Đền Cuông, nơi thờ Thục Phán An Dương Vương và những điều bí ẩn về chim hạc và cá voi. |
Hạc bay về
Ngôi đền hiện đang trưng bày, lưu giữ chim hạc kỳ bí cách đây gần 30 năm chính là đền Cuông, tọa lạc trên núi Mộ Dạ thuộc xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đây là ngôi đền thờ Thục Phán An Dương Vương. Tương truyền, năm 208, trước công nguyên, Thục Phán An Dương Vương bị Triệu Đà bất ngờ đem quân tấn công, phải rút lui về phương Nam. Đến bước đường cùng, người đã cùng những binh sĩ trung thành tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc núi Mộ Dạ. Tưởng nhớ đến công ơn của Thục Phán An Dương Vương, nhân dân Diễn Châu đã lập đền thờ trên núi Mộ Dạ, hàng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công ơn của người.
Theo ông Cao Văn Trân (75 tuổi, phục vụ tại đền Cuông), năm 1995, khi hàng nghìn người đang chăm chú nhìn màn cưỡi ngựa diễu hành của một nông dân trong ngày khai hội đền Cuông thì bất ngờ có một con hạc rất lớn, trắng xóa bay về, hạ cánh trên tay người cưỡi ngựa. “Giữa biển người mênh mông nhưng con hạc liên tục vẫy cánh khoe sắc. Nhiều người kể rằng, chim hạc vẫn tự do đi giữa hàng nghìn người mà không hề lo sợ gì” - ông Trân kể.
Sự kiện này nhanh chóng trở thành câu chuyện thời sự nóng bỏng ở xứ Nghệ lúc bấy giờ. Sau đó, hạc được đưa vào đền, cho đậu ở nơi trang trọng, có không gian thoáng để mọi người chiêm ngưỡng. Theo ông Trân, vào năm ấy, khi lễ hội xong thì chim hạc chết. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, hạc đã được mang ra Hà Nội, tiến hành việc ướp xác, và sau đó được đưa vào lồng kính chuyển về Nghệ An. “Đến nay, chim hạc vẫn không có gì thay đổi. Mỗi năm đến dịp lễ hội, chúng tôi mới phải tháo lồng kính để lau chùi” - ông Trân nói.
Chim hạc tại đền Cuông |
Cá dạt đến
Khi mà câu chuyện chim hạc còn chưa lắng xuống, lễ hội đền Cuông năm 1996 lại xuất hiện một hiện tượng lạ. Thời điểm đó, một con cá voi gần 10 tấn chết dạt vào bờ biển Cửa Hiền (thuộc địa phận xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu). Theo người dân địa phương, biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình xuống biển, sau đó người ta cũng đã lập miếu thờ tại đây. Bờ biển Cửa Hiền cạn, chuyện cá voi chết dạt vào bờ là rất hiếm gặp.
Lễ an táng xác chết của cá voi năm ấy có sự tham gia của hàng trăm nghìn người với những nghi thức trang trọng nhất. Sau đó, ngôi mộ cá voi được người dân ngày ngày hương khói. Khách về tham quan đền Cuông cũng không quên ghé qua mộ cá voi thắp nén nhang, như để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua năm xưa. Sau khi đền Cuông được tôn tạo và lễ hội hoạt động trở lại, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ. Tất nhiên, bóng dáng sau những câu chuyện như hạc về và cá voi dạt vào bờ đều ẩn hiện rất rõ bóng dáng của người xưa. Vì thế mà sau hàng nghìn năm, câu chuyện lịch sử về An Dương Vương và Mỵ Châu vẫn còn nguyên giá trị.
Nay, lễ hội đền Cuông được tổ chức thường niên từ ngày 12-16/2 âm lịch. Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân thường bày mâm cỗ với những sản vật của biển, dâng lên vua An Dương Vương để tỏ lòng biết ơn. Đồng thời cầu mong năm mới may mắn, an lành, mong những chuyến biển thuận buồm xuôi gió, cá bạc đầy khoang.
Trao đổi với ông Cao Văn Trân - người trông coi đền Cuông, ông cho biết, không chỉ những ngày lễ hay khai hội đền, mà hàng ngày bà con thập phương từ trong Nam ngoài Bắc, khi ghé qua đây đều không quên thắp hương lên đền thờ, ghé qua mộ cá voi thắp nén nhang, ngắm chim hạc. Cũng theo ông Trân, vào đời vua Gia Long, lúc mới lên ngôi (1802) đã cho tu sửa lại ngôi đền này. Năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức (1864), đền Cuông tiếp tục được trùng tu lại và từ đây lễ hội đền Cuông được phong làm quốc tế, hiện còn chữ khắc ở ván ấm nhà hạ điện. Sau lần tu bổ đó, kiến trúc đền về cơ bản giống như ngày hôm nay.
Tác giả: Điền Bắc
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết