Kinh tế

Đánh thức tiềm năng kinh tế biển Hà Tĩnh

Nằm trên một dải đất miền Trung, Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137 km. Việc khơi dậy những tiềm năng của biển ngày càng được chú trọng, vươn ra biển đó là tầm chiến lược phát triển KTXH của Hà Tĩnh.

Hưởng ứng “Tuần lễ biển đảo quốc gia Việt Nam” tổ chức tại Hà Tĩnh, PV NNVN đã có buổi trao đổi với ông Lê Đức Nhân – Phó giám đốc Sở NN&PTNT phụ trách thủy sản – về việc quản lý phát triển nguồn lợi biển Hà Tĩnh hiện nay.

Ông có thể nói về tiềm năng biển của Hà Tĩnh?


Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ với chiều dài 137km có 4 cửa lạch đổ ra biển: cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu, tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km2 trải dài qua 30 xã thuộc 5 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.


Biển Hà Tĩnh thuộc khu vực nhiệt đới có tính đa dạng sinh học khá cao, cá đa loài. Có 267 loài cá thuộc 97 họ, trữ lượng 8-9 vạn tấn trong đó 44 ngàn tấn cá nổi, 41 ngàn tấn cá đáy, đây là số liệu điều tra từ những năm 80, thế kỷ trước.


Ngoài ra có khoảng 20 loài tôm, với với nhiều loại mực, nhuyễn thể có giá trị cao và nhiều loại sinh vật, thực vật nổi tạo môi trường và nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sản sinh sản và phát triển.


Vùng ven biển thuận lợi cho phát triển NTTS với diện tích tiềm năng NTTS trên 20.000ha trong đó diện tích đất có khả năng nuôi tôm trên cát trên 4.000ha.


Biển Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế và chiến lược an ninh quốc phòng với cảng nước sâu Sơn Dương,Vũng Áng, cảng Xuân Hải, Nghi Xuân đồng thời phát triển du lịch với nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như biển Thiên Cầm, Thạch Hải, Thạch Bằng, Xuân Thành…; có tài nguyên mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất đông Dương, tiềm năng dầu khí, sa khoáng, kim loại quý đa dạng, phong phú. Suốt chiều dài 137km bờ biển có 4 cửa lạch với các Cảng cá và các khu neo đậu tránh trú bão tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, đánh bắt thủy sản, an ninh trên biển.


Khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển thưa ông?


Trong những năm qua, việc khai thác nguồn lợi biển ở Hà Tĩnh luôn đi đôi với công tác bảo tồn bảo vệ môi trường sinh thái biển.


Nói về khai thác, những năm qua, khai thác thủy sản đã đạt tổng sản lượng hàng năm 25.000-30.000 tấn, trị giá khoảng 600-750 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động trực tiếp xa khơi và hàng vạn lao động dịch vụ khác kèm theo.


Công nghệ khai thác cũng thường xuyên được cải tiến, đặc biệt là công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Toàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến thủy sản và hàng trăm cơ sở dịch vụ thủy sản ngoài quốc doanh theo kiểu Hộ gia đình, Cty cổ phần, Doanh nghiệp… Ngoài ra vấn đề an toàn nghề cá đang ngày càng được coi trọng bởi Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiên tai lũ lụt.


Vì thế nên đã quy hoạch được 4 cảng cá và 4 khu neo đậu tránh trú bão tại các cửa lạch. Ngư dân đã quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị an toàn tàu cá với 100% tàu cá trên toàn tỉnh đã có trang bị đài radio; 40% tàu cá có trang bị phao cứu sinh, 400 tàu cá có máy thông tin liên lạc…


Đối với công tác bảo vệ nguồn lợi biển, hàng năm tổ chức phối kết hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý hàng trăm vụ vị phạm ảnh hưởng môi trường biển, hàng chục vụ xâm nhập ngư trường trái phép.


Các công nghệ tiến bộ trong khai thác được quan tâm ứng dụng nhằm giảm dần cách đánh bắt lạc hậu mang tính huỷ diệt.


Bên cạnh đó Hà Tĩnh đã và đang xây dựng phương án bảo vệ phục hồi một số loài thuỷ sản quý có giá trị kinh tế như vùng tôm Hùm ở Kỳ Xuân, vùng ốc Hương ở Xuân Liên… Các bãi sinh sản, các cồn rạn, các hệ sinh thái biển, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn.


Tuy đã trong thời gian với nhiều cố gắng song ngành thủy sản Hà Tĩnh vẫn không tránh khỏi những khó khăn bất cập trong quá trình khai thác và bảo tồn tài nguyên biển. Nhìn chung khai thác vẫn chưa xứng với tiềm năng biển mang lại, công nghệ khai thác vẫn chưa có sự cải tiến đồng đều ở các địa phương như trang bị tàu lớn xa khơi đánh bắt dài ngày trên biển…


Vậy trong thời gian tới Hà Tĩnh sẽ làm gì để đánh thức tiềm năng lợi thế nguồn lợi biển?


Chiến lược của Hà Tĩnh là phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả đánh bắt luôn đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển dài ngày, nâng cao đời sống ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển; đảm bảo khai thác, phát triển phù hợp với thời kỳ hội nhập.


Để thực hiện được mục tiêu chiến lược mới, ngành đã xây dựng hệ thống tổng hợp các giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn, quy hoạch… với sự tham gia của các địa phương cũng như các ngành. Trong đó chú trọng xây dựng quy hoạch khai thác phù hợp với từng địa phương cụ thể về cơ cấu số lượng, chủng loại tàu, cơ cấu nghề hợp lý ở các vùng biển.


Công tác dự báo trong thời gian tới cần phải được tăng cường nhằm giúp đỡ thông tin ngư trường cho ngư dân khai thác đánh bắt hiệu quả hơn, việc đào tạo kỹ sư chuyên ngành cũng như đào tạo kỹ thuật cho như dân cần đi vào thực tế hơn nữa. Hà tĩnh đề xuất được nghiên cứu khảo sát để có thể xây dựng khu bảo tồn biển, vùng khai thác thuỷ sản có thời hạn tại các vùng có đối tượng đặc sản biển quý hiếm.


Xin cảm ơn ông!

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP