Giáo dục

Đào tạo giáo viên theo nhu cầu: Lo tiêu cực

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa giao Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP HCM nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên giai đoạn 2017-2025

Để cứu vãn tình trạng bi quan trong đào tạo ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định từ năm 2018, các trường sư phạm sẽ đào tạo theo nhu cầu, căn cứ vào đơn đặt hàng của các địa phương. Tuy nhiên, quyết định này còn gây nhiều lo lắng.

Quy trình ngược?

GS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cho rằng việc nhiều sinh viên sư phạm không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đã dẫn tới sự lãng phí lớn. Thực tế này không phải do chế độ miễn học phí mà do quá nhiều trường đào tạo sư phạm, dẫn đến cung vượt cầu. Việc cấp kinh phí cho các trường sư phạm tính trên quy mô sinh viên đã làm cho tăng số sinh viên trong các nhà trường. Ông Quang bày tỏ sự đồng tình với phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo ông, cần dựa trên quy hoạch hệ thống sư phạm để tính toán vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với cơ chế tuyển dụng tốt. Ngoài ra có chính sách tài chính cao hơn đối với sinh viên sư phạm để cải thiện môi trường sư phạm tạo sức hút mạnh cho sinh viên. Giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong các trường địa phương hoặc các trường chưa được kiểm định chất lượng, tránh lãng phí khi miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Bài toán thừa - thiếu giáo viên tại các địa phương vẫn chưa có lời giải Ảnh: Tấn Thạnh

Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu địa phương này đã vấp phải không ít lo lắng Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng việc làm này hơi ngược quy trình, thiếu hợp lý. Việc lên kế hoạch đào tạo là công việc của cơ quan quản lý dựa trên số lượng học sinh, trường, lớp… chứ không phải là chờ đợi địa phương đăng ký. Đào tạo theo nhu cầu là điều mà ngành giáo dục đã làm từ nhiều năm trước nhưng vẫn xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu vì các sinh viên ra trường đều muốn ở lại làm việc tại các thành phố lớn chứ không quay trở về quê. Chính vì tâm lý và nhu cầu này nên giáo viên ở thành phố thì thừa nhưng vùng núi, nông thôn lại thiếu rất nhiều. "Việc giải quyết phải là ở chỗ đó chứ không phải là câu chuyện địa phương đăng ký bao nhiêu" - chuyên gia này nói.

Chạy biên chế lại biến tướng

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay trước đây nhà nước có chính sách phân công luân chuyển giáo viên đi miền núi. Thế nhưng, đã có một sai lầm là đưa người đi miền núi dạy học nhưng rồi "quên", không đưa về nữa. Theo GS Tuấn, nếu ngành giáo dục thực hiện đúng lời hứa thì các giáo viên sẽ vui vẻ lên đường thay vì tìm mọi cách chạy chọt để có thể được ở miền xuôi. "Theo tôi, việc Bộ GD-ĐT cần phải làm là dùng biện pháp hành chính hoặc làm công tác tư tưởng để đưa giáo viên đến nơi còn thiếu. Bộ trưởng cần phải nghĩ đến điều đó" - GS Tuấn nói.

GS Vũ Tuấn phân tích thêm: Tiêu cực từ việc chạy vào biên chế giáo viên đang diễn ra không ít. Đã có những học trò tốt nghiệp ĐH sư phạm khoa toán nhưng sau đó lại thi vào trường khác để học lại do không đủ tiền để "chạy" vào một suất dạy học ở trường công lập. Ông cũng kể một học trò cũ của mình cho biết giá "chạy" vào biên chế giáo viên của một trường công lập ở thành phố là 300-400 triệu đồng. "Chính vì thế, khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án căn cứ vào yêu cầu của địa phương, vào đơn đặt hàng để giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm thì tôi nghĩ tình trạng tiêu cực này sẽ không mất đi mà thậm chí còn bùng phát và biến tướng hơn" - GS Vũ Tuấn lo ngại.

Ông Tuấn nhấn mạnh đến việc Bộ GD-ĐT cần tính toán lại kế hoạch đào tạo chứ không chỉ chờ đăng ký của địa phương. Để giải quyết bài toán nơi thừa nơi thiếu giáo viên, GS Vũ Tuấn cho rằng cần có chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và thực thi nghiêm chính sách ấy. Ngoài ra, muốn để thầy cô yêu nghề giáo thì phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Phải đào tạo sát thực tế

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng để gỡ nút thắt đào tạo sư phạm hiện nay phải nghiên cứu nhu cầu thực tế. Bộ GD-ĐT phải có một khảo sát, dự báo, quy hoạch lại để cân đối cung cầu. Đấy chính là bài toán cốt lõi. Theo GS Báo, cần phải đào tạo theo sát nhu cầu thực tế. Trước mắt là đào tạo ra phải có việc làm, đồng thời vẫn khuyến khích đầu vào và cuối cùng là giải quyết chế độ lương của giáo viên theo hướng tăng lên.

Tác giả: YẾN ANH

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: giáo viên , đào tạo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP