Ít ai biết, dưới hàng trăm triệu m3 nước đó, có rất nhiều anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ những tuyến đường huyết mạch, trong đó có đường băng sân bay Li Bi.
Gần 45 năm nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (từ năm 1976), nhưng khi nước rút, hình ảnh những đoạn dài của con đường 22 vẫn hiện ra rõ rệt. Ảnh: T.H |
Mở rộng đường bộ làm… đường băng
“Tôi khẳng định chắc chắn là có một đường băng dưới lòng hồ Kẻ Gỗ. Trong những năm tháng chiến tranh, tôi cùng với đồng đội đã nhiều lần đi qua đoạn đường này. Đường băng được lấy từ một đoạn của tuyến đường 22, san phẳng và rộng hơn các đoạn khoác”, ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Từ câu chuyện của ông Liêm, chúng tôi cùng lần mò lật giở từng trang cuốn Lịch sử GTVT Hà Tĩnh mới biết: Đầu năm 1965, chỉ có 2 tuyến đường nối miền Bắc với chiến trường miền Nam chạy dọc trên đất Hà Tĩnh là QL1 và QL15.
Dù đã bị nước nhấn chìm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nhưng công trình đường băng sân bay Li Bi và sự hy sinh của quân và dân ta là có thật. Tiếc thay, trước đến nay, dường như không ai nhắc đến công trình này và sự hy sinh anh dũng của bao người. Sách vở, tài liệu ghi chép về sân bay Li Bi hầu như không có. Tôi hỏi nhưng chính Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng không biết. Trong khi đó, những nhân chứng hầu hết đã “về” với đồng đội, người còn sống đã già, nhiều người đã lẫn lộn trong các câu chuyện kể. Ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh |
Tuy nhiên, hai tuyến đường độc đạo nói trên có quá nhiều cầu, cống, vùng đồng trũng. Chưa kể, hệ thống đường nối QL1 với QL15 và các tuyến đường thuộc các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh mùa mưa thường bị ngập lụt.
Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là phải phá thế độc tuyến, giành lại thế chủ động trong vận tải; Mở thêm các tuyến đường dọc, đường ngang để tránh các trọng điểm đánh phá, hoặc địch đánh tuyến này ta đi tuyến khác…
Và để giải tỏa những ách tắc trên đường 15, đặc biệt là phà Địa Lợi, năm 1965, theo chủ trương của Bộ GTVT, Ty GTVT Hà Tĩnh đã tổ chức lực lượng mở tuyến đường 21. Sau khi thông xe, tuyến đường này đã hỗ trợ một cách có hiệu quả cho QL1 và QL15.
Tuy nhiên, cuối năm 1966, địch đánh phá ác liệt xuống QL1 để ngăn chặn những đoàn xe vận tải vào Quảng Bình. Để phá thế độc tuyến QL1, Bộ GTVT quyết định mở đường 22.
Đường 22, khởi phát từ ngã ba Thình Thình vào Kẻ Gỗ rồi vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc đến Quảng Bình.
Thứ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tường Lân trực tiếp chỉ đạo công trường mở đường 22. Lực lượng được huy động mở gồm 4 Tổng đội TNXP với trên 2.000 người từ Bắc bộ vào.
Sau 3 tháng gian khổ khó khăn, nỗ lực chặt cây mở lối, bạt núi, xẻ đồi, đào đắp đất… đường 22 thông xe.
Những ghi chép này cũng trùng với ký ức của ông Liêm: “Tuyến đường 22 không phải TNXP ở Hà Tĩnh làm mà do TNXP ở khu vực Hà Nam ngày nay làm. Năm 1969, tôi đi TNXP làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường 22 này và sau đó giữ đến chức vụ Đại đội phó C531-N5-P18 thì đường đã thông xe trước đó”, ông Liêm kể.
Cũng theo ông Liêm, hồ Kẻ Gỗ lúc bấy giờ chưa đắp đập, tích nước như bây giờ nên một phần tuyến đường 22 đi qua vùng lòng hồ.
Đến tháng 9/1972, một đoạn nằm giữa hồ Kẻ Gỗ được chọn để làm đường băng cho sân bay dã chiến Li Bi (gọi theo tên của một khe nước trong khu vực này). Vị trí này nằm giữa một thung lũng rất rộng và bằng phẳng.
“Đường băng sân bay lúc bấy giờ chỉ mới thi công đến giai đoạn san gạt đất đá. Đường chính vẫn là sử dụng tuyến đường 22, nhưng được san gạt 2 bên rộng ra so với các đoạn khác.
Đến đầu năm 1973, khi đường băng đang thi công dở dang thì bị máy bay B52 đánh phá ác liệt làm hư hỏng nặng nề. Sau đó, Hiệp định Paris được ký kết nên chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh”, ông Liêm kể.
Còn đó những nỗi đau và trăn trở
Thương binh Nguyễn Thị Đàn kể lại quá trình làm đường băng sân bay Li Bi |
Chỉ vào cánh tay phải đã bị cắt hơn một nửa, thương binh Nguyễn Thị Đàn (ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nhớ lại: “Một nửa cánh tay này đã phải nằm lại trong một trận bom mà đế quốc Mỹ rải xuống sân bay Li Bi. Thế nhưng, tôi còn may mắn hơn nhiều anh chị em khác, họ đã nằm lại mãi mãi, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ”.
Đưa ánh mắt xa xăm về phía hồ Kẻ Gỗ, bà Đàn kể, bà nguyên là công nhân Công ty Xây dựng Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của công ty là xây dựng các công trình, nhà cửa, trụ sở các cơ quan.
Cuối năm 1972, các công nhân nhận được lệnh lên hồ Kẻ Gỗ làm nhiệm vụ, thời gian làm việc dự kiến là 3 tháng.
“Lúc bấy giờ công ty chúng tôi đi 2 tổ, khoảng 40 người. Ngoài ra, còn có công nhân của Xí nghiệp Gạch Cẩm Thành. Tất cả đều là công nhân xây dựng chứ không có TNXP. Khi lên đến nơi thì chúng tôi mới biết là làm đường băng cho sân bay Li Bi. Ban đêm bộ đội lái máy ủi, san lấp đất đá. Đến mờ sáng thì công nhân chúng tôi lên rừng gánh cây sim, cây mua về đặt xuống mặt đường băng ngụy trang”, bà Đàn kể.
Công việc của bà Đàn cùng đồng nghiệp diễn ra suôn sẻ được khoảng 2 tháng thì xảy ra sự kiện ngày 7/1/1973 – ngày mà bà mất đi hàng chục đồng nghiệp và một cánh tay của mình.
“Lúc đó khoảng 3h sáng, tổ chúng tôi đang ngủ trong lán giữa rừng máy bay B52 của địch kéo đến thả bom. Bom nhiều tới mức sáng cả cánh rừng. Tôi vừa vén màn lên bước xuống và gọi mọi người thì một loạt bom nổ sát bên tai. Tôi thấy buốt nơi cánh tay và cảm nhận được máu đang nhỏ xuống ròng ròng nên vội trườn xuống hầm”, bà Đàn kể.
Chi chít hố bom vẫn còn nguyên vẹn trên sân bay Li Bi. Ảnh: T.H |
Ngất đi vì đau đớn và tiếng bom B52 nổ bên tai, sáng hôm sau bà Đàn mới tỉnh dậy khi lực lượng bộ đội vào sơ cứu. Tuy nhiên, mãi đến 16h cùng ngày, bà mới được chuyển ra Bệnh viện Dã chiến Thạch Điền (huyện Thạch Hà). Lúc này bàn tay phải của bà đã đen tím, nên bác sĩ phải cắt bỏ đi một nửa.
“Tôi nhớ là sau loạt bom bên lán nghỉ, có một người đi bộ lội qua sông rồi mất hút, sau này cũng không về công ty nữa. Còn lại, cả tổ thi công đều hy sinh cả. Đường băng của sân bay cũng bị đánh hư hỏng nặng nề.
Sau trận bom đó đúng 20 ngày (27/1/1973) thì Hiệp định Paris được ký kết, chiến tranh kết thúc. Dù bao xương máu và công sức đã đổ ra nhưng sân bay Li Bi chưa từng được đưa vào khai thác”, bà Đàn hồi tưởng.
Xác nhận về trận bom ngày 7/1/1973, ông Lê Văn Liêm cho biết thêm: “Lúc đó đơn vị tôi đóng cách lán trúng bom khoảng 10km về phía Nam. Sáng hôm sau mọi người kể là bộ đội vào sơ cứu, phát hiện có tất cả 34 người tử vong trong đêm hôm đó”.
Cũng theo ông Liêm, trước tháng 10/1972, dọc các tuyến đường ở khu vực hồ Kẻ Gỗ đều có pháo và tên lửa. Thế nhưng, từ đầu tháng 12/1972 tất cả được kéo đi nơi khác nên máy bay B52 địch mới tự do đánh phá như vậy.
“Sau này, kết nối các dữ liệu lại mới biết, Trung ương đã nhận định được Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc. Vì vậy, pháo và tên lửa được kéo bảo vệ ra Hà Nội và sau đó tạo nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, ông Liêm cho hay.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao Thông