|
Như Dân trí đưa tin, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 8,36% từ ngày hôm nay (20/3). Theo đó, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo về điều chỉnh giá điện diễn ra cuối giờ chiều hôm nay (20/3), ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có tính đến các yếu tố tác động tới giá điện bao gồm chi phí đầu vào ở các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý...
Theo ông Tuấn, liên quan đến yếu tố đầu vào giá điện, từ ngày 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện làm tăng chi phí phát điện thêm 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, giá than sẽ điều chỉnh bước 2, đồng thời với điều chỉnh giá điện lần này, theo đó, dự kiến tăng thêm chi phí phát điện khoảng 2.000 tỷ đồng. TKV mua thêm than ngoại dự kiến cũng tăng thêm chi phí hơn 1.000 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, giá điện còn chịu tác động từ việc tính toán phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn "treo" trước đây.
"Năm 2018, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, một số khoản chênh lệch tỷ giá tiếp tục treo và năm nay phải tính vào giá điện. Với các kịch bản phân bổ khác nhau, Bộ Công Thương đã tính toán các mức tăng giá khác nhau. Việc tính toán mức độ ảnh hưởng của giá điện vào chỉ tiêu vĩ mô cũng dựa trên tính toán của Tổng cục Thống kê để từ đó, Bộ Công Thương có cơ sở xin điều chỉnh mức tăng giá 8,36%", ông Tuấn cho biết.
Nói cụ thể hơn về tác động của việc tăng giá điện lần này, đại diện Bộ Công Thương cho hay, đối với khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7 nghìn đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14 nghìn đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm khoảng 53 nghìn đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77 nghìn đồng.
"Tuy nhiên, có một đặc điểm là khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%", ông Tuấn thông tin.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, với các hộ dùng điện nhiều dùng cho kinh doanh, EVN thống kê cả nước đang có 443.00 khách hàng. Theo đó, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng.
Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869 nghìn đồng/khách hàng sản xuất.
"Đối với khách hàng sử dụng nhiều điện, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát 40 doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong lĩnh vực sắt thép, xi măng… Ví dụ như điện sản xuất xi măng, có khách hàng sẽ tăng thêm khoảng hơn 7%, tương đương 13 triệu đồng/tháng nhưng có khách hàng tăng thêm tới 94 triệu đồng. Đối với khách hàng sản xuất thép, hộ thấp nhất tăng 5% (khoảng 50 triệu đồng), cao 8,28%...", ông Tuấn cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, lần điều chỉnh giá điện này, cơ quan quản lý không chỉ tính tới tác động tới các nhóm khách hàng mà còn đánh giá tác động tới nền kinh tế chung.
"Ảnh hưởng tới CPI và GDP, Chính phủ đã họp để xem xét đánh giá và nhất trí với phương án tăng 8,36%. Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. Cùng với các giải pháp khác, sẽ vẫn đảm bảo chỉ tiêu về GDP, CPI như Quốc hội giao", ông nói thêm.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí