Giáo dục

Đào tạo giáo viên: VN đi ngược thế giới

Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tại VN hiện có nhiều bất cập và đi ngược các quốc gia khác.

Đại biểu tham gia hội thảo trao đổi với diễn giả đến từ Trường ĐH Sungshin - Hàn Quốc. Ảnh M.G

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội thảo quốc tế "Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 16-12.

Theo các đại biểu, việc nâng cao chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ, trong đó việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên có vai trò then chốt. Tuy nhiên, hiện cả hai khâu này đều còn nhiều bất cập.

Ở khía cạnh bồi dưỡng giáo viên, ông Trần Hoài Thanh - Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) chia sẻ: hiện có tỷ lệ khá lớn giáo viên không đủ trình độ và khả năng đáp ứng các yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục hiện hành.

Việc bồi dưỡng chuyên môn được tổ chức hàng năm cho giáo viên còn mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả, không trang bị tốt cho đội ngũ người thầy những kỹ năng cần thiết để thực hiện đổi mới giáo dục.

Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo bà Nguyễn Thị Hà - Trường ĐH Hà Tĩnh, để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm, cần phải tăng thời lượng thực hành, rèn luyện kỹ năng.

Trong chương trình đào tạo sư phạm hiện nay, thời lượng dành cho rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp rất khiêm tốn, trong đó học phần nghiệp vụ sư phạm cho chuyên ngành chỉ từ 8 đến 15 tín chỉ, chiếm khoảng 6 đến 15% tổng số tín chỉ phải tích lũy.

Điều này khiến sinh viên khi thực tập tại trường phổ thông còn lúng túng.

Cùng quan điểm này, nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc đào tạo lý thuyết và thực hành cần được thực hiện ngay từ khi sinh viên bước vào năm nhất.

Cần đưa nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên vào chương trình đào tạo, cùng với kiến tập và thực tập cuối khóa.

Hội thảo sáng 16-12

Không ít trường sư phạm đã xây dựng các trường phổ thông "vệ tinh" để làm việc này. Việc rèn luyện kỹ năng sư phạm cho sinh viên là điều quan trọng nhất.

Tuy nhiên, thời gian rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong chương trình đào tạo hiện nay mới chỉ tập trung vào các đợt thực tập. Thời gian như vậy là chưa đủ.

Việc đào tạo giáo viên ở VN tập trung quá nhiều vào kiến thức chuyên môn trong khi khối kiến thức kỹ năng nghề nghiệp và giáo dục chung lại rất ít. Đây là điều trái ngược với các nước.

Theo nhóm giảng viên ĐHQG Hà Nội, chương trình đào tạo giáo viên tại Mỹ, số lượng tín chỉ dành cho khối kiến thức giáo dục chung, kiến thức nền và nghiệp vụ sư phạm chiếm một tỷ lệ lớn.

Chẳng hạn chương trình đào tạo sư phạm toán của ĐH Illinoise, khối kiến thức chuyên ngành chỉ chiếm ¼ tổng số tín chỉ chương trình đào tạo, các môn còn lại phục vụ cho chứng chỉ hành nghề, kiến thức đại cương và giáo dục chung chiếm ¾ số tín chỉ.

Tương tự tại Singapore, chương trình đào tạo giáo viên đặc biệt chú trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Sinh viên hoàn thành chương trình dự bị ĐH muốn theo nghề giáo phải tham gia kỳ thi tuyển khắt khe, thường chỉ có 10% thí sinh trúng tuyển. Họ đào tạo giáo viên theo xu hướng tích hợp kiến thức chuyên môn luôn gắn liền với năng lực sư phạm.

Tác giả: MINH GIẢNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: giáo viên , đào tạo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP