Tại toạ đàm về xâm hại tình dục trẻ em chiều 14/3, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đề xuất nên dùng biện pháp “thiến hóa học” với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Biện pháp này gồm việc tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa hormone vào người, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những ham muốn tình dục. Có thể áp dụng cả hình phạt thiến sinh học để người đó không còn khả năng tiếp tục phạm tội nữa.
Theo nữ luật sư, châu Á đã có Indonesia và Hàn Quốc áp dụng hình thức “thiến hóa học” để tiêu diệt tính dục với tội phạm ấu dâm, các nước châu Âu như Anh, Thụy Điển, Ba Lan… cũng áp dụng thiến hóa học để xử lý loại tội phạm này. “Là người mẹ, tôi rất bức xúc về các vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp diễn ra”, bà nói.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an trọng chứng hơn trọng cung nên nhiều vụ cần phải có chứng cứ mới điều tra, khởi tố được, dẫn đến xử lý rất chậm chạp. Nhưng dâm ô trẻ em thì nhiều khi không có dấu vết, vậy thì phải dựa vào lời khai nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, đối chất để xác định”, ông nói.Nhiều chuyên gia cho rằng, pháp luật hình sự đang có những khoảng trống trong thực thi, khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em kéo dài hoặc điều tra không có kết quả, gây mệt mỏi cho gia đình người bị hại, còn kẻ ác thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Luật sư Lê Văn Luân, người trợ giúp pháp lý cho gia đình cháu bé 8 tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, luật hình sự quy định tấn công tình dục trẻ em là xâm hại trực tiếp đến thân thể nạn nhân thì mới cấu thành tội. Các tội như cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô hình phạt rất thấp.
Luật sư này phân tích, một số nước dù rất cởi mở về vấn đề tình dục nhưng lại có hình phạt cực kỳ nặng với tội ấu dâm, xâm hại tình dục. Họ phân loại hành vi rõ ràng, chỉ cần gợi ý sex, dụ dỗ, gạ gẫm, cho xem tranh ảnh khiêu dâm thì cũng cấu thành tội.
TS Khuất Thu Hồng (Viện nghiên cứu và phát triển xã hội) cho biết mỗi năm phát hiện hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em, số đó ngày càng tăng và có nhiều vụ đi vào bế tắc, thậm chí “chìm xuồng”. Chỉ khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc thì vụ việc mới được giải quyết.
Bà lấy dẫn chứng về việc Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu; vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần nhưng “thủ phạm” vẫn chưa bị xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội khiến Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phải yêu cầu báo cáo điều tra.
“Vì sao lại bế tắc? Vì sự im lặng của tất cả các bên, trước hết là gia đình, cộng đồng, cơ quan chức năng và nhiều bên khác nữa”, bà Hồng nói và cho rằng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ một nền văn hoá ngại nói đến vấn đề tình dục.
Bà phân tích, văn hoá phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng rất “kỳ lạ”, đòi hỏi người con gái khi lấy chồng phải còn trinh nhưng lại im lặng trước vụ việc một đứa trẻ bị dâm ô, xâm hại. Nhiều gia đình người bị hại cũng không dám đứng lên tố cáo vì sợ cuộc sống sẽ xáo trộn, tương lai con gái bị huỷ hoại, lớn lên không lấy được chồng, thậm chí phải chuyển nhà đến nơi khác sinh sống.
Nhiều khi, xã hội quen đổ lỗi cho con gái lẳng lơ, có vấn đề thì mới bị kẻ khác dụ dỗ. Thậm chí, nét văn hoá này ăn sâu cả vào tiềm thức của nhiều người thực thi pháp luật, cho rằng phụ nữ phải có trách nhiệm với tiết hạnh của mình, đừng mặc quần áo mát mẻ ra đường buổi tối…
“Sự im lặng dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng. Tôi không rõ cần phải bao nhiêu đứa trẻ bị xâm hại, bị tổn thương thì cộng đồng mới chịu lên tiếng?”, bà đặt câu hỏi.
Mỗi năm, cả nước có từ 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện. Từ 2011-2015, trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ… |
Thái Mạc | Vnexpress