Nghị quyết 90/2014/ND-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh (sau đây viết NQ 90) đã ban hành một số chính sách thiết thực nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, ở lĩnh vực khai thác thủy sản, hậu cần nghề cá ngư dân được hỗ trợ ngân sách để đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác. Cụ thể, đối với tàu công suất từ 400CV/chiếc trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 300 triệu đồng; đối với tàu công suất từ 250CV đến dưới 400CV/chiếc, được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 200 triệu đồng; đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 250CV/chiếc, được hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu, thời gian nhận hỗ trợ trong 2 năm, mỗi năm 100 triệu đồng.
Chính sách tốt đẹp là thế, nhưng đến hiện tại nhiều hộ ngư dân đang sống trong cảnh nợ nần, nguy cơ tán gia bại sản vì đóng tàu theo NQ 90.
Theo tìm hiểu của ANTT, sau khi tiếp cận được chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá của UBND tỉnh theo NQ 90, ông Trần Đăng Tin, trú tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã không e ngại đóng 1 con tàu vỏ gỗ với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tàu bắt đầu được đóng từ tháng 8/2016 đến tháng 11/2016 thì hạ thuỷ và hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản vào ngày 24/1/2017.
Tiền đóng tàu do ông Tin cầm cố tài sản, vay vốn ngân hàng và nhiều nơi khác nhau trong khi chờ đợi nguồn hỗ trợ từ NQ 90. Nhưng suốt hơn 1 năm qua, câu trả lời ông nhận được là những cái lắc đầu của các cấp chính quyền vì đã kết thúc đợt hỗ trợ.
“Lúc nghe tin tỉnh ra chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá, tôi đã rất vui mừng và nghĩ cơ hội vươn khơi bám biển đã đến với gia đình mình. Không ngần ngại, tôi đã thế chấp hết tài sản và vay mượn từ nhiều nguồn khác để đóng tàu. Ai ngờ vì hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản chậm 24 ngày nên tôi không còn thuộc đối tượng được hỗ trợ nữa. Giờ đây tiền nợ thì ngày lãi một nhiều, gia đình tôi đang bị dồn vào thế tán gia bại sạn. Để giúp đỡ chúng tôi có thêm nguồn lực để trả lãi ngân hàng và chi phí đóng tàu, tôi cầu mong sự quan tâm của các cấp chính quyền liên quan”, ông Tin khẩn cầu.
Nhiều chủ nợ thấy ông Tin không được hỗ trợ, nguy cơ không thu hồi lại được tiền nên đòi lấy những thiết bị được lắp đặt trên tàu để trừ nợ. Nhìn lãi mẹ đẻ lãi con, tài sản duy nhất còn lại là con tàu, ông Tin đã nghĩ đến chuyện bán tàu để trả nợ.
|
Ngư dân khóc ròng vì tàu hàng chục tỷ đã đóng xong nhưng không được nhận hỗ trợ
Tương tự như trường hợp ông Tin, Anh Trần Xuân Sinh, trú tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà là một trong số những người đầu tiên ở huyện này đóng một con tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ.
Sau khi Nghi định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 90/2014/ND-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh được ban hành, anh Sinh làm tờ trình xin đóng mới tàu đánh cá vỏ thép và đã được Sở NN&PTNN chấp thuận.
Cứ ngỡ được sự giúp đỡ của nhà nước, tháng 6/2016, anh Sinh đem toàn bộ gia sản của mình để hoàn thành con tàu lớn này với hy vọng chờ ngày ra khơi, góp phần phát triển ngành thủy sản và biển đảo quê hương như mơ ước.
Đến ngày 19/12/2016, con tàu vỏ thép của anh đã được Bộ NN&PTNT chứng nhận đăng kiểm. Ngày 24/1, con tàu này được Chi cục thuỷ sản Hà Tĩnh chứng nhận đăng ký tàu cá. Thế mà, hơn 1 năm trôi qua, anh vẫn không tiếp cận được vốn hỗ trợ, con tàu của anh dù ra khơi nhưng vẫn không đủ tiền trả lãi hàng tháng.
Cố gắng không bỏ cuộc, không thể nhìn tài sản cả đời cố gắng mất đi, sau nhiều lần làm đơn, gõ cửa khắp nơi cầu cứu, anh đã nhận được câu trả lời vì do tàu cá của anh hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản sau ngày 31/12/2016. Sau thời điểm này, HĐND tỉnh đã kết thúc đợt hỗ trợ nên tên anh không nằm trong danh sách được cấp kinh phí hỗ trợ.
"Do bản thân không am hiểu về các thủ tục, ngay sau khi tàu hạ thuỷ tôi chỉ báo cho cán bộ Chi cục thuỷ sản qua điện thoại như ngư dân khác, không ngờ lại bị chậm và giờ đây phải chịu đựng thiệt thòi như vậy. Gia sản phải cầm cố để đóng tàu, tiền hỗ trợ lại không được nhận, gần đây gia đình tôi bị ép vào thế nợ xấu. Bao nhiêu cố gắng của tôi đổ xuống sông xuống biển rồi", anh Sinh chia sẻ.
Cùng cảnh với ông Tin, anh Sinh, 5 con tàu của các ngư dân Trần Đình Dung, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Lòng, Nguyễn Đình Hùng, cùng trú tại huyện Lộc Hà đang chờ "chết" cũng vì do hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản sau ngày 31/12/2016 nên không được nhận tiền hỗ trợ.
Ngư dân gặp nhiều khó khăn khi không nhận được sự hỗ trợ. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân, huyện cũng đã nhiều lần làm tờ trình, văn bản kính đề nghị UBND tỉnh, Sở tài chính, Sở NN&PTNN quan tâm, xem xét về 7 trường hợp trên nhưng HĐND tỉnh không đồng ý.
"7 phương tiện tàu thuyền này đã được Sở NN&PTNN, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá trong năm 2016; tàu cũng được hạ thuỷ trong năm 2016. Tuy nhiên vì thủ tục thực hiện phức tạp và thời gian đóng tàu dài ngày nên đến tháng 1/2017 các tàu mới hoàn thành hồ sơ đăng ký, đăng kiểm đưa vào sử dụng nên không tổ chức nghiệm thu để nghị hỗ trợ cho các đối tượng vào cuối năm 2016 được", ông Bình nói.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, nghị quyết hội đồng đã ban hành là thực hiện đúng nghị quyết không thể thay đổi. Vấn đề này quả thực có thiệt thòi cho ngư dân.
“HĐND cũng đã giao bên UBND tỉnh kiểm tra rà soát, đề ra phương án giải quyết nhưng đến thời điểm hiện tại chưa thấy. Giải quyết được vấn đề này hay không, sau kỳ họp tới HĐND sẽ có câu trả lời", bà Y thông tin.
Tác giả: Quốc Hoàn - Khánh Linh
Nguồn tin: antt.vn