Cũng như các máy móc thiết bị hỗ trợ, nhưng có thể chữa trị các bệnh về thần kinh, viêm xoang, câm điếc và một số bệnh khác, chúng tôi đã tìm về địa phương để xác định thực hư…
Tuy nhiên, khi chúng tôi về đến xã Cẩm Phúc thì “thầy thuốc” Ái cùng vợ và đứa cháu đã rời khỏi địa bàn.
Trao đổi với người dân về kết quả chữa bệnh cho bà con trong xã thì không nhận được câu trả lời cụ thể, hầu hết đều “nghe nói” chứ không có tên người cụ thể đã chữa khỏi bệnh.
Ghé vào một gia đình gần nơi “thầy” Ái về chữa bệnh để tìm hiểu thêm, chị chủ nhà cho biết: “Thầy vừa đi, người đến đông lắm! Không chỉ người dân trên địa bàn mà từ nhiều nơi đổ về. Nhà tui cũng có mấy người từ Hương Khê xuống ở nhờ để chờ thầy chữa bệnh”.
Theo chị, tuy không có bệnh nhưng vì tò mò nên chị đã chứng kiến được cách chữa bệnh của “thầy”.
Người dân nói bệnh gì thì “thầy” chữa bệnh ấy. Phương pháp của “thầy” đối với một số bệnh là bấm huyệt. Riêng bệnh xoang thì “thầy” dùng que như bông tăm chọc thẳng vào mũi cho máu chảy, sau đó, bệnh nhân ra hỉ cho hết thứ máu ấy rồi vào xịt thuốc (thứ thuốc riêng của thầy). “Thầy” bảo, cứ làm khoảng 3-4 lần như vậy là được. Hỏi về kết quả điều trị của những người ở nhờ nhà chị, chị lấp lửng: “Nhờ ơn trên, ai tin thì lành bệnh mà không tin thì thôi”…
Chúng tôi đến Trạm Y tế xã để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trạm trưởng Hoàng Bá Quốc vừa thăm khám cho một bệnh nhân vừa cho biết, ông không được thông báo chuyện có người về khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Đến ngày thứ 2, ông mới biết, định sang báo với UBND xã để xuống kiểm tra thì lại nhận được tin những người về KCB đó đã rời khỏi địa bàn.
Cũng tại Trạm Y tế xã, tình cờ chúng tôi được tiếp xúc với một người vừa được “thầy” Nguyễn Văn Ái cùng vợ và đứa cháu chữa trị bệnh xoang. Bệnh nhân này tên là Nguyễn Thị Kính (xóm 6, xã Cẩm Phúc). Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tại sao được thầy chữa bệnh xoang rồi, giờ lại vào trạm y tế điều trị, bà Kính cho biết: “Tui đau thần kinh mà nói với thầy là đau xoang nên thầy chữa xoang. Thầy đã dùng que đâm vào mũi cho chảy máu nên giờ nó đau, còn đau xuống cả người”.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Thắng cho biết: “Thú thực, ban đầu, tôi cũng không biết chuyện này. Tuy nhiên, khi nghe tin, tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra thì thấy dân đến khám rất đông. Về KCB cho dân là tốt nhưng tôi cũng trăn trở về chuyện giấy phép hành nghề và sự giới thiệu của cấp trên”…
Từ việc “thầy thuốc” về KCB trên địa bàn xã Cẩm Phúc, chúng tôi thấy có rất nhiều điều đáng phải bàn. Thứ nhất, liệu “thầy thuốc” có giấy phép hành nghề về KCB không? Thứ hai, tại sao nói là KCB miễn phí cho người dân nhưng lại đặt hòm công đức thu tiền? Thứ ba, tại sao nói về chữa bệnh từ thiện cho người dân trong thời gian 4 ngày nhưng lại bỏ đi khi chưa được nửa thời gian trong khi nhu cầu của người dân còn rất cao? Hơn nữa, về chuyên môn nghiệp vụ, tại sao “thầy thuốc” mà chỉ nghe bệnh nhân nói một chiều là đau bệnh gì thì chữa bệnh ấy chứ không cần kiểm tra?…
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và huyện Cẩm Xuyên cần làm rõ sự việc, chấn chỉnh kịp thời, tránh những trường hợp tương tự tiếp tục xẩy ra.
Thục Chi – Anh Thư
Báo Hà Tĩnh