp luật hiện hành quy định rất rõ về việc truy cứu trách nhiệm cả dân sự lẫn hình sự đối với người sử dụng lao động, quyền lợi của của người lao động khi gặp TNLĐ… nhưng thực tế không như “lý thuyết”. Việc thực thi theo đúng những điều khoản trong pháp luật gặp nhiều vướng mắc và trong tất cả các trường hợp, thiệt hại trước tiên nằm ở người lao động vì vừa mất mạng, mất sức khỏe, mất công việc, tâm lý không ổn định.

Bên cạnh việc người lao động tự ý thức chủ động bảo vệ mình bằng cách thực hiện quy định ATLĐ, các cơ quan quản lý cần phối hợp tập trung vào những biện pháp xử lý nghiêm nếu người sử dụng lao động không tuân thủ quy định để xảy ra tai nạn. Việc xử lý phải bao gồm các chế tài đền bù bằng kinh tế xứng đáng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời với việc điều tra, xử lý theo hướng tăng nặng các vi phạm của nhà thầu, công khai thông tin của nhà thầu vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện chuyên ngành để người dân biết, các doanh nghiệp khác lấy làm gương. 

  Hà Tùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP