Theo đề án chuyển đổi cây trồng xây dựng nông thôn mới, xã Phương Mỹ – Hương Khê ( Hà Tĩnh) được “ưu ái” cho trồng thí điểm ớt cay xuất khẩu.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Với vai trò cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, chính quyền địa phương tổ chức họp, vận động người dân thực hiện đề án. Sau nhiều cuộc họp, nhiều lời hứa hẹn, người dân cũng bắt tay vào thực hiện đề án trồng hơn 10ha ớt.

Anh Trần Hữu Kỷ (xóm Ấp Tiến, Phương Mỹ, Hương Khê) cho biết: “Từ đầu gia đình tôi cũng không ưng trồng cây ớt nhưng sau khi nghe xã, công ty tuyên truyền  nên cũng gắng làm tới 4 sào”. Theo nhiều hộ dân, trồng cây ớt cay vất vả hơn nhiều so với trồng các loại cây truyền thống. “Ngoài việc làm đất, làm cỏ, bón phân phải thật kỹ còn phải đóng cọc, giăng dây để cây không bị ngã, rồi phun thuốc nhiều gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây khác. Cực nhọc lắm”, anh Kỷ nói.

Vất vả là vậy nhưng đến mùa thu hoạch ớt lại mắc phải dịch bệnh đồng loạt, theo người dân là do bộ phận kỹ thuật của doanh nghiệp thiếu năng lực, trách nhiệm. Ông Trần Hữu Khấn, tổ trưởng sản xuất (xóm Ấp Tiến, Phương Mỹ) phản ánh: “Phát hiện ra sâu bệnh, tôi báo ngay cho kỹ thuật bên doanh nghiệp nhưng 10 ngày sau, khi sâu bệnh đã phát tán trên diện rộng mới về kiểm tra, rồi cho thuốc phun hai đợt mà cũng không hiệu quả”. Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Phương Mỹ cho biết: “Thật ra lỗi là cũng ở nhận thức của người dân, họ trồng ớt theo kiểu trồng cho doanh nghiệp hay cho xã chứ không phải cho họ nên không chú tâm. Ngoài ra, bộ phận kỹ thuật của DN cũng yếu kém không khắc phục được dịch bệnh”.

Dịch bệnh tàn phá khoảng 50% diện tích ớt, số còn lại thu hoạch được doanh nghiệp lại thu mua “kén cá, chọn canh” đòi hỏi chất lượng cao trong khi tư vấn kỹ thuật chưa tốt. Anh Trần Hữu Kỷ cho biết: “Nhà tui đưa 100kg  ra bán thì họ bắt ngồi lựa đi, lựa lại cuối cùng được 47 kg đạt yêu cầu và thu mua với giá 2.000đồng/kg, đến bây giờ cũng chưa nhận được tiền”. Giá thấp, tiền chẳng thấy đâu, nhiều hộ dân chẳng thèm đi thu số ớt còn lại, chấp nhận trắng tay.

Về vấn đề này, ông Quân nói: “Trong hợp đồng doanh nghiệp đã có điều khoản yêu cầu chất lượng sản phẩm. Ớt không đạt, họ thu mua cho là may rồi. Còn tiền thì thu mua đợt 2 họ mới trả tiền đợt một, nên giờ nhiều hộ chưa nhận được tiền”. Mất mùa, mất giá là vậy, nhưng hiện giờ chưa có đối thoại giữa chính quyền – doanh nghiệp – người dân để đưa ra phương án giải quyết, tháo gỡ giúp dân. Nếu trồng lạc mùa vụ này đã cho thu nhập và chuyển sang trồng đậu vụ tới. Trồng ớt thất bại gián tiếp tác động bất lợi đến vụ sản xuất mới của nông dân ở đây.

theo Tiền Phong