Du lịch

Hà Tĩnh: Đền thiêng Truông Bát

Đền Truông Bát ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nổi tiếng linh thiêng, là điểm đến của đông đảo người dân, du khách. Nơi đây hội tụ gần như tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích lịch sử văn hóa đền Truông Bát ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà


Lưu truyền giá trị lịch sử, văn hóa

Đền Truông Bát là nơi thờ Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa (Bà Chúa Lộc- thân mẫu Quan Hoàng Mười). Tương truyền Lộc Hoa Công Chúa là một nữ tướng tài sắc, văn võ song toàn, phò vua Lê chống giặc Minh xâm lược.

Bà cầm quân chấn ải miền sơn cước cõi Nam Giao. Khi bà mất, nhân dân vô cùng thương tiếc đã lập Am miếu thờ bà (còn gọi Bà là Thánh Mẫu). Miếu thờ tọa lạc giữa thung lũng 8 ngọn núi cao, không gian yên tĩnh, thanh bình và rất linh thiêng.

Đền Truông Bát thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái


Truyền rằng, khi đoàn voi, ngựa của Vua Minh Mạng và quần thần kinh lý đến Khe Giao đột nhiên trời tối sầm, mây đen vần vũ, voi, ngựa chùn bước không chịu đi. Vua nhìn lên phía trước có một ngôi miếu rêu phong, cây cối um tùm rủ xuống. Linh khí bay lên, nhà vua và quần thần cảm thấy trong người ớn lạnh, vội buộc voi ngựa dâng hương lễ đến nơi vái lạy.

Một lúc sau, mây tan, gió lặng, núi rừng trở lại phong quang, nhà vua và quần thần tiếp tục lên đường. Thấy sự linh thiêng, kỳ lạ của ngôi miếu nơi “thâm sơn cùng cốc”, về đến triều vua sắc phong cho thần miếu là: Vương Nương Thánh Mẫu- Cao Sơn Thần Nữ- Chế Thắng Mã Vàng Lê Mại Đại Vương- Thượng- Thượng- Thượng Đẳng tối linh thần” rồi lập đền thờ ngay trên miếu thiêng và chỉ dụ các thần dân đến tế lễ.

Cung thờ Bà Chúa tài lộc tại di tích đền Truông Bát


Hằng năm, đền Vương Nương Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa mở hội vào ngày húy kỵ (giỗ) mùng 7 tháng 4 Âm lịch. Trong tâm thức của người dân, du khách thập phương, Bà Chúa Lộc đã đi vào đời sống tâm linh, đầy ắp tình cảm, ước vọng, sự cứu giúp và độ trì nhân thế.

Điểm đến trong lòng du khách

Trải qua bao biến đổi thăng trầm của thời gian, rồi thiên tai, bom đạn chiến tranh tàn phá, đền Truông Bát bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành phế tích. Gần đây, được sự cho phép của chính quyền địa phương và thể theo nguyện vọng của nhân dân, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã công đức đóng góp nguyên vật liệu phục dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ ngày xưa.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ việc xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư, đến nay nhiều hạng mục quan trọng của ngôi đền đã được phục dựng đẹp đẽ. Khuôn viên sân đường nội bộ đến các hạng mục kiến trúc, nội thất, đồ tế khí… toát lên sự cổ kính, linh thiêng, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy, là kết tinh của nét đẹp văn hóa tâm linh và cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Đền Truông Bát được trùng tu, tôn tạo uy nghi, các hạng mục được sơn son, thiếp vàng lộng lẫy


Tiếp xúc với phóng viên, chị Lê Thị Hà quê ở phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho biết, năm nào cũng vậy cứ vào dịp cuối năm tôi thường đến đền Truông Bát để dâng hương, tế lễ Thánh Mẫu cầu cho gia đình sức khỏe dồi dào, cuộc sống gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Mỗi lần đến đây tôi và mọi người đều cảm nhận được vẻ đẹp, sự cổ kính, linh thiêng, việc cầu nguyện từ tâm đều rất linh ứng.

Dịp cuối năm rất nhiều người đến dâng hương, tế lễ Thánh Mẫu cầu sức khỏe dồi dào, cuộc sống may mắn, hạnh phúc


Đền Truông Bát được trùng tu, tôn tạo uy nghi gắn với khôi phục các lễ hội theo đúng thuần phong mỹ tục, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân phải kể đến sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Nghệ nhân ưu tú Ngô Thanh Cẩn (hiện là thủ nhang đền Truông Bát) quê ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà.

Nghệ nhân ưu tú Ngô Thanh Cẩn người có nhiều công lao trong tôn tạo, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tại di tích đền Truông Bát


Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Thanh Cẩn cho biết, từ năm 2004 đến nay ông thường xuyên trông nom, hương khói, phát tâm đức kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm gần xa trùng tu, tôn tạo, xây dựng ngôi đền.

“Năm 2011, đền Truông Bát thờ Bà Chúa Lộc được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay ngoài các hạng mục đã đầu tư xây dựng, chúng tôi đang tập trung tôn tạo cung cấm đã bị xuống cấp, nhằm nhằm đáp ứng nguyện vọng thiết thực của nhân dân, du khách và nâng tầm giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đền”, ông Ngô Thanh Cẩn chia sẻ.

Ngôi đền thiêng giữa núi rừng trùng điệp luôn là địa chỉ trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh với mọi người


Ngày lễ húy kỵ, đặc biệt là dịp cuối năm và cận tết Nguyên đán Qúy Mão đền Truông Bát ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà thu hút rất đông người dân, du khách từ khắp mọi miền đến dâng hương, tế lễ, cầu may mắn, yên vui, gia đình hạnh phúc, tài lộc vẹn toàn, mọi việc hanh thông. Ngôi đền thiêng giữa núi rừng trùng điệp mãi luôn là địa chỉ trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất ý nghĩa với mọi người.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP